ĐBQH thắc mắc: Tiếng trâu rống, chó sủa làm sao đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về tiếng ồn?

Bảo Bình |

ĐBQH cũng nêu ví dụ như những vật nuôi như chim trời không kiểm soát được tiếng ồn của chúng để bàn về dự thảo Luật chăn nuôi.

"Làm sao để kiểm soát tiếng ồn của chim trời?"

Chiều 7/11, cho ý kiến vào dự thảo Luật chăn nuôi, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số điểm chưa thực sự hợp lý của dự thảo Luật. Nhiều đại biểu băn khoăn khi nhắc đến vấn đề xử lý tiếng ồn phát ra từ các hoạt động chăn nuôi.

Theo dự thảo Luật, điều 60 quy định việc xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi, gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi và thiết bị liên quan. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát ra từ các hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đã phát biểu thảo luận về tính khả thi của dự thảo Luật chăn nuôi tại Quốc hội.

Đại biểu Mai Sỹ Diến băn khoăn không biết xử lý tiếng chó sủa, ngựa hí như thế nào để đáp ứng "quy chuẩn tiếng ồn quốc gia".

“Tôi không hiểu tiếng trâu rống, ngựa hí, chó sủa phải xử lý thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia như quy định. Quy định này không có tính khả thi”, báo Dân việt ghi lời ông Diến.

ĐBQH thắc mắc: Tiếng trâu rống, chó sủa làm sao đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về tiếng ồn? - Ảnh 2.

Đại biểu Mai Sỹ Diến. Ảnh: Quochoi.vn.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định: "Có những vật nuôi như chim trời không kiểm soát được tiếng ồn của chúng, chẳng hạn như việc nuôi chim yến, nên xem lại tính khả thi", báo Tuổi trẻ ghi nhận.

Biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ là biện pháp cụ thể nào?

Liên quan đến nội dung dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi), báo Vietnamplus đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội góp ý về quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi để tăng tính khả thi khi áp dụng luật.

Liên quan đến Khoản 3, Điều 70 quy định: "Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của con người với vật nuôi và cũng phù hợp với quy định trên thế giới trong đối xử với động vật. 

Tuy nhiên, vị đại biểu Kiên Giang cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả khi của quy định này.

"Hiện nay lực lượng kiểm tra của Nhà nước với hoạt động này rất ít, dễ dẫn đến việc không kiểm soát được việc sử dụng biện pháp gây ngất, từ đó, có thể lạm dụng thuốc trong thực hiện biện pháp, dẫn đến chất lượng sản phẩm của vật nuôi không an toàn khi sử dụng. 

Tôi đề nghị quy định về sử dụng thuốc gây ngất trước khi giết mổ là thuốc được phép sử dụng…" đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu quan điểm.

Trao đổi về vấn đề nhân đạo với vật nuôi, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cũng cho rằng quy định có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ chỉ phù hợp với mô hình cơ sở giết mổ tập trung, còn các điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình thì quy định như thế nào?

"Biện pháp gây ngất áp dụng biện pháp cụ thể nào, điện giật hay đánh ngất hay hình thức nào để khi ban hành luật phát huy hiệu quả trong thực hiện," đại biểu Tống Thanh Bình nói.

Điều 70 của dự thảo Luật Chăn nuôi (sửa đổi) quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ:

Chủ cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây trong giết mổ:

1. Cơ sở giết mổ phải có nơi lưu giữ bảo đảm vệ sinh, cung cấp nước uống phù hợp với loại vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ.

2. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ.

3. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại