Người Trung Quốc ở Kenya: Con dao hai lưỡi đục khoét xã hội người bản địa

Thủy Thu |

Vụ việc quản lý người Trung Quốc lăng mạ và ví các công nhân người Kenya với một loài linh trưởng bản địa đã gây phẫn nộ trong xã hội của đất nước châu Phi.

Richard Ochieng - vốn là một trẻ mồ côi, lớn lên trong một ngôi làng gần hồ Victoria. Vì hàng xóm xung quanh đều là người da đen nên anh không bị phân biệt đối xử. Sau này, khi học tại một trường đại học ở một địa phương khác ở Kenya, anh cũng không bị phân biệt đối xử.

Mãi cho đến khi anh tới làm việc ở tại công ty chế tạo xe máy do người Trung Quốc đầu tư ở Ruiru, một thị trấn đang phát triển, lân cận thủ đô Nairobi, thì thái độ của mọi người xung quanh đối với anh đã thay đổi.

Ochieng kể lại, cấp trên người Trung Quốc đã thường xuyên lăng mạ và ví anh và những người dân Kenya khác với loài linh trưởng bản địa

Điều này khiến anh cảm thấy tức giận và quyết định ghi lại những hành vi và lời nói thô lỗ của cấp trên. Sau khi video của anh được lan truyền trên mạng vào tháng trước, chính quyền Kenya đã nhanh chóng trục xuất quản lý của Ochieng về Trung Quốc.

Phân biệt đối xử

Theo New York Times (NYT-Mỹ), khi Kenya chủ động tiếp nhận sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực qua dự án Vành đai và con đường thì rất nhiều người dân bản địa đặt ra câu hỏi rằng, liệu đất nước này có vô tình chào đón dòng người nước ngoài - những người mang lại tương lai nhưng đồng thời cũng mang đến thái độ phân biệt chủng tộc hay không.

Đối với quốc gia này, đây là vấn đề nhức nhối, nhiều người Kenya, đặc biệt là những người trẻ đều không ngờ họ phải đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc trong thế kỷ 21, NYT nhận định.

Ngày nay, những người trẻ ở Kenya nói rằng, phân biệt chủng tộc là một hiện tượng mà họ biết đến gián tiếp thông qua các bài học lịch sử và tin tức từ nước ngoài. Tuy nhiên, hành vi phân biệt đối xử của lực lượng lao động Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực đã khiến nhiều người Kenya khó chịu, đặc biệt khi quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt.

Người Trung Quốc ở Kenya: Con dao hai lưỡi đục khoét xã hội người bản địa - Ảnh 1.

Nhân viên Trung Quốc làm việc ở ga tàu tại Kenya. Ảnh: NYT

"Họ là những người có vốn đầu tư, chúng tôi muốn tiền của họ nhưng chúng tôi không muốn họ đối xử với chúng tôi theo một cách không phải đối với con người ở đất nước của chúng tôi," David Kinyua, 30 tuổi nói.

Ông quản lý một khu công nghiệp ở Ruiru. Ruiru là nơi có nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm cả công ty xe máy mà Ochieng đang làm việc.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi. Để trả chi phí cho các dự án này, nhiều nước châu Phi đã vay mượn từ Trung Quốc hoặc dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dự trữ dầu.

Khi hạch toán chi phí, thông thường các nước châu Phi thường lo ngại về số nợ ngày càng tăng hơn là hành vi kỳ thị, bóc lột sức lao động người dân bản địa của công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, người dân Kenya ngày càng lưu tâm hớn đến sự kỳ thị của các ông chủ Trung Quốc.

Ở Nairobi, một công nhân đã chia sẻ những câu chuyện mà họ chứng kiến ​​về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Một người cho biết, cô đã nhìn thấy nữ quản lý người Trung Quốc đã tát vào mặt một công nhân Kenya chỉ vì một sai lầm nhỏ.

Các công nhân Kenya khác cho biết thêm sự phân biệt chủng tộc còn được thể hiện ngay cả ở cách thiết kế phòng vệ sinh ở công ty, một cho nhân viên Trung Quốc và một cho người Kenya.

Có khoảng 40.000 người Trung Quốc đang làm việc ở Kenya, họ sống trong những khu nhà lớn, đi làm bằng xe bus riêng nên có ít tương tác xã hội với người Kenya.

"Vì sự cô lập và thiếu sự hội nhập này, họ thường không biết nhiều về tình hình địa phương", Huang Yuxiang, một nhà môi trường học người Trung Quốc sống ở Nairobi nói. Ngoài ra, Huang cũng cho hay, nhiều người Trung Quốc đến châu Phi thường mang theo quan niệm phân biệt chủng tộc, khi coi người bản địa là "lớp đáy xã hội".

Ngay cả trong một dự án lớn do chính phủ Trung Quốc đầu tư, một tuyến đường sắt dài 300 dặm nối Nairobi và Mombasa, đã có một cáo buộc về sự kỳ thị.

Tháng 7 vừa qua, tờ The Standard của Kenya đã mô tả bầu không khí "tân thực dân" của các công nhân đường sắt Kenya dưới sự quản lý của người Trung Quốc. Tờ này cho biết một số người Kenya đã bị xúc phạm và quản lý Trung Quốc không cho phép các kỹ sư Kenya lái tàu trừ khi phóng viên có mặt ở hiện trường.

Đây là một tin sốc, bởi trước đó tin tức về hai nữ nhân viên người Kenya lái tàu trong lần thông xe được đưa tin rầm rộ, khi đó Tổng thống Uhuru Kenyatta cũng có mặt trên chuyến tàu đó, NYT viết.

Trong một cuộc phỏng vấn với NYT, một số lái tàu hiện tại và trước đây đã xác nhận rằng chỉ có người Trung Quốc mới quyền vận hành tàu.

Fred Ndubi - người cũng từng bị quản lý người Trung Quốc ví như một loài linh trưởng đã tức giận bỏ công việc liên quan đến đường sắt sau khi bị xúc phạm, chia sẻ rằng để trang trải chi phí đào tạo cần thiết của lái tàu, ông đã phái bán đi 1/4 số ruộng gia đình đang sở hữu.

Theo NYT, trường hợp của Ochieng và những công nhân Kenya khác đang phản ánh tương lai hai nước Trung Quốc - Kenya. Anh ta tìm kiếm một công việc và cảm thấy công việc này sẽ mang lại triển vọng lớn nhưng khi đi làm, anh ta đã phát hiện ra một thực tế khác.

Ochieng nói, tiền lương chỉ là số lẻ của con số lúc đầu trong hợp đồng vì quản lý Trung Quốc đã khấu trừ tiền lương của anh khi cáo buộc anh vi phạm hàng loạt kỷ luật công việc.

"Không được phép cười", một trong các quy định của công ty hay "mỗi phút đến muộn đều sẽ bị phạt rấy nặng", đến muộn là điều không thể tránh khỏi trong tình trạng giao thông xuống cấp như hiện nay ở Kenya.

Ochieng cho biết, có những công nhân đã bị trừ tiền lương của 5, 6 giờ làm việc chỉ đến muộn 15 phút.

Liu Jiaqi, 26 tuổi, là một người quản lý Trung Quốc, đặc biệt "gây ấn tượng" với Ochieng. "Đôi khi anh ta tươi cười, thể hiện sự thân thiện với mọi người nhưng khi gặp vấn đề về tiền bạc, hoặc phát sinh sự cố nào đó, thái độ của Liu Jiaqi lại quay ngoắt 180 độ với cấp dưới".

Lia Jiaqi sau đó đã phải trở về Trung Quốc trước sự phản đối gay gắt của các công nhân Kenya. Trong khi người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Kenya khẳng định, phát ngôn và hành vi cảm tính của Liu không đại diện cho cách nhìn của đại đa số người Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại