Vụ Huawei: "Huấn lệnh Hoàng gia 300 năm tuổi" đáng nhẽ đã chặn đứng cuộc điều tra bà Mạnh?

Tất Đạt |

Theo SCMP, đại sứ Trung Quốc tại Canada có thể đã hỗ trợ bà Mạnh Vãn Chu khi vị Giám đốc Tài chính này bị bắt giữ tại Vancouver.

Đạo luật đặc biệt

Những người tin tưởng vào thỏa thuận đình chiến thương mại của hai nhà lãnh đạo Trump - Tập đã nhận một cú sốc lớn khi Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại sân bay Vancouver theo yêu cầu từ chính quyền Mỹ.

Khi thông tin về vụ bắt giữ bắt đầu tràn ngập các phương tiện truyền thông, người Trung Quốc đã nổi giận. Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa lên án hành động bắt giữ, cho rằng đây là "động thái vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" và cam kết sẽ "dùng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc."

Tuy nhiên, theo SCMP, lời nói của đại sứ Trung Quốc đã không đi cùng hành động.

Một chuyên gia cho hay, nếu đại sứ Trung Quốc chắc chắn vụ bắt giữ bà Mạnh là sai, thì người này có thể đã đệ một huấn lệnh có tên "Habeas Corpus" nhằm đưa bà Mạnh ra tòa ngay lập tức để tòa phán xét tính đúng đắn của vụ bắt giữ. Đại sứ Trung Quốc đã không làm được điều này.

Dữ liệu tại trang British Library cho biết, Habeas Corpus là đạo luật được Nghị viện Anh thông qua từ năm 1679 (dưới thời trị vì của vua Charles II). Từ đó tới nay, luật đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Anh và lịch sử pháp luật thế giới trong khoản quy định các biện pháp ngăn chặn việc bắt, giam người trái pháp luật.

Tạm dịch từ tiếng Latinh, "Habeas Corpus" nghĩa là "có thân xác". Dù nghe rất lạ lẫm với ngôn ngữ hiện đại, nhưng vào thời trung cổ cụm từ này được dùng để thể hiện việc đưa tù nhân ra trước tòa. Sau này, đạo luật được áp dụng để chống lại hành vi bắt giữ người không hợp lí từ chính quyền.

Năm 1215, Đại Hiến Chương Magna Carta khẳng định không để công dân nào bị bắt giam trái pháp luật. Năm 1305, quy định này lần đầu tiên được sử dụng nhưng tới năm 1679 mới được chính thức thông qua thành đạo luật.

Đến nay "Habeas Corpus" đã trở thành một thuật ngữ phổ biến và là một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất bảo vệ quyền tự do của cá nhân, chống lại sự xâm phạm của nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong trường hợp bà Mạnh bị bắt giữ ở Vancouver, luật Canada cũng có điều khoản quy định. Hiến pháp Canada năm 1982, tại Điều 10, viết: "Khi bị bắt giữ, tất cả công dân có quyền... (c) xác định tính đúng đắn của việc bắt giữ thông qua Habeas Corpus và sẽ được thả nếu việc bắt giữ là trái pháp luật".

Một số nguyên nhân khả thi

Theo bài viết trên SCMP, có một số lí giải cho việc đại sứ Trung Quốc ở Canada không viện tới Habeas Corpus. Trường hợp đầu tiên, đại sứ Trung Quốc không nắm rõ cách thức hoạt động của luật Habeas Corpus bởi Trung Quốc không có luật này.

Trường hợp thứ hai, có khả năng chính phủ Trung Quốc lo ngại sẽ "mất mặt" vì phải dùng tới luật pháp của nước khác để "giải cứu" bà Mạnh - trong khi Bắc Kinh không có luật tương tự để hỗ trợ công dân trong trường hợp bị bắt giữ trái phép.

Hoặc trường hợp cuối cùng, chính đại sứ cũng không rõ liệu vụ bắt giữ có sai hay không. Tới nay, các mối nghi ngại xoay quanh Huawei và bà Mạnh không phải là vấn đề mới nữa.

Năm 2012, ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ đã công bố kết quả điều tra Huawei. Ủy ban thậm chí còn phỏng vấn 2 phóng viên của SCMP để tìm thông tin về các hoạt động kinh doanh mờ ám của Huawei. Theo báo cáo, Huawei đã từ chối trả lời câu hỏi về hoạt động tại Iran và đã không chứng minh được hoạt động tuân thủ cấm vận Mỹ.

Năm 2013, Reuters thông báo một công ty con của Huawei - mà bà Mạnh là người đứng đầu - đã tìm cách bán thiết bị viễn thông sản xuất bởi công ty Mỹ Hewlett Packard cho Iran, chống lại lệnh cấm vận của Mỹ tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, Reuters đã bỏ sót chi tiết rằng đối tác của Huawei là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC), tổ chức được cho là có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran.

Điều này khiến bà Mạnh không chỉ vi phạm cấm vận song phương của Mỹ, mà còn vi phạm cấm vận của Liên Hợp Quốc - và tất nhiên, đây sẽ là lí do để Canada thi hành việc bắt giữ.

Theo các chuyên gia, nếu Mỹ triển khai trừng phạt và cấm vận với Huawei, thì công ty này sẽ điêu đứng trước các tổn thất đặc biệt nặng nề.

Trong số 92 nhà cung cấp chủ yếu của Huawei, có tới 33 công ty Mỹ, bao gồm nhà sản xuất chip Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron.

Một khi Washington cấm các công ty này bán hàng cho Huawei, thì "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc sẽ gặp vô số khó khăn. Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục có động thái nhằm kìm hãm sự phát triển thần tốc của Trung Quốc cả về kinh tế và công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại