Binh đoàn 18 - BQP: Những kỳ tích có 1 không 2 và lộ trình mua thêm trực thăng hiện đại

Bình Nguyên (thực hiện) |

Tại buổi trình diễn trực thăng Ansat và Mi-171A2 của Nga ở Hà Nội, ông Trần Đình Nam, Phó TGĐ TCTy Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) đã chia sẻ với chúng tôi nhiều điều thú vị.

PV: Thưa ông Trần Đình Nam, ông có thể vui lòng cho biết bằng cách nào Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) gần như từ đôi bàn tay trắng khi mới tách ra từ Không quân với hành trang chỉ có 2 chiếc trực thăng Mi-8 mà nay đã trở thành một đơn vị trực thăng có tiếng cả trong và ngoài nước?

Ông Trần Đình Nam, Phó TGĐ TCTy Trực thăng Việt Nam (VNH): Đúng vậy, Binh đoàn 18 chúng tôi khởi đầu với 2 trực thăng Mi-8 cũ, vốn được sử dụng bay vận tải quân sự, nhưng hơn 30 năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng và sự lãnh đạo sáng suốt của Ban lãnh đạo TCty cùng nỗ lực không mết mỏi của cán bộ, nhân viên chúng tôi đã đạt được những thành tựu nhất định.

Đặc biệt là từ sau năm 2000, với chiến lược phát triển đúng, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, mua sắm máy bay hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, VNH đã từng bước vươn ra thị trường bay khu vực và quốc tế, nhanh chóng khẳng định là trung tâm dịch vụ trực thăng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Binh đoàn 18 - BQP: Những kỳ tích có 1 không 2 và lộ trình mua thêm trực thăng hiện đại - Ảnh 1.

Binh đoàn 18 thực hiện nhiệm vụ bay chuyên cơ phục vụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017. Ảnh: VNH

PV: Được biết VNH là doanh nghiệp được xếp hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty đã phát triển nhanh chóng và vững chắc về mọi mặt, không chỉ cung cấp dịch vụ trong nước mà còn xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài. Vậy điều gì khiến cái tên VNH chinh phục được những khách hàng nước ngoài khó tính?

Ông Trần Đình Nam: Trước hết phải nói tới định hướng thị trường đúng đắn của Ban lãnh đạo Tổng công ty.

Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị quan trọng, để phát triển, VNH không thể chỉ trông vào mỗi bay dịch vụ dầu khí mà phải mở rộng thêm nhiều loại hình bay khác như bay du lịch, cấp cứu y tế và đặc biệt là xuất khẩu dịch bay trực thăng ra nước ngoài tới các thị trường như Na Uy, Indonesia, Malaysia, Đông Timo, Ấn Độ,...

Theo tôi, có mấy yếu tố sau đây quyết định tới thành công của VNH.

Thứ nhất là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó lực lượng phi công giàu kinh nghiệm là vốn quý đặc biệt, được các đối tác hết sức tín nhiệm.

Hiện VNH có hơn 100 phi công, trong đó có phi công đã bay tới gần 20.000 giờ, nhiều phi công đã có hơn 10.000 giờ bay tích lũy, tất cả đều có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết trên mọi loại địa hình phức tạp, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, đầu tư mua sắm những dòng máy bay đa dụng hiện đại đẳng cấp thế giới.

Từ ban đầu chỉ có 2 chiếc trực thăng Mi-8, hiện nay VNH đã sở hữu đội máy bay trực thăng hiện đại từ Nga, từ châu Âu như EC-130T2, EC-155B1, Super Puma AS 332L2, EC-225, AW-189 và tháng 12 này chúng tôi sẽ nhận thêm 2 chiếc trực thăng Bell-505 của Mỹ, đáp ứng nhu cầu hết sức đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước.

Binh đoàn 18 - BQP: Những kỳ tích có 1 không 2 và lộ trình mua thêm trực thăng hiện đại - Ảnh 2.

Đội máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Ảnh: VNH South.

Binh đoàn 18 - BQP: Những kỳ tích có 1 không 2 và lộ trình mua thêm trực thăng hiện đại - Ảnh 3.

AW-189 VN-8640 thực hiện lắp ráp, kiểm tra kỹ thuật tại Malaysia trước khi bay chuyển trường về Việt Nam. Ảnh: VNH

PV: Được biết do các sự cố kỹ thuật xảy ra năm 2012 ở châu Âu, loại trực thăng EC-225 bị Ủy ban An toàn hàng không châu Âu đình chỉ hoạt động, đứng trước khó khăn do thiếu máy bay để thực hiện nhiệm vụ, nhưng VNH đã khắc phục thành công. Ông có thể cho biết VNH đã làm gì để có được kỳ tích hồi sinh các máy bay này, đưa chúng trở lại bầu trời?

Ông Trần Đình Nam: Đúng vậy, sau vụ tai nạn của trực thăng EC-225 ở Na Uy, toàn bộ dòng máy bay này đều phải dừng bay. Tuy nhiên, VNH, nhất là đội ngũ kỹ thuật và phi công đã phối hợp chặt chẽ với hãng Airbus phân tích kỹ nguyên nhân của các sự cố.

Chúng tôi quyết định tăng số lần kiểm tra hộp số để phát hiện sớm nếu xảy ra vết nứt, đồng thời phi công cũng bay chậm hơn so với tính năng thiết kế. Đặc biệt, trong mỗi chuyến bay đều có kỹ thuật viên bay cùng để ghi lại các thông số kỹ thuật. Sau đó, những chuyến bay đã trở lại bình thường và tuyệt đối an toàn.

PV: Ông đánh giá thế nào về 2 loại trực thăng Ansat và Mi-171A2 mà Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) đưa tới Việt Nam giới thiệu ngày hôm nay?

Ông Trần Đình Nam: Đối với các trực thăng Nga thì chúng tôi đã có trên 30 năm kinh nghiệm khai thác và đánh giá rất cao về hiệu quả, về công suất của dòng máy bay này.

Binh đoàn 18 - BQP: Những kỳ tích có 1 không 2 và lộ trình mua thêm trực thăng hiện đại - Ảnh 4.

Trực thăng Ansat và Mi-171A2 của Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) bay biểu diễn ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.

Đồng thời chúng tôi cũng có Công ty bảo dưỡng Heliteco, đơn vị rất đặc biệt, duy nhất ở Đông Nam Á được cấp phép bởi Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) đại tu trực thăng họ Mi và là nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa trực thăng uy tín cho các thị trường: Srilanka, Banglades, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Indonesia…

Tôi cũng nghiên cứu và đánh giá cao 2 loại máy bay trực thăng Nga đưa tới giới thiệu ngày hôm nay.

Trong đó trực thăng Mi-171A2 có nhiều cải tiến, có nhiều cập nhật về mặt công nghệ, cánh quạt mới rồi động cơ mới có công suất rất tốt, lại có nhiều cải tiến rất hữu ích, nhất là an toàn. Về mặt khai thác, chúng tôi đánh giá rất cao.

Còn về máy bay Ansat thì nhìn dáng bên ngoài rất là đẹp, đây là lần đầu tiên tôi được xem bay biểu diễn, nhìn rất thích.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông đành giành thời gian trả lời phỏng vấn. Xin chúc Binh đoàn 18 - Tổng công ty Trực thăng Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúc đội ngũ phi công luôn bay tốt, tuyệt đối an toàn.

Cận cảnh trực thăng Ansat và Mi-171A2 của Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) trình diễn tại Việt Nam. Video: Hoàng Anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại