Đề xuất châu Âu có quân đội riêng: Kịch bản vụng, ông Trump răn đe, ông Putin cười khẩy

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chuyện Tổng thống Pháp đề xuất châu Âu có quân đội riêng nhìn bề ngoài thì thấy như thể có tầm vóc và tầm nhìn chiến lược, nhưng bên trong thực chất lại chỉ là một kịch bản tồi.

Kịch bản tồi

Ngày ký thoả thuận ngừng bắn 11.11.1918 được coi là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khắp châu Âu đâu đâu cũng có những hình thức và mức độ kỷ niệm sự kiện khác nhau, nhưng trọng thể và tốn kém nhất là ở nước Pháp.

Tổng thống nước này Emmanuel Macron như thể muốn lợi cơ thừa dịp để định hình lại bản chất của nền cộng hoà và định vị lại nước cộng hoà ấy trong thế giới hiện đại. Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều sang Pháp tham dự nghi lễ kỷ niệm chính thức.

Trước đó, ông Macron đã gây bất ngờ khi đóng vai trò dẫn dắt quyết định cùng 9 thành viên EU khác khởi xướng ý định thành lập quân đội chung với tên gọi là Sáng kiến can thiệp châu Âu, viết tắt là EI2.

Theo ông Macron, EI2 không phải là quân đội chung của nhiều quốc gia mà chỉ là liên kết quân đội của nhiều quốc gia để có được hiệu quả phòng thủ to lớn hơn và thiết thực hơn, EI2 nằm ngoài khuôn khổ phạm vi của cả Nato lẫn Liên minh phòng thủ châu Âu của EU, không cạnh tranh vai trò mà bổ sung.

Ông Trump coi sáng kiến này của ông Macron là "xúc phạm nước Mỹ" còn ông Putin lại ủng hộ. Chính phủ Đức sau nhiều ngày ngỡ ngàng và bối rối vì bị Pháp lấn lướt vai trò đã vớt vát bằng việc thể hiện quan điểm ủng hộ.

Câu chuyện nhìn vào bề ngoài thì thấy như thể có tầm vóc và tầm nhìn chiến lược, nhưng trong thực chất lại chỉ là một kịch bản tồi và thật thú vị làm sao, thậm chí hiếm thấy kể từ khá nhiều năm nay, khi các diễn viên tham gia diễn lại cố tình diễn nó rất sâu.

Có 3 nét đặc biệt ở EI2 này:

Thứ nhất là nó ở bên ngoài khuôn phổ và phạm vi của Nato và EU. Xưa nay, an ninh của những thành viên Nato và EU, trong đó có Pháp, Đức và nhiều thành viên khác nữa tham gia EI2, đều được đảm bảo bởi Nato và những nỗ lực về tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng trong EU.

Bây giờ lại sản sinh ra thêm quân đội chung nữa thì đâu có khác nào ngầm ý rằng cả EU lẫn Nato chung sức gộp lại vẫn không đủ khả năng để đảm bảo an ninh cho 10 nước kia. Như thế đâu có khác gì vừa tự "vạch áo cho người xem lưng" vừa vả thẳng vào thể diện và uy danh của cả EU lẫn Nato. Như thế, EI2 chỉ gây phân rẽ và bất hoà thêm nội bộ EU và Nato chứ giúp cho EU và Nato thêm đoàn kết nhất trí trong nội bộ.

Thứ hai, EU và Nato đều có gần 30 thành viên mà chỉ có 10 nước tham gia EI2. Tất cả những thành viên còn lại của EU và Nato xem ra cho rằng không cần đến EI2 hoặc không tin EI2 có thể đảm bảo an ninh cho họ hiệu quả hơn EU và Nato. EI2 vì thế tạo tiền lệ rất bất lợi cho EU và Nato.

Thứ ba, Nato với sức mạnh quân sự hùng hậu đến thế và EU với tiềm lực tràn trề đến thế cả về tài chính lẫn quân sự mà còn bị hoài nghi về năng lực đảm bảo an ninh cho thành viên thì EI2 làm sao có được năng lực ấy.

Bởi thế, cả ông Macron lẫn 9 thành viên kia ngay từ đầu đều sử dụng ý tưởng về EI2 làm chiêu bài chính trị là chủ yếu.

Tổng thống Mỹ răn đe, Tổng thống Nga cười khẩy

Ông Trump sử dụng cụm từ "xúc phạm" để định tính thái độ của Mỹ nhằm vừa nhạo báng vừa răn đe, nhạo báng vì thừa biết rằng các đồng minh và đối tác ở châu Âu còn rất lâu nữa mới không còn bị lệ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ, vừa răn đe các đối tác và đồng minh này, trước hết là ông Macron chớ có "ngựa non háu đá" mà quá sức và quá đà.

Đề xuất châu Âu có quân đội riêng: Kịch bản vụng, ông Trump răn đe, ông Putin cười khẩy - Ảnh 2.

Các bài viết cùng tác giả

Ông Trump thừa biết EI2 không khả thi và dẫu sau này có khả thi thì cũng không phải là đối thủ và không thể ganh đua được với Nato, nhưng vẫn dùng chuyện này làm cớ để thể hiện không bằng vai phải lứa và chứng tỏ không cùng hội cùng thuyền với ông Macron.

Còn ông Putin lại diễn theo kiểu khác. Cười khẩy bên trong nhưng lại tỏ thái độ ủng hộ ở bên ngoài, ông Putin khoét sâu vào sự phân rẽ giữa Mỹ và các nước châu Âu, khích lệ ông Macron cứ đi tiếp con đường mà cái đích chỉ có thể là nội bộ EU và Nato thêm năm bè bảy phái và sáng kiến mới không đủ sức để khiến Nga phải thật sự lo ngại.

Cả thủ tướng Đức Angela Merkel cũng diễn sâu vở kịch này. Chậm và muộn, bà Merkel mới lộ ý ủng hộ ông Macron. Đức là một trong 10 nước tham gia EI2 ngay từ đầu nên việc bà Merkel công khai ủng hộ đâu còn cần thiết, lại còn khiến thiên hạ nghi ngờ rằng phía Đức không vì EI2 mà vì suy tính lợi ích khác với việc ủng hộ EI2.

Xưa nay, trong EU vốn không thiếu ý tưởng về thành lập quân đội chung nhưng chưa lần nào được triển khai thực hiện đến đầu đến đũa. Vở kịch vốn đã dở thì dù diễn viên diễn có sâu đến mấy thì rồi cũng vẫn đâu có thể hay được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại