Tập luyện phòng ngừa bệnh về thận

TS.BS. Phạm Quang Thuận |

Việc tập luyện giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, kiểm soát huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, thừa cân-béo phì... từ đó giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh thận.

Ở các nước đang phát triển như nước ta, số người mắc bệnh thận – suy thận có xu hướng ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân gây suy thận, trước đây chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, nhất là do viêm cầu thận, nhưng nay suy thận do biến chứng từ tăng huyết áp hay các bệnh chuyển hóa như gout, béo phì, đái tháo đường không ngừng tăng cao.

Tiến triển của bệnh thận mạn tính dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận.

Tuy nhiên, có thể phòng tránh và kiểm soát được bệnh lý thận nếu tuân thủ những nguyên tắc như:

Hoạt động thể lực phù hợp; kiểm soát đường huyết; kiểm soát huyết áp; chế độ dinh dưỡng phù hợp và kiểm soát cân nặng; đảm bảo uống đủ nước; tránh các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…); dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; khám định kỳ và kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.

Những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, gout, tăng huyết áp... thì cần lưu ý, tránh để biến chứng sang suy thận.

Ảnh hưởng của hoạt động thể lực đối với hệ thống thận tiết niệu

Lao động/hoạt động thể lực với đặc trưng là hiện tượng vận cơ và tăng tiêu hao năng lượng để phù hợp với yêu cầu vận động. Năng lượng sinh ra trong quá trình vận cơ một phần ở dạng công một phần ở dạng nhiệt. Nhiệt làm thân nhiệt tăng cao và cơ thể điều hòa bằng cách tăng bài tiết mồ hôi, tăng nhịp thở, giãn mạch ngoại biên.

Khi cơ thể mất nước qua mồ hôi, tuyến yên sẽ tăng tiết hormon thúc đẩy quá trình tăng tái hấp thu nước ở ống thận. Đồng thời, khi hoạt động thể lực lượng máu phân bổ tới hệ thống cơ bắp tăng cao, cùng với hiện tượng giãn mạch ngoại vi làm giảm lượng máu lưu thông tới thận, dẫn đến thiếu máu nhu mô thận, ảnh hưởng đến quá trình lọc máu tạo ra nước tiểu ở thận.

Do đó lượng nước tiểu sẽ giảm thấp, thậm chí hoạt động thể lực nặng có thể dẫn tới tình trạng vô niệu tạm thời.

Hoạt động thể lực cũng làm thay đổi thành phần của nước tiểu. Do thiếu máu, thiếu oxy nhu mô thận trong khi đang hoạt động thể lực nên tính thấm của niêm mạc tiểu cầu thận thay đổi, xuất hiện protein, hồng cầu, glucose niệu.

Các sản phẩm của quá trình trao đổi chất, quá trình phân giải protein tăng, pH nước tiểu giảm do nồng độ acid lactic, acid phosphoric tăng. Tỷ trọng nước tiểu tăng.

Tập luyện phòng tránh và kiểm soát bệnh thận

Tập luyện có thể không trực tiếp tác động có lợi đối với hệ thống thận tiết niệu. Nhưng việc tập luyện giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, kiểm soát huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, thừa cân-béo phì… từ đó giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh thận.

Béo phì dẫn đến những thay đổi trực tiếp về áp lực lọc và áplực máu tại thận. Với người mắc bệnh thận mạn tính có kèm theo tình trạng thừa cân - béo phì cũng làm tăng tiến triển bệnh. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, dẫn đến bệnh thận mạn tính, suy thận giai đoạn cuối.

Điều trị bệnh thận ở bệnh nhân béo phì, bước đầu tiên phải giảm trọng lượng cơ thể, do đó việc luyện tập phù hợp để kiểm soát cân nặng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sỏi thận cũng là một bệnh lý tiết niệu thường gặp. Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự hình thành, tiến triển của bệnh. Ngoài ra, thói quen sinh hoạt uống ít nước, nhịn tiểu..., đặc thù công việc tĩnh tại ít vận động có thể là những yếu tố nguy cơ hình thành sỏi.

Vì vậy, các hoạt động thể lực phù hợp thậm chí không phụ thuộc vào khối lượng, cường độ hay thời gian vận động cũng có vai trò quan trọng góp phần làm giảm nguy cơ sỏi thận.

Phân loại khả năng hoạt động thể lực

Y học dùng đơn vị chuyển hóa tương đương (Metabolic Equivalent Unit – MET) để chỉ lượng oxy (tính bằng ml) cần tiêu thụ lúc nghỉ của một cơ thể.

1MET = 3.5ml O2 /1 phút/kg. Khả năng hoạt động thể lực có thể tính bằng tích số của MET và chỉ số này được dùng để hướng dẫn hoạt động thể lực trong bệnh thận.

Phân loại hoạt động thể lực theo giới hạn của METs:

+ Loại A: METs 1-2, nghỉ ngơi, tránh lao động/hoạt động thể lực.

+ Loại B: METs 3-4, học tập bình thường; thực hiện các công việc nhẹ như nấu ăn, giặt là, dọn nhà, làm vườn; các hoạt động tập luyện như đi bộ chậm, tránh các hoạt động thể lực nặng.

+ Loại C: METs 4-5, công việc hành chính, nội trợ bình thường, việc nông nghiệp nhẹ; tập luyện thể lực nhẹ đến vừa như đi bộ nhanh, bơi, đánh golf...

+ Loại D: METs 5-6, hoạt động thể lực mức độ vừa, tập luyện thể dục thể thao như chạy tốc độ chậm, bóng bàn, cầu lông, tập aerobic...

+ Loại E: METs > 7-không giới hạn, lao động nặng; có thể thực hiện các hoạt động thể lực nặng như bóng chuyền, bóng rổ, đá bóng, chạy tốc độ, chạy cự ly dài, tập gym...

Tập luyện phòng ngừa bệnh về thận - Ảnh 1.

Tránh lối sống tĩnh tại.

Chế độ hoạt động thể lực trong một số bệnh thận

Cùng với chế độ ăn uống, việc thực hiện chế độ lao động/hoạt động thể lực có vai trò rất quan trọng đối với người mắc bệnh thận.

Bệnh viêm cầu thận cấp

- Giai đoạn tiến triển đái ít, phù: Người bệnh cần nghỉ ngơi, hoạt động thể lực loại A.

- Giai đoạn hồi phục: Người bệnh có thể làm việc nhẹ, học tập bình thường, hoạt động thể lực loại B.

- Ổn định trong 6 tháng: Làm việc bình thường, thể dục nhẹ nhàng, chế độ hoạt động thể lực loại C.

- Ổn định trong 2 năm: Làm việc bình thường, có thể tập thể dục thể thao, chế độ lao động loại D.

Béo phì dẫn đến những thay đổi trực tiếp về áp lực lọc và áp lực máu tại thận. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, dẫn đến bệnh thận mạn tính, suy thận giai đoạn cuối.

Viêm cầu thận mạn tính

Nếu protein niệu < 1 g/24giờ:

Không tăng huyết áp, không suy thận: Chế độ hoạt động thể lực loại E.

Suy thận độ I: Chế độ hoạt động thể lực loại E.

Suy thận độ II, IIIa: Chế độ hoạt động thể lực loại D.

Suy thận độ IIIb: Chế độ hoạt động thể lực loại C.

Suy thận độ IV: Chế độ hoạt động thể lực loại B.

Tăng huyết áp, không suy thận: Chế độ hoạt động thể lực loại E.

uy thận độ II: Chế độ hoạt động thể lực loại D.

Suy thận độ IIIa, IIIb: Chế độ hoạt động thể lực loại C.

Suy thận độ IV: Chế độ hoạt động thể lực loại B.

Nếu protein niệu > 1 g/24giờ:

Không tăng huyết áp, không suy thận: Chế độ hoạt động thể lực loại E.

Suy thận độ I, II: Chế độ hoạt động thể lực loại D.

Suy thận độ IIIa, IIIb: Chế độ hoạt động thể lực loại C.

Suy thận độ IV: Chế độ hoạt động thể lực loại B.

Tăng huyết áp, không suy thận: Chế độ hoạt động thể lực loại D.

Suy thận độ II, II, IIIa: Chế độ hoạt động thể lực loại C.

Suy thận độ IIIb, IV: Chế độ hoạt động thể lực loại B.

Hội chứng thận hư

Tùy theo giai đoạn bệnh và chức năng thận, chế độ hoạt động thể lực thích hợp như sau:

Đang tiến triển: Chế độ hoạt động thể lực loại A.

Điều trị không kết quả:

Suy thận I - III chế độ hoạt động thể lực loại B.

Suy thận IV chế độ hoạt động thể lực loại A.

Điều trị khỏi:

Suy thận I – II: Chế độ hoạt động thể lực loại C-D.

Suy thận III – IV: Chế độ hoạt động thể lực loại B-C.

Khỏi hoàn toàn: Chế độ hoạt động thể lực loại D hoặc E.

Tái phát: Chế độ hoạt động thể lực loại A.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại