Sau những "nắm đấm thép" cấm vận, Mỹ - Iran sẽ dịu giọng với nhau bằng sự chân thành?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mặc dù còn nhiều phức tạp, nhưng lần đầu tiên hai bên Mỹ - Iran đều tỏ sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh không có điều kiện tiên quyết.

Áp lực kinh tế từ Mỹ

Ngày 6/8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt giai đoạn đầu chống Iran, bao gồm việc ngừng mọi giao dịch tài chính, cấm xuất, nhập khẩu các loại nguyên liệu, xe hơi, máy bay...

Giai đoạn hai bắt đầu và tháng 11 tới sẽ cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ và hơi đốt. Đây là các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Iran, nhưng lại buộc các nước khác cũng phải tuân thủ, nếu vi phạm cũng sẽ bị trừng phạt.

Với việc làm này, Washington đã "coi thường" các tiêu chuẩn sơ đẳng của Luật pháp quốc tế, đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biết là nghị quyết 2231 ngày 20/7/2015 phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA và quy định dỡ bỏ dần các biện pháp cấm vận chống Iran.

Qua ba năm thực hiện, thỏa thuận JCPOA đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần khẳng định Iran thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, chương trình hạt nhân của Iran đã được giám sát đầy đủ, chặt chẽ và chứng tỏ chương trình này chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình.

Ngay sau khi ông D. Trump tuyên bố gói trừng phạt đầu tiên chống Iran, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Anh, Đức, Pháp đã ra tuyên bố chung cam kết sẽ làm mọi việc để thực hiện thỏa thuận JCPOA và sẽ có các biện pháp thích hợp để bảo vệ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Iran.

Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố chống lại các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quan hệ hợp tác mọi mặt vời Iran.

Như vậy, bất chấp sức ép của Washington, các nước ký kết JCPOA còn lại vẫn quyết tâm cùng với Iran thực hiện thỏa thuận này.

Các nước này cho rằng đây là quyết định riêng của Mỹ chứ không phải nghị quyết của quốc tế nên họ không có nghĩa vụ thực hiện.

Mục đích của việc D. Trump tuyên bố nối lại các biện pháp trừng phạt Iran lần này là để ép Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA, chấm dứt vĩnh viễn các hoạt động làm giàu Uranium, tháo dỡ các cơ sở hạ tầng hạt nhân, từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo, cắt bỏ mọi phương tiện ủng hộ các nhóm thân Iran như Hezbollah ở Lebanon, Hashd Sha'abi ở Iraq, Houthi ở Yemen, Hamas ở Palestine, rút quân khỏi Syria...

Washington cũng hàm ý mục tiêu cuối cùng là "lật đổ" chính quyền Hồi giáo Iran.

Đáng lưu ý, sau khi tuyên bố gói trừng phạt chống Iran, ông Trump đã khẳng định sẵn sàng đàm phán toàn diện và không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới.

Sau những nắm đấm thép cấm vận, Mỹ - Iran sẽ dịu giọng với nhau bằng sự chân thành? - Ảnh 2.

Bất chấp sức ép của Washington, các nước ký kết JCPOA còn lại vẫn quyết tâm cùng với Iran thực hiện thỏa thuận này. Ảnh: Getty

Iran hiểu rõ tính cách của ông Trump?

Báo chí Israel, trong đó có tờ Debka số ra ngày 9/8/2018 đã trích dẫn câu nói của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong diễn văn trên truyền hình Tehran "Mỹ cần tự chứng minh bản thân mình sẵn lòng giải quyết các vấn đề bằng thương lượng sau khi rút khỏi JCPOA".

Đổng thời ông Rouhani cũng tuyên bố với hãng truyền hình CNN của Mỹ "sẵn sàng nói chuyện với Trump ngay bây giờ và không có điều kiện tiên quyết, miễn là phía Mỹ thực sự chân thành".

Đây là những tín hiệu tích cực về khả năng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Rouhani trong thời gian tới.

Báo chí Israel cũng nói đến New York và tháng 9 tới khi diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể là địa điểm và thời điểm thích hợp cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Rouhani nếu Tổng thống Rouhani của Iran tham dự các cuộc họp của Đại Hội đồng.

Tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và quan điểm "diều hâu" về việc tấn công Iran, Triều Tiên

Các nhà quan sát dự đoán rằng việc Ngoại trưởng Oman Yousef Bin Allawi vừa gặp Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tại Washington có thể là để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh này, bắt đầu bằng các cuộc thương lượng bí mật tại Muscat với sự trung gian hòa giải của Oman, giống như các cuộc gặp gỡ trước đây dẫn đến việc ký kết thỏa thuận JCPOA.

Kinh nghiệm trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên cho thấy, ông Trump đưa căng thẳng lên đỉnh cao để rồi bước vào đàm phán. Iran hiểu rõ tính cách của Tổng thống Trump.

Chuyến thăm Tehran và các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho với các nhà lãnh đạo Iran ngày 6/8 vừa qua không loại trừ khả năng bàn thảo các biện pháp phối hợp đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và trao đổi kinh nghiệm gặp thượng đỉnh với D. Trump.

Sau những nắm đấm thép cấm vận, Mỹ - Iran sẽ dịu giọng với nhau bằng sự chân thành? - Ảnh 4.

Thực tế, Mỹ đã cấm vận Iran 40 năm nay kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo thành công năm 1979, nhưng đã không ép được Iran thay đổi chính sách của mình.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran lần này cũng vậy thôi, chưa kể việc hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế đứng về phía Iran.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận Iran hiện nay của Mỹ là mạnh tay nhất, toàn diện nhất từ trước tới nay sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Iran.

Gặp Trump chưa thể giải quyết được các vấn đề, nhưng đối thoại sẽ giải tỏa bớt bầu không khí căng thẳng, đồng thời thể hiện thiện chí của mình, một cuộc gặp thượng đỉnh Rouhani - Trump sẽ mang lại nhiều ý nghĩa.

Về phần mình, ông Trump đã 9 lần đề nghị gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani chứng tỏ ông thực sự muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Iran, một việc mà chưa Tổng thống nào của nước Mỹ nghĩ đến.

Mục đích chính của cuộc gặp này là nhằm tạo thế cho Trump và đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới.

Mặc dù còn nhiều phức tạp, nhưng lần đầu tiên hai bên đều tỏ sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh không có điều kiện tiên quyết, thì nhiều khả năng cuộc gặp Trump - Rouhani sẽ diễn ra thời gian tới đây.

Các cơ hội kinh doanh Iran sẽ mất do trừng phạt của Mỹ

Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ chống Iran bắt đầu có hiệu lực ngay từ 6/8/2018. Iran sẽ mất các hợp đồng thương mại sau:

1) Hợp đồng mua 230 máy bay trị giá 39,536 tỷ đô la, trong đó 20 tỷ đô la mua 110 máy bay

Boeing cho hãng hàng không Iran Air và Aseman Airlines, 19 tỷ đô la mua 100 máy bay

Airbus và 536 triệu đô la mua 20 máy bay ATR (13 chiếc đã giao ngày 5/8/2018).

2) Xuất khẩu thảm trị giá 424 triệu đô la (5400 tấn thảm xuất khẩu). Thảm Iran nổi tiếng nhất thế giới, chiếm 30% thị phần toàn cầu và tạo công ăn việc làm cho 2 triệu người Iran. Mỹ là thị tường tiêu thụ thảm Iran lớn nhất.

3) Xuất khẩu hạt dẻ Pistachio 852 triệu đô la (96,000 tấn). Mỹ và Iran là hai nước sản xuất hạt dẻ Pistachio lớn nhất thế giới

4) Trứng cá Caviar 1,35 triệu đô la (557kg). Trứng cá Caviar của Iran nổi tiếng nhất thế giới.

5) Vàng 64,5 tấn

6) Ô tô 1,6 triệu chiếc các loại. Iran là thị trường ô tô lớn thứ 12 trên thế giới.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại