Lý Thường Kiệt dẫn 10 vạn quân công phá thành Ung Châu, tướng giặc tự tử

B.T sưu tầm, SGK lớp 7 |

Giữa thế kỷ XI, nhà Tống rắp tâm đem quân sang đánh nước ta. Trước tình thế đó, Lý Thường Kiệt chủ trương "tiến đánh trước để tự vệ".

Nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta

Từ giữa thế kỉ XI, nhà Tống (Trung Quốc) gặp phải nhiều khó khăn chồng chất. Trong nước, ngân khố cạn kiệt, tài chính nguy ngập, nội bộ mâu thuẫn. Nhân dân đói khổ, nhiều nơi nổi dậy đấu tranh. Vùng biên cương phía bắc của nhà Tống thường xuyên bị hai nước Liêu – Hạ quấy nhiễu.

Nhà Tống muốn dùng chiến tranh để giải quyết tình trạng khủng hoảng nói trên, nên tiến hành xâm lược Đại Việt.

Tống Thần Tông trắng trợn nói: "Sau khi Giao Chỉ thua, hãy đặt thành quận huyện mà cai trị và hãy sung công của cải" và nếu thắng được Đại Việt thì "thế Tống sẽ tăng và các nước Liêu-Hạ sẽ phải kiêng nể".

(Dẫn theo Đại cương lịch sử Việt Nam, T.1)

Để đánh chiếm Đại Việt, nhà Tống xúi giục vua Cham-Pa đánh lên từ phía nam. Còn ở biên giới phía bắc, nhà Tống ngăn cản việc buôn bán, đi lại của nhân dân hai nước, dụ dỗ các tù trưởng dân tộc ít người.

Nhà Lý chủ động tiến công để phòng vệ

Sớm phát hiện các mưu đồ của kẻ thù, vua tôi nhà Lý đã chủ động tiến hành các biện pháp để chuẩn bị đối phó. Thái úy Lý Thường Kiệt được cử làm người chỉ huy, tổ chức cuộc kháng chiến.

Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 tại phường Thái Hòa, Thăng Long (nay thuộc Hà Nội). Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có chí hướng, ham đọc binh thư và luyện tập võ nghệ. Năm 23 tuổi, được tuyển vào trong triều để giữ chức quan nhỏ. 

Là người có cốt cách và tài năng phi thường, trải qua mấy đời vua, ông được thăng dần nhiều chức quan trọng. Lý Thánh Tông phong ông làm Thái úy.

Lý Thường Kiệt cho quân đi luyện tập và canh phòng suốt ngày đêm. Các tù tưởng được phong chức tước cao, được lệnh mộ thêm binh đánh trả các cuộc quấy phá, làm thất bại âm mưu dụ dỗ của nhà Tống. Để ổn định địa phận phía nam, Lý Thánh Tông cùng với Lý Thường Kiệt đem quân đánh bại ý đồ tiến công phối hợp của nhà Tống và Cham-pa.

Lý Thường Kiệt dẫn 10 vạn quân công phá thành Ung Châu, tướng giặc tự tử - Ảnh 1.

Lược đồ tiến công thành Ung châu, Khâm châu và Liêm châu ( nguồn ảnh: hoc24.vn)

Trước tình hình nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt thực hiện chủ trương độc đáo, sáng tạo "tiến đánh trước để tự vệ". Ông thường nói : "Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc". Do đó, ông đã gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công vào những nơi tập trung quân lương của nhà Tống, gần biên giới với Đại Việt.

Tháng 10 - 1075, Lý Thuờng Kiệt cùng Tông Đản chỉ huy hơn 10 vạn quân thủy - bộ, chia làm hai đạo tấn công và đất Tống. Quân bộ do các tù tưởng Thân Cảnh Phúc, Tông Đản chỉ huy dân binh miền núi đánh vào châu Ung (Quảng Tây). Lý Thường Kiệt chỉ huy cánh quân đường thủy, đổ bộ vào châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông).

Sau khi tiêu diệt các căn cứ tập kết quân, phá hủy các kho tàng của giặc, quân Lý Thường Kiệt tiến vào bao vây thành Ung Châu, căn cứ của quân Tống. Sau 42 ngày chiến đấu, quân nhà Lý hạ được thành Ung Châu, tướng Tô Giám nhà Tống phải tự tử. Đạt được mục tiêu, Lý Thường Kiệt chủ động rút quân, chuẩn bị phòng tuyến chặn địch ở trong nước.

Trận tập kích này đã đánh một đòn phủ đầu, làm hoang mang quân Tống, đẩy chúng vào thế bị động.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr.38-39-40.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại