Nguy cơ đảo quốc Maldives phải "gán đất" cho Trung Quốc

Vĩnh Thụy |

Tại nhiều nước châu Á, nỗi lo mắc nợ nặng với Trung Quốc đã trở thành một vấn đề chính trị, các chính phủ dân cử mới phải tìm cách rút khỏi những thỏa thuận do chính phủ cũ ký với Bắc Kinh.

Ngay khi vừa kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã tuyên bố tạm ngưng 2 dự án trị giá 22 tỉ USD mà người tiền nhiệm ký với Trung Quốc.

Pakistan, nơi dự kiến sẽ thực hiện các công trình trị giá 60 tỉ USD do Trung Quốc chi tiền, cũng đang cố gắng trì hoãn hoặc xem xét lại vài dự án.

Chương trình Vành đai - Con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2015, chủ yếu là vung tiền cho các nước nghèo vay để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm để Trung Quốc mở rộng thương mại, bằng cách xây dựng cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng xuyên qua 65 quốc gia và lãnh thổ ở 3 châu Á, Âu, Phi.

Những công trình xây dựng bị đội giá tỉ đô

Bắc Kinh đầu tư hàng trăm triệu USD để các công ty nhà nước Trung Quốc xây cầu đường, nhà máy điện và cảng cùng hàng ngàn căn hộ và các dự án khác ở Maldives, nơi mà Bắc Kinh đã xem là mũi chủ đạo của BRI để Trung Quốc mở tuyến thương mại đến Ấn Độ Dương và Trung Á.

Trung Quốc gọi BRI là sự giúp đỡ phát triển hữu nghị, nhưng theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 8.11, Trung Quốc đã dùng chương trình BRI để đầu tư ồ ạt vào Maldives có không quá 500.000 dân, với những hợp đồng ngầm, không tổ chức tranh thầu và các công trình bị đội giá, dẫn đến nghi ngờ chính phủ cũ tham nhũng.

Cuộc bầu cử ngày 23.9 đã có kết quả bất ngờ là ông Ibrahim Mohamed Solih trúng cử Tổng thống trước nhà độc tài Abdulla Yameen Abdul Gayoom, người bị cáo buộc đàn áp phe đối lập, giấu nhẹm các vụ tham nhũng khi đưa Maldives vào quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tổng thống Solih cũng hứa sẽ điều tra, liệu cựu Tổng thống Yameen và người thân cận có tư lợi từ những thỏa thuận với nước ngoài hay không.

Nguy cơ đảo quốc Maldives phải gán đất cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Solih trong ngày trúng cử - Ảnh: AP

Trong 5 năm xây dựng ồ ạt và hầu như không giám sát, ông Yameen đã cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng, có cả chiếc cầu dài gồm 6 làn xe nối thủ đô Male với sân bay quốc tế. Công trình này dự kiến tốn 100 triệu USD, nhưng chỉ có 4 làn xe và đội kinh phí lên 200 triệu USD, 2/3 kinh phí là tiền vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank, của Trung Quốc).

Về công trình nâng cấp-mở rộng sân bay quốc tế, vào năm 2012, người tiền nhiệm của ông Yameen đột ngột hủy một hợp đồng thầu trị giá 500 triệu USD đã giao cho Công ty GMR của Ấn Độ.

Sau khi một tòa trọng tài tuyên Maldives phải đền bù tổn thất 271 triệu USD cho GMR, vào năm 2017, Tổng thống Yameen lập quỹ bồi thường bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 200 triệu USD, thông qua BOCOM, một ngân hàng đầu tư của Trung Quốc. Từ đó, giá thành mở rộng sân bay đội lên gấp đôi, tức 1 tỉ USD. Tập đoàn Xây dựng đô thị Bắc Kinh (Trung Quốc) được chính phủ Yameen chọn là nhà thầu mới.

Năm 2014, một cuộc điều tra cấp chính phủ từng phát hiện hàng chục triệu USD từ nguồn thu du lịch đã bị chuyển vào các tài khoản ngân hàng của vị phó tổng thống và của những người khác.

Tổng thống Yameen phủ nhận mọi sai phạm và bỏ tù vị phó, còn chánh thanh tra bị đuổi việc và phải sống lưu vong.

Theo SCMP, hiện Maldives lệ thuộc Trung Quốc theo một cách ít ai tưởng tượng được. Năm 2010, Bắc Kinh còn chưa có sứ quán ở Maldives, nay thì 1/3 nguồn du khách nước ngoài của Maldives là người Trung Quốc và 2/3 khoản nợ nước ngoài của đảo quốc này là nợ Bắc Kinh. Hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu ê hề, ngang hàng với Ấn Độ vốn là đối tác thương mại lâu năm của Maldives.

Một vị quan chức nước ngoài đề nghị giấu tên, nói với SCMP: “Trung Quốc đã mở vòi tiền, và nếu họ quyết khóa vòi, thì sẽ là sự khủng khiếp cho Maldives”.

Nguy cơ đảo quốc Maldives phải gán đất cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Tổng thống Yameen đi bỏ phiếu và thất cử - Ảnh : Reuters

Thỏa thuận thương mại tự do bàn chuyện quân sự

Quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Maldives đã khiến thế lực lớn nhất Nam Á là Ấn Độ phải lo ngại, rằng Trung Quốc toan tính lập sự hiện diện thường trực ngay trước “cửa nhà” Ấn Độ.

Năm 2017, Tổng thống Maldives lúc đó, ông Yameen đã đến Bắc Kinh để ký một thỏa thuận thương mại tự do, qua đó xóa hầu hết các mức thuế mà Trung Quốc từng áp lên hàng hóa xuất khẩu (nhất là cá) của Maldives, đảo quốc này cũng mở cửa đón hàng hóa và dịch vụ (tài chính, chăm sóc y tế và du lịch) của Trung Quốc.

Khi tranh cử, nghị sĩ Solih đã chỉ trích thỏa thuận này, phàn nàn Quốc hội Maldives chỉ có được 5 phút xem xét một tài liệu hàng trăm trang.

Trong thỏa thuận này có nói rõ về “tạo điều kiện cho một cơ sở quân sự” và vật liệu hạt nhân. Các quan chức Ấn Độ dự báo rằng Trung Quốc có thể triển khai một tàu ngầm hạt nhân.

Vài tháng sau, Trung Quốc phủ nhận một thông tin của giới truyền thông Ấn Độ, rằng một đài quan sát biển (mà Maldives cho Trung Quốc thuê ở Bãi Makunudhoo không xa bờ biển Ấn Độ) sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự.

Sốt ruột kéo giảm căng thẳng, chính phủ đương kim Tổng thống Solih đã trình bày với chính phủ Ấn Độ về một kế hoạch xem xét lại vụ cho thuê kể trên, cùng việc cho thuê các đảo khác.

Cựu Ngoại trưởng Naseem nói: “Tôi không hiểu mục tiêu là gì, nhưng tôi cho rằng phải xem xét kỹ kế hoạch này. Maldives không thể là trung tâm một cuộc chiến tranh lạnh ở Ấn Độ Dương”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại