Bất chấp các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ và Trung Quốc vẫn đánh thuế thêm 16 tỷ USD hàng hóa của nhau

Linh Anh |

Mặc dù phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đang nhóm họp nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn bắt đầu đánh thuế bổ sung lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD nhằm vào nhau.

Khoản đánh thuế mới có hiệu lực

Bắt đầu từ 0h01’ ngày 23/8 theo giờ Washington (trưa nay theo giờ Bắc Kinh, Trung Quốc), khoản thuế bổ sung nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc đã chính thức có liệu lực ở Mỹ.

Đáp trả, Trung Quốc cũng tiến hành động thái tương tự với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc còn đe dọa sẽ khiếu nại mức thuế mới của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, Mỹ sẽ thu thuế nhập khẩu 25% với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ xe máy, động cơ tới các toa xe lửa. Về phần mình, Trung Quốc chọn đánh thuế nhằm vào các mặt hàng như than đá, dụng cụ y tế, rác thải, ô tô và xe buýt nhập khẩu từ Mỹ.

Việc áp thuế diễn ra khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen kết thúc cuộc đàm phán ngày 22/8 và chuẩn bị quay lại làm việc trong ngày 23/8 tại Washington để giải quyết những bất đồng. Đây là cuộc gặp đầu tiên của hai phái đoàn Mỹ - Trung Quốc kể từ hồi tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà quan sát dự đoán cuộc đàm phán này khó có thể mang lại thay đổi chiến lược chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai nước. Hai bên có thể đưa ra những tuyên bố chung về hiệu quả của cuộc thảo luận.

Căng thẳng trầm trọng hơn

Báo cáo của Moody’s cho biết: "Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, tác động tới tăng trưởng toàn cầu năm 2019.

Hầu hết các tác động của hạn chế thương mại với tăng trường kinh tế sẽ được cảm nhận rõ nhất vào năm tới. Với bất kỳ mức thuế bổ sung nào cũng khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn".

Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chẳng mấy kỳ vọng vào các cuộc đàm phán gần đây. Tại Mỹ, ông Trump có thể nhận thấy thị trường chứng khoán phản ứng nhẹ nhàng với các chính sách thương mại mà ông đưa ra trong khi nền kinh tế Mỹ liên tục có những dấu hiệu chứng tỏ nó đang tốt lên.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây – điều mà ông Trump mô tả là có lợi cho Mỹ.

Về phần mình, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhấn mạnh trong một bài xã hội hôm thứ 4 rằng phái đoàn Trung Quốc không cần cảm thấy quá áp lực với kết quả của cuộc đàm phán.

"Thành thật mà nói, người Trung Quốc cũng chẳng mấy kỳ vọng về việc hai nước có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại và Trung Quốc cũng sẵn sàng cho những áp lực từ một cuộc chiến thương mại kéo dài", bài xã luận viết.

Trong khi đó, cuộc gặp đang diễn ra tại Washington lại cho thấy rõ rệt những chia rẽ trong Chính quyền Trump về cách để chiến thắng Trung Quốc. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin háo hức tìm kiếm giải pháp thông qua thương lượng, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại muốn tiếp tục gia tăng những áp lực lên Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại