Chủ tịch Interpol bị bắt: Thông báo đặc biệt lúc nửa đêm và động thái "nhanh gọn" của Bộ Công an TQ

Thủy Thu |

Đã có một số sự khác biệt trong vụ bắt giữ Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, từng là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang với các "hổ lớn" khác tại Trung Quốc.

Trong những phút cuối cùng của ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc - 23 giờ 52 phút ngày 7/10 , Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc CCDI bất ngờ công bố thông tin ông Mạnh Hoành Vĩ - Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc - đang bị cơ quan này bắt giữ phục vụ điều tra ở Bắc Kinh.

"Thứ trưởng Bộ công an Mạnh Hoành Vĩ nghi liên quan đến vi phạm pháp luật, hiện đang tiếp nhận giám sát điều tra của Ủy ban giám sát quốc gia", thông báo của CCDI viết.

"Hổ lớn" đầu tiên chỉ tiếp nhận điều tra của Ủy ban giám sát quốc gia mới thành lập

Theo Báo Thanh niên Bắc Kinh, kể từ sau khi siêu cơ quan chống tham nhũng - Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc thành lập vào tháng 3 năm nay, nội dung căn bản của các thông báo bắt giữ điều tra đối với các "hổ lớn" cấp Bộ đều có cụm từ "tiếp nhận giám sát và điều tra kỷ luật của Ủy ban giám sát quốc gia, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương".

Tuy nhiên, khác với các "hổ lớn" khác, thông báo điều tra đối với Mạnh Hoành Vĩ có nội dung khác ngắn và cơ quan điều tra đối với ông này được rút gọn chỉ còn "Ủy ban giám sát quốc gia".

Hơn nữa, bản thông báo đề cập Mạnh Hoành Vĩ là "vi phạm pháp luật" mà không phải "vi phạm kỷ luật (đảng) và pháp luật".

Vào tháng 3, khi Ủy ban giam sát quốc gia Trung Quốc chính thức thành lập, bộ Luật giám sát cũng đồng thời được công bố. Phạm vi giám sát của ủy ban này là tất cả các công nhân viên chức đang thực thi quyền lực.

Theo Luật giám sát, nội dung điều tra chủ yếu của cơ quan này bao gồm các hành vi phạm tội và phạm pháp liên quan đến chức vụ như tham nhũng hối lộ, lạm dụng quyền lực, xao nhãng trách nhiệm, trao đổi lợi ích, trục lợi cá nhân, lãng phí tài sản nhà nước.

Từ sự khác biệt này có thể thấy, nguyên nhân "ngã ngựa" của Mạnh Hoành Vĩ có sự khác biệt lớn đối với các "hổ lớn" trước đây nhưng sự khác biệt cụ thể vẫn cần chờ từ các thông tin điều tra liên quan của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Chủ tịch Interpol bị bắt: Thông báo đặc biệt lúc nửa đêm và động thái nhanh gọn của Bộ Công an TQ - Ảnh 1.

Ông Mạnh Hoành Vĩ (phải) hiện đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ phục vụ điều tra. Ảnh: Reuters

Cấp dưới của Chu Vĩnh Khang

Mạnh Hoành Vĩ sinh tháng 11/1953, người Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang - Đông Bắc Trung Quốc. Ông này có kinh nghiệm công tác lâu dài trong ngành công an Trung Quốc, từng giữ các chức vụ như Trợ lý Bộ trưởng Bộ công an, Cục trưởng Cục quản lý giao thông... Năm 2004, ông này bắt đầu đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc.

Thông báo Mạnh Hoành Vĩ ngã ngựa được đưa ra khá bất ngờ. Sáng sớm nay, ngày 8/10, trên bảng thông báo về tin tức lãnh đạo Bộ công an, Mạnh Hoành Vĩ vẫn xuất hiện với tư cách là Thứ trưởng thứ 2 Bộ công an, tuy nhiên ngay sau đó thông tin này đã được sửa đổi.

Lần xuất hiện chính thức gần đây nhất của ông này là cuộc hội kiến với Thư ký thường trực thứ hai Bộ Nội vụ Singapore Lai Chung Han hôm 23/8, tại Bắc Kinh.

Hiện chưa rõ những dấu hiệu dẫn tới sự "ngã ngựa" của Mạnh nhưng thời gian gần đây, ông này từng gây chú ý vì hai lần "từ chức".

Lần thứ nhất vào tháng 12 năm ngoái, ông bị bãi nhiệm chức vụ Cục phó Cục hải dương quốc gia và Cục trưởng Cục cảnh sát biển Trung Quốc.

Lần thứ hai là vào tháng 4 năm nay, ông này không còn là thảnh viên tổ đảng Bộ công an Trung Quốc.

Ngoài ra, báo Trung Quốc còn phát hiện ra rằng, Mạnh Hoành Vĩ từng là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng công an Trung Quốc - người hiện đang chịu án chung thân vì tham nhũng và làm lộ bí mật nhà nước.

Theo đó, vào tháng 12/2002, Chu Vĩnh Khang bắt đầu đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ công an Trung Quốc thì đến tháng 6/2003, Mạnh Hoành Vĩ - khi đó là Trợ lý Bộ trưởng đã tháp tùng Chu đi thị sát ở Chiết Giang - Giang Tô.

Tháng 4/2004, Mạnh Hoành Vĩ được thăng chức Thứ trưởng, thành viên tổ đảng Bộ công an, trở thành cấp phó của Chu.

Tháng 7/2004, trong lễ lĩnh quân hàm ở Bộ Công an, Chu Vĩnh Khang phát 4 giấy chứng nhận cấp bậc quân hàm cho bốn người và Mạnh Hoành Vĩ là một trong số đó.

Theo Báo Thanh niên Bắc Kinh, nói cách khác, tính cả Mạnh Hoành Vĩ có thể thấy rất nhiều cấp dưới của Chu đã "ngã ngựa".

"Cái giá phải trả" của Bắc Kinh

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), vụ việc của ông Mạnh Hoành Vĩ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng các thoải thuận hợp tác với các nước khác về các vấn đề pháp lý và thực thi pháp luật mà còn làm giảm cơ hội các quan chức nước này được bổ nhiệm các chức vụ cấp cao trong các tổ chức toàn cầu.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm, Bắc Kinh nhận thức rõ những rủi ro trước khi thực hiện hành động này.

"Tôi khá chắc chắn rằng, họ đã đoán trước được phản ứng bất thường từ cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định như vậy", ông Chương nói, "Tôi đoán điều gì đó khẩn cấp đã xảy ra. Đó là lý do tại sao [Bắc Kinh] chọn thực hiện hành động ngay lập tức, bất chấp nguy cơ đánh mất thể diện trên trường quốc tế".

"Nếu ông Mạnh Hoành Vĩ chỉ liên quan đến một vụ tham nhũng bình thường thì nhà chức trách không cần phải xử lý vụ việc theo cách như vậy", ông Chương Lập Phàm nhấn mạnh.

Trong khi đó, Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS (London) cho rằng, điều này sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy "xấu hổ" và chính quyền Bắc Kinh sẽ phải trả giá nhất định vì đã bắt giữ Chủ tịch Interpol nhưng đồng thời cho rằng đó cũng chỉ là "sự cân nhắc thứ yếu" nếu Bắc Kinh nhận thấy có lý do để điều tra Mạnh Hoành Vĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại