Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động!

Trang Ly |

Khi buộc phải chấp nhận cái chết của chủ nhân, chú chó Rags bỏ ăn 1 tuần và chỉ nằm lặng lẽ một góc phòng.

Ngày 22/3/1936, trên trang nhất của tờ New York Times đăng một bài cáo phó tựa đề "Khuyển binh Rags, người hùng thời chiến, qua đời ở tuổi 20".

Trong bài cáo phó dài 16 dòng của tờ báo nổi tiếng ở Mỹ có đoạn: "Rags trở thành biểu tượng của sự trung thành và lòng can đảm thời chiến tranh. Từ một chú chó lang thang, vô chủ, Rags được sống và chiến đấu cùng với những người lính quả cảm. Trải qua những hiểm nguy trên chiến trường, Rags dù bị mù một mắt, điếc một tai vẫn sống kiên cường nhiều năm khi chiến tranh đã tàn. Chú chó nhỏ ấy sẽ luôn được người đời nhớ mãi về sau..."

Chiến tranh kết thúc cũng là lúc tàn dư rơi rớt của cuộc chiến kéo dài 4 năm ấy cướp đi của Rags một con mắt, nhưng có lẽ, với chú điều này không đau đớn bằng sự ra đi mãi mãi của người lính James Donovan, người đã cưu mang và cho chú những năm tháng cuộc đời đầy ý nghĩa kể từ sau cái ngày Paris rực rỡ cờ hoa ấy...

Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động! - Ảnh 1.

Paris cách đây 100 năm,

Khắp thủ đô Paris ngập tràn cờ hoa và tiếng cười rộn ràng. Nước Pháp khi đó đang kỷ niệm ngày Quốc khánh (Bastille Day) lần thứ 129 của mình (1789 - 1918).

Hòa chung niềm vui đó, hai người lính thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh Lục quân Mỹ tên là James Donovan và George Hickman cũng đang nâng cốc trong một quán bar nhỏ trên đồi Montmartre. Đó là những giây phút rảnh rang hiếm có của họ khi được điều sang Pháp tham gia chiến đấu tại Mặt trận phía Tây.

Bất chợt họ nhìn thấy một miếng giẻ rách kỳ lạ dưới chân. Tiếng động phát ra từ miếng giẻ khiến họ giật mình định hình lại thứ mà mình đang nhìn thấy thực chất là... một chú chó.

Trái ngược với khung cảnh ồn ào, vui tươi bên ngoài, chú chó nhỏ run rẩy, trông đói khát và nhàu nhĩ trong bộ lông thiếu đi sự chăm sóc cẩn thận của bàn tay con người.

Chú ta bị bỏ hoang!

Cảm thông trước những gì mà chú ta đang phải trải qua, anh lính James Donovan quyết định nhanh chóng: Mang chú về đơn vị nuôi.

Cuộc gặp gỡ định mệnh ngày 14/7/1918 ấy về sau đã đi vào lịch sử. Cả tình bạn cũng như tình đồng chí mà người lính James Donovan và chú chó tên Rags chia sẻ cùng nhau khiến bao người xúc động cũng đi vào lịch sử!

Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động! - Ảnh 2.

Rags thuộc giống chó sục Scotland (Scottish Terrier). Ngày chú được James Donovan mang về nuôi, chú khoảng 2 tuổi.

Sống giữa tình cảm yêu mến và sự chăm sóc tận tình của James Donovan cùng đồng đội, Rags nhanh chóng quên đi những ngày tháng sống lang thang, đói khát giữa thủ đô hoa lệ xa xôi.

Không chỉ hòa nhập với cuộc sống có tình thương của con người, Rags còn được tiếp cận với những ngày tháng luyện tập quy củ để trở thành một khuyển binh dũng cảm.

Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động! - Ảnh 3.

Ảnh chụp chú chó Rags cùng một người lính. Nguồn: Todayinhistory

Sau khi nhận thấy những tố chất đặc biệt từ Rags, anh lính James Donovan huấn luyện Rags trở thành chú chó "liên lạc". Chỉ một thời gian ngắn sau, Rags không để James Donovan thất vọng, chú nhanh chóng nắm được nhiệm vụ của mình trên chiến trường.

Sứ mệnh quan trọng của của Rags là truyền tin trên chiến trận. Tờ giấy chứa thông tin sẽ được buộc trên chiếc vòng đeo cổ của Rags. Chú có nhiệm vụ di chuyển đến đội nhận tin và quay trở lại an toàn.

Rags còn có thể dẫn đường cho những người lính bị thương về chiến hào của quân mình mà không bị nhầm đường giữa làn khói bom và đạn lạc. Người ta còn kể rằng, chú chó nhỏ chỉ 2 tuổi ấy còn có khả năng sử dụng đôi tai cực thính của mình để lắng nghe âm thanh của lựu pháo, từ đó cảnh báo đồng đội (người lính) của mình khỏi nguy hiểm.

Trải qua những tháng ngày chung sống và huấn luyện miệt mài, Rags và James Donovan gắn với nhau như hình với bóng. Họ cùng nhau trải qua những giây phút sinh tử trên chiến trận.

Vài tháng trước khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, quân Đồng minh triển khai chiến dịch cuối cùng trải khắp Mặt trận phía Tây nhằm chống lại quân Đức mang tên Chiến dịch Meuse-Argonne.

Rạng sáng ngày 26/9/1918, khoảng 700 xe tăng của quân Đồng minh cùng 1,2 triệu lính Mỹ tổng tấn công vào các vị trí của quân Đức tại rừng Argonne và dọc sông Meuse.

Trong số những người lính quả cảm ấy có binh nhất James Donovan và khuyển binh Rags. Khi sống cũng như chiến đấu, đôi bạn ấy luôn kề cận nhau. Họ ẩn nấp cùng nhau dưới chiến hào, cùng chiến đấu và rồi... cùng bị thương nặng.

Chiến dịch 47 ngày cuối cùng của Thế chiến I kết thúc trong sự khải hoàn của quân Đồng minh. Giữa khúc ca toàn thắng, người ta không thể quên được vết thương lòng và nỗi đau thể xác mà chú chó Rags phải hứng chịu.

Quân Đức khi đó đã sử dụng khí mù tạt để chống lại quân Đồng minh. Rags bị thương chân, mù một con mắt và điếc một bên tai. Còn anh lính trẻ James Donovan - người cưu mang và cũng là đồng đội của chú - bị thương rất nặng.

Cả hai sau đó được đưa đến bệnh viện chăm sóc. Ngày Rags khá hơn cũng là lúc người ta chuyển James Donovan về Chicago (Mỹ) để điều trị. Những ngày tháng anh lính còn thở, ngày nào chú chó nhỏ cũng túc trực bên giường bệnh của anh.

Thế rồi...

Dưới sức tàn phá khủng khiếp của khí mù tạt (gây những vết bỏng hóa học trên da, mắt, phổi; khiến nạn nhân tàn tật, ung thư, mù vĩnh viễn hoặc tử vong), binh nhất James Donovan không qua khỏi!

Anh hy sinh!

Đôi bạn cùng san sẻ những giây phút quý giá trong làn bom đạn chiến tranh, cùng chiến đấu ngày nào trên chiến hào - giờ, một người đã hy sinh, Rags bỗng chốc cô độc trên đời với vết thương nhức nhối đến tận cuối đời.

Đồng đội của James Donovan lúc đó không biết phải "nói" với Rags về cái chết của anh như thế nào. Giây phút họ bế Rags lên giường bệnh để chú nhìn lại gương mặt chủ mình lần cuối là giây phút lấy đi nhiều nước mắt của những người chứng kiến.

Hơi thở đã tắt của James Donovan không làm Rags buồn bởi Rags không chấp nhận sự thật đó. Cho đến khi, sau những ngày nằm canh gác ở cửa ra vào phòng bệnh mà James từng nằm, sau những ngày cất tiếng sủa gọi chủ nhưng không thấy hồi âm, Rags mới tin.

Một tuần... là khoảng thời gian Rags bỏ ăn. Chú chỉ lặng lẽ nằm yên nơi góc phòng nhỏ. Người ta kể lại rằng, chú chó nhỏ ấy không bao giờ quay lại bệnh viện nơi James Donovan trút hơi thở cuối cùng lần nào nữa!

Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động! - Ảnh 6.

Bức ảnh chụp Rags năm 1920. Nguồn: Americacomesalive

Một năm sau, Rags được gia đình Thiếu tá Raymond W. Hardenbergh nhận nuôi. Những năm còn lại của cuộc đời, chú được nuôi nấng và chăm sóc đúng nghĩa dưới một mái nhà thời bình.

Câu chuyện của Rags nhanh chóng được nhiều người biết đến. Về sau, chú được nhận huân chương kháng chiến, được phong hàm Trung tá.

Ngày chú chết, ngày 6/3/1936, 18 năm sau cái chết của anh lính James Donovan, Rags được chôn cất theo nghi thức quân đội tại nghĩa trang Silver Spring, bang Maryland, Mỹ.

Cuộc đời và câu chuyện xúc động của chú chó Rags về sau được tác giả Grant Hayter-Menzies viết lại trong cuốn sách "From Stray Dog To World War I Hero" (tạm dịch: Từ chú chó lang thang trở thành người hùng Thế chiến I).

Biết chủ nhân hy sinh, chú chó nhỏ “để tang” bằng cách khiến ai cũng xúc động! - Ảnh 7.

Phần mộ của chú chó Rags. Nguồn: Americancomealive.

Bài viết sử dụng nguồn: New York Times, Foreign Policy, Americacomesalive

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại