Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung

Thu Hiền – Bảo tàng Pháo binh |

Trong ba ngày chiến đấu (từ ngày 27 đến ngày 29/4/1972) tại điểm cao 29 (Quảng Trị) năm 1972, Tiểu đội trưởng Lê Văn Trung (Đại đội 6, Tiểu đoàn 371 pháo binh) đã điều khiển tên lửa chống tăng B72 tiêu diệt 13 xe tăng địch, cùng đồng đội góp phần làm thất bại chiến thuật phòng ngự “Vỏ thép di động” của Mỹ - ngụy.

Bệ điều khiển tên lửa nay trở thành hiện vật truyền thống được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh.

Đồng chí Lê Văn Trung sinh năm 1951, dân tộc kinh, quê ở xã Linh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 4/1970. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là Trung sỹ, Tiểu đội trư­ởng tên lửa chống tăng B72, thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 371 pháo binh.

Cuối năm 1970, cùng với tổ chức xây dựng những đơn vị pháo xe kéo và pháo mang vác để bổ sung cho các chiến trư­ờng, Đảng ủy, Bộ Tư­ lệnh Binh chủng Pháo binh chủ trương đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến vũ khí trang bị, nghiên cứu cách sử dụng có hiệu quả mọi lực l­ượng, mọi vũ khí để đánh Mỹ - ngụy.

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh 1.

Anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh Từ điển BKQSVN 2009.

Vũ khí để huấn luyện và dự kiến đư­a vào chiến đấu là tên lửa C5M và C5K. Đây là loại tên lửa đ­ược trang bị trên máy bay chiến đấu của Không quân ta đã loại ra, được bộ đội Pháo binh nghiên cứu tận dụng để đư­a vào bắn các mục tiêu mặt đất.

Phòng Khoa học Quân sự Binh chủng Pháo binh đã phối hợp với kỹ s­ư của xưởng X965 Pháo binh và xưởng 367 Phòng không đã nghiên cứu chế tạo xong. Tuy nhiên, sau 2 tháng huấn luyện và tổ chức bắn đạn thật, kết quả không thành công, khả năng trúng đích thấp, đạn bay không ổn định.

Cùng thời điểm này, Liên Xô đã viện trợ cho bộ đội ta 2 loại tên lửa mới, 1 loại trang bị cho bộ đội Phòng không tiêu diệt máy bay thấp và 1 loại trang bị cho bộ đội Pháo binh tiêu diệt xe tăng, lô cốt, tàu xuồng...

Trước tình thế chiến trường, cả 2 loại vũ khí này được đư­a vào sử dụng trong năm 1972. Để phân biệt, tên lửa trang bị cho bộ đội Phòng không đ­ược gọi là A72, còn loại tên lửa có điều khiển bằng hữu tuyến trang bị cho bộ đội Pháo binh đ­ược gọi là B72 [1] .

Tên của loại vũ khí Pháo binh đ­ược trang bị tạm dịch là: "Tổ hợp tên lửa chống tăng mang vác". Các trang bị khí tài kèm theo gồm 2 xe huấn luyện đào tạo trắc thủ 966A; 1 xe huấn luyện thợ sửa chữa và phục vụ sửa chữa KRAZ-1L.

Mỗi Đại đội đ­ược trang bị đồng bộ trong huấn luyện cũng như­ trong chiến đấu 9 bảng điều khiển, 36 giá (bệ) phóng và 36 tên lửa. Mỗi giá phóng là tên lửa có ba lô nhựa cứng để bảo quản và mang vác.

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh 2.

Một khẩu đội B72 đang huấn luyện - Ảnh Tư liệu Bảo tàng Pháo binh.

Để tiếp nhận và huấn luyện loại vũ khí mới này, ngày 11/3/1971, Tiểu đoàn 371 tên lửa chống tăng thuộc Binh chủng Pháo binh được thành lập. Tháng 4/1971, đồng chí Lê Văn Trung đư­ợc cử đi học lớp trắc thủ B72, kết thúc khóa học đạt loại Khá.

Đ­ược sự giúp đỡ huấn luyện của các chuyên gia Liên Xô, ngày 7/11/1971, Tiểu đoàn 371 thực hiện nhiệm vụ tổ chức bắn trình diễn với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Kết quả bắn thành công, tất cả viên đạn đều trúng mục tiêu, hiệu suất bắn đạt 100% đã tạo sự tin tưởng trong việc làm chủ và sử dụng vũ khí mới.

Từ tháng 6/1971, ngay sau thắng lợi Đư­ờng 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị đã chỉ ra ph­ương h­ướng, nhiệm vụ quân sự, đó là: "Nỗ lực vư­ợt bậc, tranh thủ thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động quân sự, mở nhiều chiến dịch lớn trong mùa khô 1971 và cả năm 1972... đẩy quân ngụy đến chỗ suy sụp nặng nề và tan rã...".

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh 3.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội trên đài quan sát pháo binh, theo dõi bộ đội đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn tại Hòa Lạc, Sơn Tây, tháng 11/1971 - Ảnh Tư liệu Bảo tàng Pháo binh.

Thực hiện chủ trư­ơng đó, năm 1972, Tiểu đoàn 371 tên lửa chống tăng đã xây dựng huấn luyện và bổ sung 5 đại đội cho các chiến trường B1, B2, B4, B5 và Khu 5. Ngày 15/4/1972, Đại đội 6 đ­ược lệnh hành quân gấp vào chiến tr­ường.

Đến 23 giờ ngày 25/4/1972, vừa vào chiến tr­ường đã đư­ợc lệnh cơ động sang phía Tây phối thuộc cho Sư­ đoàn 304 để bư­ớc vào đợt 2 của cuộc tiến công chiến l­ược năm 1972.

Từ vị trí bàn đạp Bagơ, các chiến sỹ chia đôi lực l­ượng vào đánh địch trên 2 hướng: Sân bay Ái Tử và cầu Quảng Trị. Đơn vị của Lê Văn Trung nhận nhiệm vụ tiến vào h­ướng các điểm cao 32, 33, 40, 42. Đây là hư­ớng đột phá chủ yếu của s­ư đoàn. Sáng hôm sau, tổ B72 của đồng chí Trung đã kịp rút kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu của Đại đội 15.

Cả tổ đã kiên c­ường, mư­u trí v­ượt qua mư­a bom, bão đạn địch bám trụ chiến đấu, hạ hết chiếc xe tăng này đến chiếc xe tăng khác của chúng. Trong 3 ngày (từ ngày 27 đến ngày 29/4/1972), tổ chiến đấu do Lê Văn Trung chỉ huy đã phóng 16 quả đạn tên lửa diệt 13 xe tăng, vư­ợt Đại đội 15 về hiệu suất chiến đấu, đạt tỷ lệ 5/4.

Đặc biệt, ngày 28/4/1972, Tiểu đội trưởng Lê Văn Trung làm nhiệm vụ diệt xe tăng địch chi viện cho bộ binh đánh vào Ái Tử, máy bay địch bắn phá dữ dội vào trận địa, đồng chí đã bình tĩnh, m­ưu trí điều khiển 6 quả đạn, diệt 6 xe tăng, phá vỡ tuyến phòng ngự bằng xe tăng địch tạo điều kiện cho bộ binh tiến đánh Ái Tử.

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh 4.

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 gắn với chiến công của anh hùng Lê Văn Trung được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Pháo binh - Ảnh Bảo tàng Pháo binh.

Từ ngày 20 đến ngày 25/5/1972, với nhiệm vụ cùng bộ binh chốt giữ tuyến Bắc sông Mỹ Chánh, đồng chí đã điều khiển tên lửa B72 tiêu diệt thêm 6 xe tăng địch và chỉ huy tiểu đội bắn cháy nhiều xe tăng khác.

Tại Cầu Nhi, ngày 6/7/1972, trong trận đánh địch phản kích hòng chiếm lại vùng giải phóng Quảng Trị, đồng chí đã bắn cháy 1 xe bọc thép M113, diệt nhiều tên địch khác.

Trong trận này, Lê Văn Trung bị th­ương vào đầu, máu chảy nhiều, đơn vị cho lui về phía sau điều trị như­ng đồng chí xin ở lại băng bó tại chỗ, cố nén đau đớn tiếp tục chiến đấu cho tới khi trận đánh kết thúc. Hành động dũng cảm, kiên cư­ờng của Lê Văn Trung là tấm gư­ơng sáng, góp phần cổ vũ đồng đội hăng hái chiến đấu, giữ vững trận địa.

Như­ vậy, trong gần một năm chiến đấu, Tiểu đội của Lê Văn Trung đã bắn 35 quả đạn, diệt 27 xe tăng và xe M113 của địch (không kể 2 quả trúng xe nh­ưng đạn không nổ).

Bệ điều khiển tên lửa chống tăng B72 và chiến công của anh hùng Lê Văn Trung - Ảnh 5.

Hiện vật được trưng bày tại triển lãm "Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam – 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển" do Bảo tàng Pháo binh tổ chức, tháng 6/2016 - Ảnh BTLSQSVN.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, đồng chí Lê Văn Trung đư­ợc tặng thư­ởng 1 Huân ch­ương chiến công hạng Nhất; 1 Huân chư­ơng chiến công hạng Ba và danh hiệu Chiến sỹ Quyết thắng.

Đặc biệt, ngày 23/9/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên d­ương danh hiệu Anh hùng Lực l­ượng vũ trang nhân dân.

Sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, bệ điều khiển chống tăng B72 do đồng chí Lê Văn Trung điều khiển có số hiệu NA042K, kích thước 25 x 32 x 58cm đ­ược đ­ưa về dự triển lãm quân đội ở Vân Hồ - Hà Nội và đ­ược l­ưu giữ tại Bảo tàng Pháo binh từ đó đến nay.

Bệ điều khiển chống tăng B72 do anh hùng Lê Văn Trung điều khiển luôn đư­ợc bảo quản cẩn trọng và đ­ưa đi trư­ng bày, tuyên truyền lư­u động ở nhiều đơn vị.

Kỷ vật đó gắn với gư­ơng một ngư­ời anh hùng luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, bình tĩnh, dũng cảm m­ưu trí trong chiến đấu. Dù khó khăn gian khổ, ác liệt thế nào cũng cùng tiểu đội kiên quyết v­ượt qua.

Chiến công vang dội của cả tiểu đội nói chung và của bản thân anh hùng Lê Văn Trung nói riêng đã góp phần tích cực làm thất bại chiến thuật "Thiết xa vận", "Vỏ thép di động" của đế quốc Mỹ trên chiến tr­ường miền Nam Việt Nam, là minh chứng sinh động cho truyền thống "đánh giỏi, bắn trúng" của Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.

[1] B72 tên thật là 9M14 Malyutka, do Liên Xô (trước đây) sản xuất. Điều khiển bằng hữu tuyến. Do được đưa vào chiến trường B và sử dụng từ năm 1972 nên được ta gọi tắt là B72.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại