Bamboo Airways cất cánh, doanh nghiệp hàng không đối mặt áp lực giá vé giảm, đặc biệt là Jetstar Pacific

Tri Túc |

Riêng hãng Jetstar Pacific (JPA) bị dự báo tiếp tục lỗ bởi áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi Bamboo Airways (BA) đi vào hoạt động cuối quý 4/2018, bởi hãng này không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí nhiên liệu tăng lên và chi phí thuê máy bay tăng thêm sang hành khách.

Nói về ngành hàng không, ghi nhận nhiều năm liền cho thấy luôn tăng trưởng tích cực. Thực tế cũng dễ hiểu điều này khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, đi cùng sự phát triển về du lịch như hiện nay.

Và trong miếng bánh màu mỡ ấy, trung tuần tháng qua Thứ trưởng Giao thông Vận tải chính thức ký Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), hàng không chính thức đón chào thành viên mới.

Trong đó, Bamboo Airways là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Được biết, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ. Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng.

Giá vé hàng không sẽ chịu áp lực giảm một khi Bamboo Airways gia nhập

Trở lại với nhóm doanh nghiệp trong ngành, tính cạnh tranh tăng chính là điều dư luận quan tâm.

Từng chia sẻ về vấn đề Bamboo Airways gia nhập sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hiện tại, đại diện một hãng khá năng động cho biết thực tế các đơn vị luôn chia sẻ, hỗ trợ qua lại lẫn nhau, trong một dư địa thị trường quá lớn để khai thác.

Nói là vậy, song với sự gia tăng về số lượng vận hành, giới phân tích dự báo giá vé hành khách hàng không dự kiến sẽ chịu áp lực giảm một khi Bamboo Airways đi vào hoạt động.

Đơn cử trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kép hàng năm 2017-2023 của lợi suất hành khách (passenger yield/một thước đo của giá vé) dành cho "ông lớn" Vietnam Airlines (HVN) từ 4,3% xuống 2,3%, bởi dự báo HVN sẽ giảm giá vé máy bay để giữ thị phần, đặc biệt là từ năm 2020 trở đi, khi Bamboo Airways bắt đầu tăng công suất.

Jetstar Pacific sẽ tiếp tục lỗ vì khả năng cạnh tranh còn yếu

Riêng hãng Jetstar Pacific (JPA) bị dự báo tiếp tục lỗ bởi áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi Bamboo Airways (BA) đi vào hoạt động cuối quý 4/2018.

Chi tiết, VCSC điều chỉnh tăng lỗ của JPA từ 500 tỷ đồng lên 750 tỷ, điều này dựa trên lập luận khả năng cạnh tranh của JPA còn kém sẽ khiến hãng này không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí nhiên liệu tăng lên và chi phí thuê máy bay tăng thêm sang hành khách trong năm 2018.

Song, với HVN, hãng vẫn sẽ hưởng lợi từ:

(1) vị thế áp đảo với thị phần 30-80% đối với các tuyến có khả năng sinh lời cao nhất trong nước và các tuyến quốc tế kết nối các thành phố lớn của Việt Nam với các trung tâm tài chính trong khu vực;

(2) các công ty con hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không của HVN đang phát triển nhanh chóng và có khả năng sinh lời cao;

(3) khả năng cung cấp các dịch vụ tương đương các hãng hàng không truyền thống trong khu vực với giá cả cạnh tranh.

Theo đó, VCSC dự báo doanh thu của HVN sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 2017-2023 là 8,5%, trên cơ sở giả định doanh thu từ các công ty con tăng trưởng mạnh nhờ lượng hành khách và hàng hóa tại Việt Nam tăng cao và VNA đạt tăng trưởng ổn định nhờ tăng tần suất các tuyến bay hiện nay.

Cùng với đó, giá dầu giảm sâu trong thời gian dài, thoái vốn khỏi các công ty con và công ty liên kết lĩnh vực dịch vụ hàng không, chuyển niêm yết sang sàn HoSE và nhà nước thoái vốn cũng là động lực hỗ trợ tăng trưởng cho HVN thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều rủi ro khác bên cạnh gia tăng cạnh tranh từ đối thủ mới mà HVN và toàn ngành nói chung phải đối mặt, bao gồm đồng VND trượt giá mạnh so với đồng USD kéo theo lỗ tỷ giá liên quan đến nợ bằng USD, công suất Sân bay Tân Sơn Nhất bị hạn chế...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại