Bloomberg: Can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ là "thảm họa", lính Mỹ không được chào đón

Thi Anh |

Phương án đáp trả bằng quân sự - đặc biệt là hoạt động do Mỹ dẫn đầu - là phi thực tế và sẽ phản tác dụng. Lính Mỹ nhiều khả năng sẽ không được chào đón ở Venezuela.

Trong bài viết đăng tải trên Bloomberg, học giả cấp cao về Nghiên cứu Mỹ Latin Shannon O'Neil của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài (CFR) đã bày tỏ quan điểm về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

---

Trong Quốc hội Mỹ đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, gần đây nhất là Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Thậm chí Tổng thư ký Luis Almagro của Tổ chức các nước châu Mỹ cũng nói, ông không loại trừ phương án quân sự.

Tuy nhiên, một phương án đáp trả bằng quân sự - đặc biệt là hoạt động do Mỹ dẫn đầu - là phi thực tế và sẽ phản tác dụng. 

Nếu Mỹ can thiệp vào Venezuela

Thực trạng ở Venezuela ở thời điểm hiện tại đã được mô tả rõ nét bằng các số liệu choáng váng và những câu chuyện xé lòng.

Chỉ trong vòng 5 năm, nền kinh tế Venezuela đã thu hẹp xuống còn phân nửa và lạm phát đang tiến tới mốc 1 triệu %. Trung bình cứ 10 người Venezuela thì có 9 người rơi vào cảnh nghèo đói. Hệ thống y tế suy sụp, các bệnh viện thiếu cả nhân sự lẫn những nhu yếu phẩm cơ bản.

Bloomberg: Can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ là thảm họa, lính Mỹ không được chào đón - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa tình trạng lạm phát của Venezuela. Trước khi nước này bỏ 5 số 0 trong đơn vị tiền tệ của mình thì 2,4kg thịt gà có giá 14,6 triệu Bolivar và phải trả bằng số tiền như trong ảnh. Ảnh: QZ

Trong khi tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ thì luồng di cư cũng không khá hơn. Liên Hợp Quốc tính toán, khoảng 2,3 triệu người Venezuela đã rời khỏi nước này trong 4 năm qua - tương đương 7% dân số. Hiện nay, người Venezuela đang là nhóm di dân lớn nhất tới các quốc gia láng giềng.

Thảm họa kinh tế, chính trị và nhân đạo là nguyên do thúc đẩy sự thay đổi ở Venezuela. Nhưng việc Mỹ can thiệp quân sự vào không phải là cách để thực hiện điều đó.

Venezuela không phải là Grenada hoặc Panama, những nước châu Mỹ Latin mà Mỹ đã can thiệp trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Venezuela có diện tích lớn gấp đôi Iraq trong khi số dân lại ít hơn, và đang ở bên bờ vực bất ổn. Bất kỳ một sự can thiệp nào cũng đòi hỏi sự chuẩn bị ở quy mô tương tự, tức là một lực lượng hơn 100.000 quân.

Lính Mỹ nhiều khả năng sẽ không được chào đón ở Venezuela. Theo một khảo sát hồi đầu 2018, phần lớn người Venezuela, gồm cả những thành phần ở phe đối lập của nước này, phản đối can thiệp quân sự.

Nếu can thiệp, quân đội Mỹ sẽ phải chuẩn bị lưu lại cho một chiến dịch dài. Lưới điện của Venezuela, hệ thống xử lý chất thải, trường học, bệnh viện và các hạ tầng xã hội cơ bản khác đã bị tổn hại. Khoảng 100.000 người Venezuela có vũ khí, tham gia vào các nhóm tội phạm (Colectivos) và nhiều khả năng sẽ gây bạo loạn nếu chính phủ sụp đổ.

Khả năng can thiệp đa phương

Những kẻ buôn lậu ma túy đã biến Venezuela thành điểm trung chuyển chính tới châu Âu và Mỹ, khiến tình hình vô luật lệ trở nên trầm trọng hơn. Trong bối cảnh chia rẽ chính trị và kinh tế hiện tại, việc tái thiết Venezuela sẽ là một quá trình dài hơi. Và bất cứ thất bại nào cũng có thể bị gán cho Mỹ.

Trước nguy cơ này, một số ý kiến cho rằng phải tập hợp một lực lượng đa phương. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng của Venezuela sẽ không tham gia.

Nhìn chung, dư luận ở các nước này đều phản đối can thiệp quân sự vào Caracass. Các quan chức ngoại giao, vốn theo đuổi học thuyết không can thiệp, cũng phản đối.

Trong số 14 nước thuộc Nhóm Lima, 11 nước phản đối can thiệp quân sự nhằm vào chính phủ Venezuela. "Nhóm Lima bác bỏ phương án can thiệp quân sự nhằm vào Venezuela và bỏ Luis Almagro một mình với nỗi ám ảnh về âm mưu đảo chính của ông ta", Tổng thống Bolivia Evo Morales đăng trên Twitter.

Hơn nữa, quân đội châu Mỹ Latin không phải được thành lập để đi xâm lược các quốc gia khác. Hoạt động ở nước ngoài của lực lượng này chủ yếu giới hạn ở một vài nghìn binh lính gìn giữ hòa bình tại Haiti, Congo, chỉ 400 binh lính Salvador tham gia vào "liên minh tình nguyện" tới Iraq năm 2003.

Ảnh hưởng chính trị từ Iraq tại Mỹ đã gây ra tâm lý cẩn trọng đối với bất kỳ lãnh đạo châu Mỹ Latin nào đang cân nhắc tới một phương án đáp trả bằng hành động quân sự.

Điều đó không có nghĩa là chẳng còn cách nào khác. Các nước Mỹ Latin có thể dựa vào Cuba, nước mà Venezuela vẫn tin tưởng và hỗ trợ, để thúc đẩy thay đổi. Và họ nên bày tỏ sự lo ngại với Trung Quốc, hiện là nhà tài trợ chính của Caracass.

Về phần mình, Mỹ có thể bước tới giúp những người đang tị nạn khỏi Venezuela. Cho tới nay, chính quyền Trump chi chưa đầy 70 triệu USD cho viện trợ nhân đạo và từ chối phân nửa đơn xin tị nạn của Venezuela. Nếu chính quyền Mỹ buộc phải hành động thì họ nên bắt đầu từ đây.

Nếu lấy Syria làm chuẩn thì hỗ trợ 1 triệu người tị nạn sẽ tốn khoảng từ 3-5 tỉ USD/năm. Đó là một khoản tiền lớn nhưng vẫn thua xa so với số tiền Mỹ đổ vào các chiến dịch quân sự ở Iraq hay Afghanistan.

Hiện chưa rõ Washington sẽ làm thế nào với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/9 đã tuyên bố: Mỹ đang chuẩn bị thực hiện "một loạt hành động" trong vài ngày sắp tới để gia tăng áp lực cho chính quyền Venezuela.

"Chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng người Venezuela sẽ có được tiếng nói của riêng mình", ông Pompeo nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại