Hội nghị Trump-Putin tổ chức hụt, hậu quả có thể khiến Nga nhắm vào tên lửa NATO

Hải Võ |

Cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20 hồi cuối tuần qua đã không được tổ chức.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 3/12 cho biết cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước - bị hủy bỏ ngay trước thềm G20 - dự kiến sẽ vạch ra lộ trình đối thoại về khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

"Chúng tôi đã kỳ vọng cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump - những người có thể thảo luận tiến trình và phương hướng cho cuộc đối thoại về chủ đề này (INF). Nhưng đáng tiếng là cuộc gặp đã không diễn ra," ông Peskov nói.

Người phát ngôn điện Kremlin bày tỏ quan ngại về tác động của việc Mỹ rút khỏi INF, rằng "hậu quả có thể rất tệ" đối với an ninh châu Âu và toàn cầu.

"Nếu đến cuối cùng người Mỹ rút khỏi hiệp ước đó, thì có rủi ro cao - dù hiện giờ người ta vẫn chối bỏ - rằng họ sẽ triển khai tên lửa ở châu Âu," ông nói. "Điều đó có nghĩa là NATO sẽ bành trướng về phía biên giới chúng tôi. Nếu tên lửa được bố trí ở châu Âu thì Nga sẽ buộc phải có những bước đi để bảo đảm thế cân bằng."

Ông Peskov chỉ ra, những "bước đi" của Nga đồng nghĩa với "nhắm vào mục tiêu là những tên lửa [của Mỹ và NATO]".

"Toàn lãnh thổ châu Âu sẽ nằm trong phạm vi tên lửa của chúng tôi. Và như vậy là chúng ta trở về những tháng năm thập niên 1970 huy hoàng," ông Peskov nói về rủi ro Chiến tranh Lạnh tái hiện.

"Điều này là phi logic. Thật nguy hiểm khi thay vì thảo luận các mục tiêu phát triển, thì chúng ta lại trở về tình huống đối đầu vũ trang. Điều đó rất tệ và cũng là lý do chúng tôi đang cố gắng chìa tay đàm phán với người Mỹ, đã gửi đi những tín hiệu này khác chỉ để không nhận lại được hồi đáp nào vì nhiều lý do."

Ông khẳng định không có phương án thay thế cho hiệp ước INF trong những điều kiện chính trị như hiện tại.

"Dù vẫn còn không gian để cải thiện các văn kiện, nhưng sự thay đổi chỉ có thể tiến hành trên những nền tảng cụ thể, bởi trong tình hình chính trị hiện nay thì việc xây dựng một tài liệu phức tạp như vậy là gần như bất khả thi, nếu như [tài liệu] liên quan tới mức cơ bản nhất."

Theo ông Peskov, lựa chọn hàng đầu là Mỹ không rút khỏi hiệp ước.

"Chúng tôi đồng ý với một số chỉ trích nhất của Mỹ, rằng Nga và Mỹ không phải là những nước duy nhất sở hữu các loại tên lửa [hạt nhân] như vậy. Thêm vào đó, có nhiều quốc gia mà những loại tên lửa này đang là nòng cốt trong kho vũ khí của họ. Hiển nhiên, trong điều kiện như thế mà Mỹ và Nga lại bị ràng buộc trách nhiệm trong hiệp ước này, còn các nước khác vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí."

Chính phủ Nga bác bỏ cáo buộc nước này vi phạm các điều khoản của INF, đồng thời chỉ trích ngược lại rằng phía Mỹ đã "trực tiếp hoặc gián tiếp không tuân thủ hiệp ước trong một thời gian khá dài", như phát triển các phương tiện bay không người lái, các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực có thể sử dụng để bắn tên lửa tầm trung cỡ nhỏ.

"Vấn đề khó khăn là không có phương án phụ cho đối thoại giữa các chuyên gia hai nước cũng như ý chí chính trị của các lãnh đạo. Mọi người đã biết về lập trường chính trị của lãnh đạo Nga, còn lãnh đạo Mỹ vẫn chưa đưa ra quan điểm của ông ấy," Peskov nói.

INF được ký kết ngày 8/12/1987 giữa Liên Xô và Mỹ, có hiệu lực từ 1/6/1988. Hiệp ước gồm các điều khoản liên quan đến việc triển khai và không triển khai các loại tên lửa tầm ngắn (tầm bắn 500-1.000km) và tầm trung (tầm bắn 1.000-5.500km) trên bộ.

Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1992 hiệp ước này được đa phương hóa với sự tham gia của những thành viên Liên Xô cũ như Belarus, Kazakhstan và Ukraine.

Trong những năm trở lại nay, Mỹ và Nga thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. Tổng thống Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại