Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam

AN AN |

Ồn ào tranh chấp về vở "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" đã có diễn biến mới khi đạo diễn Việt Tú tung ra đoạn clip so sánh sự giống nhau giữa hai vở diễn "Ngày Xưa" (hay còn gọi là "Thủa ấy xứ Đoài") và "Tinh hoa Bắc Bộ".

Chiều 9/8, đạo diễn Việt Tú đã tổ chức một buổi họp báo để có những chia sẻ chính thức về vụ kiện với công ty T.C và câu chuyện vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. 

Ngoài đạo diễn Việt Tú, đại diện pháp lý của anh - luật sư Nguyễn Thị Thu Hà và nhiều chuyên gia như PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cũng góp mặt.

Theo thông tin mới nhất, Toà Án Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thụ lý vụ đạo diễn Việt Tú kiện ngược phía tập đoàn T.C (đơn vị chủ quản của "Tinh hoa Bắc Bộ") với mức đòi bồi thường lên tới hơn 7 tỷ đồng. 

Trong buổi họp báo, đạo diễn Việt Tú còn gây chú ý khi tung ra đoạn clip so sánh sự giống nhau từ bối cảnh, cách dàn dựng tới những động tác của diễn viên trong hai vở "Ngày Xưa" và "Tinh hoa Bắc Bộ". 

Cùng với đó, anh khẳng định sẽ quyết định theo đuổi vụ kiện đến cùng. Trước động thái này của đạo diễn Việt Tú, giới truyền thông đã đặt cho anh rất nhiều câu hỏi xoay quanh ồn ào tranh chấp về vở "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam". Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của đạo diễn Việt Tú với báo chí.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đạo diễn Việt Tú giải thích về những điểm giống nhau giữa hai vở diễn "Ngày Xưa" và "Tinh hoa Bắc Bộ". Được biết, đoạn clip này sẽ chính thức được công khai đến công chúng trong thời gian tới.

Tại sao đến giờ anh mới tung ra đoạn clip so sánh sự giống nhau giữa "Ngày Xưa" và "Tinh hoa Bắc Bộ" sau hơn một năm hai bên tranh chấp?

Đạo diễn Việt Tú: Trước đó, nhiều người nói rằng tôi không đưa ra nhiều thông tin mà chỉ ồn ào tranh chấp qua lại. Chính vì thế, tôi không muốn có một cuộc gặp gỡ với truyền thông cho đến khi có được những thông tin từ Toà Án và bằng chứng cụ thể mà chúng tôi rất mất công để thu thập.

Các bạn có thể thấy hình ảnh của vở "Tinh hoa Bắc bộ" trong đoạn clip bị nhoè vì họ không cho chúng tôi quay. 

Dù Toà Án đã nhiều lần yêu cầu phía T.C đưa ra những thước phim của cả hai vở "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày Xưa" nhưng họ không thực hiện. Họ nói video của "Ngày Xưa" đã bị mất và nghĩ chúng tôi sẽ không còn những thước phim gốc. 

Rất may mắn, chúng tôi vô tình thấy được một khán giả đã livestream vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" lên mạng xã hội. Kết hợp với những hình ảnh còn lưu trữ lại được của "Ngày Xưa", chúng tôi đã có clip so sánh này.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 2.

Có thể khẳng định "Tinh hoa Bắc Bộ" đã sao chép toàn bộ ý tưởng của "Ngày Xưa", từ bối cảnh, trang phục, cách dàn dựng cho tới vô số những động tác khác nhau của dàn diễn viên. 

Đặc biệt, toàn bộ phần múa rối nước của tôi đã bị sử dụng lại, cùng với bản quyền phối khí âm nhạc cho phân đoạn đó. Đây là bản phối thuộc sở hữu của Nhà hát múa rối nước Thăng Long Hà Nội. 

Sau khi xin phép Nguyên cựu Giám đốc Lê Văn Ngọ, tôi mới được sử dụng bản nhạc này cho phần múa rối nước trong "Ngày Xưa".

Ngay cả nhà thuỷ đình với thiết kế có thể nổi lên xuống cũng bị họ coi như một bất động sản và tái sử dụng. 

Có chăng họ chỉ cào nát mái đình để mang màu sắc khác. Thậm chí, hình ảnh và trailer của "Ngày Xưa" còn được phía T.C lấy để quảng cáo bán vé cho "Tinh hoa Bắc Bộ" trong tháng đầu ra mắt.

Tôi mất 1 năm trời để tập luyện, dàn dựng cho nhóm 140 người nông dân tham gia. Trong khi đó, vở "Tinh hoa Bắc Bộ" chỉ được dàn dựng trong vòng 2 tháng vẫn với chính những người nông dân đấy. 

Nếu không sử dụng lại những tổ hợp trước đó thì không có cách nào để ra sản phẩm mới trong vòng 2 tháng. Tôi có thể khẳng định và tin tất cả những người làm nghệ thuật đều hiểu điều này.

Phía T.C không cho phép khán giả quay phim và chụp ảnh vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ". Liệu đoạn clip này có được Toà Án công nhận về giá trị pháp lý?

Luật sư Thu Hà: Khi chúng tôi tiến hành khởi kiện tập đoàn T.C thì đều có đầy đủ căn cứ cho thấy họ xâm phạm quyền tác giả. Các chứng cứ chúng tôi đưa ra được thu thập từ rất nhiều nguồn. 

Toà Án cũng đã có công văn yêu cầu phía T.C cung cấp video về vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày Xưa" để Toà xem xét. Trên cơ sở đó, chúng tôi có quyền tiếp cận hai video này, từ đó đưa ra những bằng chứng chính thức của mình cho việc xâm phạm quyền tác giả.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 3.

Luật sư Thu Hà là người đại diện pháp lý cho đạo diễn Việt Tú và công ty của anh.

Vụ kiện vẫn đang trong quá trình giải quyết, cho nên tất cả những bằng chứng chính thức đó chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp tới Toà. Còn đoạn clip mới đây thể hiện sự giống nhau bằng hình ảnh để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy bức tranh tổng thể.

Việc sử dụng clip khán giả livestream công khai là hoàn toàn hợp pháp. Toà có coi đây là chứng cứ hay không thì điều này phụ thuộc vào Toà. 

Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh dù Toà đã yêu cầu nhưng đến thời điểm này phía T.C vẫn không cung cấp video về vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày Xưa". Trong trường hợp họ không cung cấp, tôi tin tất cả những chứng cứ mà chúng tôi có được sẽ trở thành chứng cứ mà Toà chấp nhận và xem xét.

Trước khi bị Toà Án Bình Thạnh, TP HCM không chấp nhận giải quyết, đạo diễn của "Tinh hoa Bắc bộ" Hoàng Nhật Nam từng kiện anh về hành vi xúc phạm danh dự vì phát ngôn "Tinh hoa Bắc bộ" là sản phẩm phái sinh của "Ngày Xưa". Anh nghĩ sao về điều này?

Đạo diễn Việt Tú: Từ clip, người xem có thể thấy toàn bộ trang phục, bối cảnh, cách dàn dựng của hai vở diễn rất tương đồng. Trong "Ngày Xưa" diễn viên chăn vịt thì "Tinh hoa Bắc bộ" là chăn trâu hay cả hai đều có cảnh vinh quy bái tổ,… 

Tôi có đầy đủ quá trình sáng tạo của vở diễn này. Còn ai bảo họ sáng tạo độc lập thì phải có cái đó. Thời gian đầu, tôi không có gì trong tay. 

Lấy danh nghĩa là nhà đầu tư, tập đoàn T.C giữ mọi tài liệu. Thậm chí khi toà hỏi họ cũng không đưa. Tuy nhiên giờ đây với đoạn clip so sánh này, mọi người có thể tai nghe mắt thấy vụ việc.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 5.

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Rối nước Việt Nam bao giờ cũng có một nhà thuỷ đình. Nhà thuỷ đình này ở trên mặt nước, người điểu khiển sẽ đứng sau nhà thuỷ đình và cách con rối 2 mét. Nguyên tắc về rối nước là các con rối được người điều khiển, không bao giờ chạm vào nhau.

Trong "Ngày Xưa", đạo diễn Việt Tú không sử dụng nhà thuỷ đình theo nguyên tắc cũ. Đây chính là sáng tạo của đạo diễn Việt Tú. Nếu bất cứ người nào sử dụng sáng tạo đó mà không do mình nghĩ ra thì là ăn cắp.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 6.

PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái.

Cơ sở nào để đạo diễn Việt Tú và công ty của mình đòi bồi thường số tiền lên đến hơn 7 tỷ đồng?

Luật sư Thu Hà: Khoản tiền này bao gồm hai phần. Phần thứ nhất là khoản tiền tập đoàn T.C còn nợ công ty của đạo diễn Việt Tú là công ty DS. 

Khoản nợ này bao gồm 3 bộ phận cấu thành nhỏ: số tiền họ còn nợ theo hợp đồng và các phụ lục liên quan, khoản tiền lãi phạt cho số tiền mà họ trả chậm, 10% doanh thu bán vé cho những vở diễn "Ngày Xưa" đã được tổ chức.

Phần thứ hai là khoản tiền 6,3 tỷ đồng. Đây là số tiền chúng tôi yêu cầu phía T.C bồi thường thiệt hại cho công ty DS. Khoản tiền này tương ứng với doanh thu mà công ty DS đã mất đi do hành vi vi phạm hợp đồng và xâm phạm quyền tác giả của tập đoàn T.C.

Trên thực tế, bản quyền được đăng ký và công nhận của hai vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày Xưa" chỉ là kịch bản văn học. Trong khi đối với những vở diễn thực cảnh, kịch bản này không thể cụ thể hoá được về mặt sân khấu hay ánh sáng, bố cục. Do đó nhiều người cho rằng dù có điểm giống nhưng chưa thể kết luận "Tinh hoa Bắc Bộ" là sản phẩm phái sinh của "Ngày Xưa"?

Đạo diễn Việt Tú: Tôi muốn hỏi ngược lại mọi người, khi nào mới đủ để quy kết một sản phẩm là sao chép? Bỏ qua những lý luận, tôi nghĩ quan trọng nhất là khán giả. Về phía bản thân, nếu các bạn bảo tôi cần phải đưa ra bằng chứng thì tôi chỉ có vậy. 

Tôi chỉ có thể khẳng định đó là sân khấu của tôi. Hãy hỏi bất kì ai làm nghề thiết kế sân khấu. Liệu có chuyện được sử dụng sân khấu thiết kế trước đó cho một sản phẩm sau này? Đây là sáng tạo không thể tách rời khỏi kịch bản.

Chưa dừng lại ở đây, họ sử dụng lại toàn bộ từ dàn diễn viên tôi huấn luyện cho đến trang phục, đạo cụ, cách tổ chức bố trí. 

Chẳng lẽ họ lại copy y hệt? Giữa thời buổi công nghệ thông tin, làm gì có trường hợp nào đạo nhái y hệt. Đây là vụ đạo nhái, ăn cắp ý tưởng trắng trợn. Tôi không biết nói gì hơn nếu mọi người cứ đòi lý luận.

Luật sư Thu Hà: Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng chỉ dựa vào hai kịch bản thì không đủ để kết luận về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trước Toà Án, chúng tôi đã trình bày rạch ròi và có căn cứ về việc kịch bản này xâm phạm kịch bản kia ở chỗ nào.

Đạo diễn Việt Tú không nghĩ sẽ thắng vụ kiện tranh chấp vở sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 7.

Phía đạo diễn Việt Tú phản hồi thế nào khi tập đoàn T.C nói rằng quyền chủ sở hữu phải thuộc về họ kịch bản này được sáng tác ra theo hợp đồng?

Luật sư Thu Hà: Chúng tôi có rất nhiều căn cứ để nói rằng cáo buộc của họ là sai. Nếu như được tạo ra theo hợp đồng thì tác phẩm đó phải được ra đời sau khi kí kết hợp đồng. Quyền tác giả được phát sinh không phải trên cơ sở đăng ký mà ngay khi tác phẩm được hình thành dưới dạng vật chất nhất định. 

Chính vì thế khi đạo diễn Việt Tú sáng tạo ra vở diễn "Ngày Xưa" thì tại thời điểm đó quyền tác giả đầu tiên và trước hết thuộc về đạo diễn Việt Tú. Do đó, việc đạo diễn Việt Tú mang tác phẩm đi đăng ký quyền sở hữu dưới tên anh hay công ty của mình là hoàn toàn hợp pháp.

Đạo diễn Việt Tú: Năm 2009, tôi đã nộp tài liệu cho Cục bản quyền và Toà Án, trong tài liệu này ghi dấu ngày ra kịch bản "Hồn rối, mặt người". 

Khi ấy, tôi đã có ý tưởng phải làm gì đấy nhưng chưa định nghĩa được là vở diễn thực cảnh. Tôi chỉ nghĩ dựa trên bối cảnh đồng quê Việt Nam, lấy cảm hứng từ rối nước với người nông dân sẽ diễn lại những trường đoạn cơ bản. Đó chính là tiền thân của vở diễn "Ngày Xưa".

Trong trường hợp thua kiện, đạo diễn Việt Tú sẽ đối diện như thế nào?

Đạo diễn Việt Tú: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thắng vụ kiện này. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu tôi không làm thì ai làm? Đối với nước ngoài, chúng ta đang ở vùng trũng của nghệ thuật. 

Tôi khẳng định Ariana Grande có thể hát được trong show diễn ở Việt Nam cách đây không lâu. Nhưng sau đó 3 ngày, cô lại phải tiếp tục biểu diễn ở một quốc gia đông dân gấp 10 lần. Có lẽ Ariana Grande đã tham vấn luật sư để rồi bỏ buổi diễn ở Việt Nam. 

Một số sẽ nghĩ Ariana Grande huỷ show không liên quan đến vụ kiện nhưng thực chất đó là một phần. Khi đến một đất nước không tôn trọng bản quyền thì chẳng ai muốn làm gì cả. Tôi chấp nhận cho dù có thua và chắc chắn tôi sẽ thua, để theo đuổi đến cùng vụ kiện này.

Họ nói tôi chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đi đăng kí. Nhưng thời điểm đó, tôi đã gửi rất nhiều email yêu cầu phía T.C đi đăng kí bản quyền và thậm chí còn giới thiệu luật sư nhưng họ không trả lời. 

Ngay cả trên những công văn gửi cho Toà Án, tôi vẫn bày tỏ bản thân sẵn sàng bàn giao quyền chủ sở hữu với điều kiện họ phải trả tôi nợ.

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Khi tôi đọc báo thấy "Tinh hoa Bắc Bộ" đạt hai kỷ lục Guiness Việt Nam, tôi thấy đây phải là thành tích đạo diễn Việt Tú với vở "Ngày Xưa" chứ không phải của người đạo diễn kia. Tôi không bênh Việt Tú mà bênh tất cả những chủ thể sáng tạo ở Việt Nam.

Diễn biến tranh chấp giữa tập đoàn T.C và đạo diễn Việt Tú:

- Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn được tập đoàn T.C đầu tư. Thế nhưng sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn này bất ngờ bị huỷ bỏ.

- Tháng 10/2017, tập đoàn T.C công bố vở diễn "Tinh Hoa Bắc Bộ" và gọi rằng đây là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn. Lý giải về sự thay đổi này, đại diện tập đoàn T.C cho biết vở diễn do Việt Tú dàn dựng "không chạm đến trái tim người xem".

- Tháng 3/2018, đại diện tập đoàn T.C cho biết Tòa Án nhân dân Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng. Theo đó, luật sư của tập đoàn T.C cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của phía tập đoàn khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Đạo diễn Việt Tú sau đó đã phủ nhận những cáo buộc này.

- Tháng 4/2018, đạo diễn vở "Tinh hoa Bắc Bộ" Hoàng Nhật Nam quyết định gửi đơn kiện đạo diễn Việt Tú khi đồng nghiệp phát ngôn trên báo chí cho rằng vở diễn do anh dàn dựng là một tác phẩm "phái sinh", "đạo nhái". Tuy nhiên sau đó, Toà Án nhân dân quận Bình Thạnh TP HCM đã từ chối thụ lý.

- Tháng 5/2018, Toà Án nhân dân Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty DS, trong đó yêu cầu tập đoàn T.C chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Ngày Xưa".

- Tháng 8/2018, Toà Án nhân dân Hà Nội tiếp tục thụ lý đơn phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của tập đoàn T.C và đưa ra yêu cầu đối với T.C về việc thừa nhận việc xây dựng tác phẩm trên nền tảng vở diễn "Ngày Xưa" và bồi thường thiệt hại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại