Chạy khắp nơi vay tiền cho bạn, cô gái không ngờ được kết quả diễn ra ngay sau đó

Trần Quỳnh |

Có đôi khi, một lời từ chối chân thành còn quý giá và cần thiết hơn sự giúp đỡ một cách cả nể.

Trong cuộc sống, bạn đã bao giờ gặp phải tình huống như thế này hay chưa? Đó là khi người khác tìm kiếm sự giúp đỡ ở bạn, nhưng nếu đồng ý giúp thì việc đó lại quá khả năng cho phép, còn nếu chối từ thì bạn sẽ cảm thấy chẳng còn mặt mũi nào đối diện với họ.

Một khi bạn cả nể nhận lời, bản thân chắc chắn sẽ mệt mỏi lao lực vì sự giúp đỡ vượt quá phạm vi cho phép này. Nếu không làm xong việc, giúp đỡ không đúng ý, bạn thậm chí còn tự rước bực vào người, chuốc phiền vào thân.

Hay đã có lúc nào bạn phải đối diện với trường hợp khó xử như thế này chăng? Đó là khi một người khác phái mong muốn nhận từ bạn một thứ gì đó. Nếu bạn đáp ứng thì trong lòng không thích, mà cự tuyệt thì lại sợ đối phương bị tổn thương.

Hoặc giả, bạn đã từng trải qua rất nhiều tình huống khó xử, ví dụ như bạn là một người ghét thức khuya, nhưng lại nhận được một lời mời đi chơi thâu đêm tới sáng. Hay bạn muốn dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn vào cuối tuần, nhưng lại có lời mời đi ăn cơm với một người bạn…

Mỗi lần như vậy, bạn sẽ không khỏi đắn đo, lo sợ rằng nếu mình từ chối thì bạn bè mất hứng, mà không cự tuyệt thì lại phá vỡ kế hoạch riêng tư của chính mình.

Khi đã trải qua không ít lần như vậy, bạn sẽ dần phát hiện ra rằng, nếu không học được cách nói lời từ chối với người khác, cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng mệt mỏi.

Từ câu chuyện vay tiền của một nữ sinh cả nể...

Chạy khắp nơi vay tiền cho bạn, cô gái không ngờ được kết quả diễn ra ngay sau đó - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong ký túc xá nọ có một cô nữ sinh vừa xinh đẹp, vừa có khí chất, đặc biệt là đối với ai cũng vô cùng nhiệt tình.

Từ những việc như giúp bạn cùng phòng đi lấy cơm, điểm danh hộ bạn, cùng bạn đi dạo phố… phàm là việc có thể làm, cô đều tận lực tận tâm, hết lòng giúp đỡ người khác.

Mấy tháng trước khi tốt nghiệp đại học, cô nữ sinh ấy đột nhiên phải chạy vạy vay tiền khắp nơi. Điều này khiến bạn thân không khỏi kinh ngạc, bởi gia cảnh nhà cô vốn khá giá, chi tiêu hàng ngày cũng không hề thiếu thốn, vì sao lại phải hỏi vay tiền khắp nơi như vậy.

Cô nữ sinh giải thích:

"Bạn cùng phòng mượn tớ 10 triệu. Nhưng tớ không có nhiều tiền đến thế, nên đành hỏi thăm mấy người bạn thân để gom góp đủ tiền cho cậu ấy mượn".

Bạn thân của cô không khỏi thắc mắc: "Cậu đã không có đủ tiền, sao lại còn đồng ý cho người ta vay?".

Cô nữ sinh bối rối giải thích: "Tớ cũng muốn từ chối nhưng chẳng tìm được lý do gì thích hợp. Hơn nữa cô ấy lại cần gấp như thế, tới cũng không nỡ lòng nào mở miệng nói không".

Trên thực tế, mối quan hệ của cô nữ sinh với người bạn vay tiền kia cũng không phải quá mức thân thiết, chỉ dừng lại ở mức bạn bè ở chung phòng mà thôi.

Hơn nữa, cô bạn vay tiền này vốn là một người không có chữ tín. Đặc biệt về phương diện tiền bạc, cô bạn này nổi tiếng là "vay nhiều trả ít, vay ít không trả".

Sau này, cô nữ sinh mới biết hóa ra bạn cùng phòng của mình vay tiền không phải vì có chuyện gì cần kíp mà chẳng qua là muốn đổi điện thoại  thời thượng mà thôi.

Nhiều năm sau đó, khi cô nữ sinh đã tốt nghiệp và đi làm mấy năm, người bạn cùng phòng vay tiền năm nào vẫn còn nợ cô tiền chưa trả hết…

Chạy khắp nơi vay tiền cho bạn, cô gái không ngờ được kết quả diễn ra ngay sau đó - Ảnh 2.

Trợ giúp người khác là lòng tốt, nhưng giúp đỡ một cách tùy tiện chính là dung túng. (Ảnh minh họa).

Trong xã hội ngày nay, có một vài người mang theo thói quen dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác.

Khi đi thi, họ xin xỏ giám thị châm chước việc mình quay cóp. Khi làm việc, họ nài nỉ đồng nghiệp đừng báo cho sếp biết lỗi của mình. Lúc thua cờ bạc, họ lại chạy vạy cầu xin bạn bè mỗi người giúp đỡ một ít…

Trong khi đó, họ rõ ràng có thể thi cử một cách nghiêm túc mà không cần quay cóp, có thể nỗ lực làm việc để tránh mắc sai lầm, cũng có thể chăm chỉ làm giàu dựa trên sức lực và tài năng của mình mà không nhờ vào bài bạc.

Thế nhưng họ lại phạm phải một sai lầm chí mạng. Đó chính là cầu xin sự giúp đỡ của người khác, hơn nữa sự mưu cầu ấy lại chẳng hề có chừng mực.

Nếu chúng ta tha thứ cho họ một lần, đó có thể coi là sự linh động, là châm chước. Nhưng nếu ta tha thứ nhiều lần thì chẳng khác nào "nối giáo cho giặc", khiến họ sai càng thêm sai.

Điều đó cũng giống như trường hợp của cô nữ sinh trong câu chuyện cho bạn mượn tiền ở trên. Rõ ràng cô chỉ cần nói rằng bản thân mình không có đủ tiền, nhưng sau cùng cô lại chọn cách làm vượt quá khả năng của mình.

Sự giúp đỡ của cô không chỉ bị sử dụng vào mục đích không chính đáng, mà chính cô cũng đã vô tình tiếp tay cho thói quen dựa dẫm của người bạn cùng phòng, để rồi sau cùng lại biến chính mình thành người bị thiệt.

Chẳng ai có được cuộc sống mà cả đời thuận buồm xuôi gió. Mỗi người đều sẽ phải tự mình vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời của mình.

Đứa trẻ luôn được bố mẹ vỗ về sau vấp ngã sẽ vĩnh viễn chẳng thể trưởng thành. Còn kiểu người cứ hễ gặp khó khăn là lại van nài sự giúp đỡ thì vĩnh viễn cũng chẳng thể thành công.

Bạn cho rằng việc làm của bạn là đang giúp đỡ họ? Thế nhưng, kỳ thực hành động dang tay giúp đỡ của bạn đang vô tình nói cho họ rằng: "Hãy cứ tiếp tục sai đi. Nếu sai lần nữa, vẫn sẽ có người khác gánh hộ!".

... cho tới bài học đắt giá về sự mập mờ trong tình yêu

Nhiều năm về trước, có một cô gái từng yêu thầm một nam sinh xuất chúng trong trường. Cô từng tỏ tình với chàng trai ấy, sau đó vui vẻ khoe với bạn bè rằng mình đã thành công.

Liên tục 2,3 tháng sau đó, chuyện khiến cô vui vẻ nhất chính là ngày ngày viết thư tình cho bạn trai, gọi điện thoại cho người yêu, kể với mọi người rằng cậu nam sinh ấy xuất chúng biết bao, câu chuyện tình yêu của họ thú vị tới nhường nào.

Thế nhưng, sự thực là người nam sinh kia chưa bao giờ hồi đáp thư tình của cô. Anh ta cũng chưa từng chủ động gọi điện thoại cho cô.

Mỗi lần đi chơi, cô đều là người chủ động hẹn anh năm lần bảy lượt, nhưng anh chỉ thi thoảng mới miễn cưỡng đưa cô đi ăn cơm, đi xem phim. Một người bạn từng hỏi cô rằng: "Hành động kiểu như anh ta mà cũng được tính là bạn trai hay sao?".

Cô chỉ đáp: "Chỉ cần anh ấy không chê tớ là được".

Cứ như vậy, cô gái vẫn ngày ngày vui vẻ, tự đắm chìm trong mối quan hệ mà mình mặc định là tình yêu.

Cho tới nửa năm sau, cô mới nhận được câu trả lời rõ ràng từ nam sinh ấy. Hóa ra từ trước tới nay, thứ mà cô nhận được chưa bao giờ là tình yêu.

Lúc bấy giờ, ai cũng có thể tưởng tượng được rằng mối quan hệ mập mờ kia đã để lại bóng đen tâm lý lớn tới nhường nào trong trái tim cô gái. Có lẽ, nỗi đau ấy còn tê tái hơn cả việc cô bị từ chối một cách thẳng thừng…

Và bài học về cách nói lời từ chối

Cự tuyệt một người, liệu có thực sự khó khăn như chúng ta vẫn thường nghĩ hay không?

Bạn luôn e sợ lời từ chối của mình có thể làm tổn thương người khác. Nhưng bạn lại không lường được rằng, thái độ mập mờ, dùng dằng của chúng ta sẽ chỉ khiến họ lún sâu vào vực thẳm hơn mà thôi.

Bất luận là trong tình yêu hay trong những phương diện khác của cuộc sống, chúng ta cũng không cần phải phức tạp hóa việc từ chối người khác.

Mỗi người đều có một sở thích của riêng mình, đều mang trong tim những nỗi niềm khó xử riêng. Hơn nữa, "nhân vô thập toàn", chúng ta không thể trở thành một người tài giỏi trong tất cả mọi lĩnh vực.

Vì thế, hãy học cách nói câu từ chối một cách thẳng thắn và lịch sự.

Chạy khắp nơi vay tiền cho bạn, cô gái không ngờ được kết quả diễn ra ngay sau đó - Ảnh 4.

Nói từ chối là điều nên làm khi bạn cảm thấy những thứ cần giúp đỡ vượt quá khả năng của mình. (Ảnh minh họa).

Khi có người tỏ tình với bạn, nếu không thích, hãy thẳng thừng từ chối, đừng chỉ mỉm cười ậm ừ để tạo nên một mối quan hệ không rõ ràng.

Khi có người mong muốn sự giúp đỡ từ bạn, nếu đó là việc vượt quá khả năng, bạn cũng hãy thẳng thắn cự tuyệt, chớ nên đáp ứng rồi lại khiến cho đại sự của họ lỡ dở.

Bạn chỉ cần nói: "Thành thật xin lỗi, mình không thể giúp được cậu".

Bạn cũng có thể nói: "Chân thành xin lỗi, cậu rất tốt, nhưng mình không thích cậu".

Khi lời tỏ tình bị cự tuyệt, họ tự nhiên sẽ đi tìm một người khác phù hợp với mình không. Khi một yêu cầu giúp đỡ bị từ chối, họ cũng sẽ kiếm tìm một người khác phù hợp hơn để có được sự tương trợ.

Vì thế, bạn chớ nên lo lắng rằng lời từ chối của mình sẽ khiến cho người khác mất đi dũng khí, mất đi năng lực. Ngược lại, nếu không dũng cảm từ chối, bạn không chỉ tự làm khó chính mình mà còn làm trễ nải cuộc đời của người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại