Mất kiểm soát, ông Trump nhận cú "phản đòn" đau đớn từ chính quân át chủ bài của Mỹ

Tất Đạt |

Chính sách đối nội và đối ngoại không tương đồng của ông Trump khiến nước Mỹ "hụt hơi" trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ luôn luôn là mấu chốt trong cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động.

Tuy nhiên, theo Business Insider, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức 55,5 tỉ USD vào tháng 10, mốc cao nhất trong vòng 10 năm qua. Con số này đã tăng 1,7% so với tháng 9, khi nhập khẩu tăng 0,2% còn xuất khẩu giảm 0,1%.

Ông Trump đã thường xuyên dựa vào thâm hụt thương mại để làm tín hiệu cho thấy các khoản thuế quan đối với hàng hóa và nguyên liệu Trung Quốc đang có tác dụng, dù cho hầu hết các nhà kinh tế đều không cho rằng đây là chỉ số để đánh giá tính hiệu quả của chính sách thương mại.

Mặc dù ông Trump sẽ không mấy hài lòng với kết quả này, nhưng theo một số chuyên gia, thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục tăng cao - và bởi chính những chính sách của ông Trump.

Cụ thể:

- Nền kinh tế Mỹ đang tiêu thụ mạnh hơn, và người tiêu dùng Mỹ đang dần có nhu cầu mua sắm vượt quá khả năng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa. Điều này có nghĩa Mỹ cần hàng hóa nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn tới nhập khẩu tăng.

- Nhu cầu tiêu dùng tăng đáng kể một phần vì khoản kích thích tài chính được bơm vào nền kinh tế sau khi ông Trump triển khai cắt giảm thuế và lưỡng đảng đạt được những thỏa thuận ngân sách quan trọng.

- Cùng lúc, hàng xuất khẩu từ Mỹ đang giảm bớt bởi đòn trả đũa thế quan nhằm vào các mặt hàng của Mỹ. Ví dụ, mặt hàng đậu nành xuất khẩu sang Trung Quốc - một trong những quốc gia tiêu thụ hàng đầu các mặt hàng nông sản Mỹ - đã giảm "không phanh" vì kết quả của cuộc chiến tranh thương mại.

Ian Shepherdson - chuyên gia kinh tế tại Pantheon Macroeconomics - cho rằng chính sách thương mại hiện tại đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện hữu làm suy yếu thêm hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

"Đồng USD mạnh và tốc độ tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và Châu Âu đã làm tổn hại tới xuất khẩu; thuế quan cũng là vấn đề thực sự nghiêm trọng; giá trị xuất khẩu đậu nành đã giảm 0,8 tỉ USD, chạm đáy trong 4 năm trở lại đây, giảm 43% so với cùng kì năm ngoái," ông Shepherdson nói.

Hai nhà kinh tế Jack McRobie và Gregory Daco tại Oxford Economics đánh giá: "Kiểm soát xu hướng toàn cầu, đồng USD mạnh, và các chính sách bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho xuất khẩu trong tương lai gần, trong khi nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh và hạn chế dự trữ sẽ tiếp tục làm gia tăng khối lượng nhập khẩu hàng hóa - kéo theo thâm hụt thương mại tăng cao."

Hiện tại, nếu ông Trump có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc - một điều mà các chuyên gia và các nhà kinh tế đều nghi ngờ - thì xuất khẩu sẽ tăng mạnh trở lại và thu hẹp khoảng thâm hụt thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại