Gây "áp lực tối đa" với Iran nhưng lại chừa ngoại lệ, ông Trump đang suy nghĩ quá giản đơn?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Việc Mỹ coi 8 nước là ngoại lệ cho thấy cái gọi là "áp lực tối đa" của Mỹ cũng chỉ có giới hạn. Mỹ đã gây khó cho Iran suốt bao năm qua, nhưng đâu có khuất phục nổi Iran...

Mưu tính dễ...

Với hiệu lực chính thức từ ngày 5/11/2018, Mỹ áp dụng trở lại tất cả những biện pháp trừng phạt Iran vốn đã ngừng lại sau khi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) có hiệu lực.

Thoả thuận này được ký kết hồi mùa hè năm 2015 giữa 7 nước là Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức; sau đó được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ phê chuẩn và công nhận có giá trị luật pháp quốc tế.

Thỏa thuận JCPOA xử lý vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và buộc Mỹ chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt đã triển khai áp dụng đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Nó bị chính quyền mới ở Mỹ lật ngược.

Chính quyền này rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận ấy để không còn bị ràng buộc gì bởi thỏa thuận ấy, mà có thể tự tung tự tác với việc lại gây chuyện và gia tăng áp lực đối với Iran, sử dụng lại phương cách cũ là trừng phạt để buộc Iran phải chấp nhận nhiều điều kiện hơn liên quan đến cả vấn đề chương trình hạt nhân lẫn chương trình tên lửa nói riêng, và đến toàn bộ chính sách đối ngoại và an ninh của Iran nói chung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump làm việc này rất bài bản và nhất quán. Ngay từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump đã công khai phê phán JCPOA, coi nó là thỏa thuận tồi tệ nhất đối với nước Mỹ và cam kết sẽ lật ngược nó nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.

Lên cầm quyền ở Mỹ, ông Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA, sau đó áp dụng trở lại một phần trong số những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp dụng đối với Iran ở thời chưa có JCPOA, liên quan đến việc cấm Iran mua bán và thanh toán quốc tế bằng đồng USD.

Lần này, những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm trực diện vào xuất khẩu dầu lửa và quan hệ ngân hàng của Iran với các đối tác bên ngoài.

Điều đặc biệt và khác trước ở đây là Mỹ trừng phạt cả những nước và doanh nghiệp duy trì quan hệ hợp tác với Iran trên hai lĩnh vực ấy - ngoại trừ 8 nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq,....

Gây áp lực tối đa với Iran nhưng lại chừa ngoại lệ, ông Trump đang suy nghĩ quá giản đơn? - Ảnh 2.

Ông Trump "mượn" poster phim "Trò chơi vương quyền" để thông báo về đòn trừng phạt mới đối với Iran. Ảnh: Twitter.

Đối với chính quyền của ông Trump ở Mỹ, việc mưu tính mới này về Iran không khó khăn gì và cũng không khó hiểu. Ông Trump muốn bỏ cái cũ để có cái mới mang dấu ấn riêng, muốn chơi cuộc chơi mới đồng thời trên mọi phương diện với Iran, chứ không chỉ có xử lý tạm thời vấn đề chương trình hạt nhân của Iran như người tiền nhiệm đã làm với JCPOA.

Điều này thể hiện rất rõ ở 12 điều kiện mà bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra cho Iran.

Cách tiếp cận của ông Trump cũng rất đơn giản khi cho rằng chỉ cần gây "áp lực tối đa" với Iran là sẽ đạt được mục đích, bởi ông Trump tin rằng áp lực tối đa kia sẽ gây khó khăn cho chính quyền Iran tới mức phải nhượng bộ Mỹ hoặc bị chính dân chúng ở Iran lật đổ, tức là ở Iran nếu không có sự thay đổi về chính thể thì cũng sẽ có sự thay đổi về chính sách đối ngoại và an ninh rất cơ bản theo hướng Mỹ mong đợi.

Thành công khó

Thực tế rồi đây có như Mỹ mong đợi hay không, hiện lại là câu hỏi mà không ai có thể trả lời nổi. Điều có thể chắc chắn được là ông Trump và cộng sự sẽ không dễ dàng thành công như mưu tính.

Hiện tại đâu có phải là lần đầu tiên Mỹ gây hấn và áp dụng những biện pháp trừng phạt Iran. Mỹ đã gây khó cho Iran suốt bao năm qua, nhưng đâu có khuất phục nổi Iran.

Iran có trong tay những con chủ bài chiến lược mà Mỹ và đồng minh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh vẫn luôn phải kiềng nể.

Mỹ trừng phạt Iran vậy, mà đâu có ngăn cản được sự phát triển của chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Khi trước, Mỹ có EU là đồng minh trong xử lý vấn đề hạt nhân của Iran. Bây giờ, EU cùng với Nga và Trung Quốc quyết tâm duy trì JCPOA chứ không theo Mỹ hay để cho Mỹ hủy hoại JCPOA.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ gây tác động tiêu cực tới Iran về kinh tế, thương mại và cả chính trị xã hội, nhưng đất nước này chắc chắn đã có sự chuẩn bị cho trận đối đầu mới với Mỹ.

Gây áp lực tối đa với Iran nhưng lại chừa ngoại lệ, ông Trump đang suy nghĩ quá giản đơn? - Ảnh 4.

Việc Mỹ coi 8 nước là ngoại lệ còn cho thấy cả cái gọi là "áp lực tối đa" của Mỹ cũng chỉ có giới hạn.

Ông Trump có cách bao biện riêng cho việc lật ngược JCPOA và bao che cho Israel và Ả rập Saudi, nhưng không làm đảo ngược được chiều hướng diễn biến tình hình là Mỹ ngày càng bị cô lập thêm, sa uy sút danh thêm trên thế giới.

Hậu quả trước hết là quan hệ giữa Mỹ với Iran lại trở nên căng thẳng và đối địch, cũng như tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trở nên phức tạp và bất ổn.

Hệ lụy trước hết là các đối tác phải cẩn trọng hơn trong ký kết thỏa thuận với Mỹ, đặc biệt là Triều Tiên.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại