Thượng đỉnh NATO: "Quả bom" Mỹ và bối cảnh lung lay của khối Phương Tây

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Kẻ thù lớn nhất đối với NATO xem ra không phải từ bên ngoài đến mà tàng ẩn ở ngay bên trong NATO.

Căng thẳng từ trước khi bắt đầu

Sự kiện đã được ấn định diễn ra hàng năm và các thành viên NATO thường háo hức chờ đón bởi hội nghị cấp cao thường niên của liên minh quân sự này luôn là dịp để NATO phô trương khả năng hành động về chính trị cũng như quân sự và thể hiện hình ảnh về tổ chức có các thành viên thật sự "cùng hội cùng thuyền" với nhau.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, chính sự kiện ấy đã trở thành cơn ác mộng đối với NATO sau khi ngay ở lần tham dự hội nghị cấp cao đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không coi trọng những gì NATO xưa nay luôn coi trọng và lựa chọn lối đi riêng cho Mỹ.

Ông Trump đòi các thành viên NATO phải tăng ngân sách quân sự và quốc phòng hàng năm lên mức 2% GDP như NATO đã nhất trí năm 2014. Ông Trump yêu cầu các thành viên NATO phải trả giá cho Mỹ để được Mỹ duy trì cam kết đảm bảo an ninh.

Ông Trump biến an ninh thành hàng hoá trong NATO và như thế động chạm đến toàn bộ triết lý tồn tại và hoạt động của NATO.

Năm ngoái đã như thế, năm nay xem ra còn tệ hại hơn đối với NATO.

Ngay trước hội nghị cấp cao năm nay của NATO, ông Trump đã có thư gửi tới các thành viên yêu cầu họ thực hiện cam kết năm 2014. Tổng thống Mỹ công khai phê trách nước Đức, cho rằng nước Đức nợ Mỹ rất nhiều để được đảm bảo an ninh và doạ sẽ rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức.

Ông Trump phát động cuộc xung khắc thương mại với EU mà đa số các thành viên EU đều là thành viên NATO, gắn xung khắc thương mại giữa Mỹ và EU với cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO của Mỹ.

Từ nhiều năm nay, NATO và EU vốn găng với Nga là thế mà ông Trump lại hào hứng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thủ đô Helsinki của Phần Lan ngay sau cuộc thượng đỉnh năm nay của NATO.

Ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran trong khi các đồng minh và đối tác của Mỹ ở NATO và EU đều thấy thoả thuận này rất có lợi.

Khi trụ cột lung lay

NATO không lo ngại gì hơn ngoài việc lặp lại kịch bản như đã xảy ra với nhóm G7 vừa rồi.

Ông Trump không những chỉ rời hội nghị cấp cao của nhóm G7 khi hội nghị chưa kết thúc để đi Singapore gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà còn dùng một dòng tweet làm cho G7 không thể ra tuyên bố chung sau hội nghị cấp cao.

Thượng đỉnh NATO: Quả bom Mỹ và bối cảnh lung lay của khối Phương Tây - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và các lãnh đạo thế giới tại G7. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị cấp cao năm nay, NATO dự định thông qua những văn kiện quan trọng liên quan đến tương lai chính trị của liên minh và nhằm tăng cường khả năng quân sự của NATO.

Quan trọng và chiến lược đối với NATO là thế nhưng khả năng đạt được sự nhất trí với ông Trump là không chắc chắn và ngay cả khi đạt được điều đó ở hội nghị thì không ai đam cam đoan là ông Trump sẽ lại không thay đổi quan điểm.

Kẻ thù lớn nhất đối với NATO hiện xem ra không phải từ bên ngoài đến mà tàng ẩn ở ngay bên trong NATO.

NATO, G7 và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và EU được coi là những trụ cột cơ bản của cái gọi là "khối Phương Tây". Những trụ cột ấy hiện lung lay hết. Hệ giá trị chung được coi là nền tảng cho Phương Tây và chất keo gắn kết nội bộ của Phương Tây. Bây giờ xem ra nền tảng ấy đang rạn vỡ và chất keo mất dần tác dụng.

Thượng đỉnh NATO: Quả bom Mỹ và bối cảnh lung lay của khối Phương Tây - Ảnh 3.

Sau những gì đã xảy ra cho đến nay giữa Mỹ với NATO, EU và G7, NATO không thể không cay đắng nhận thấy rằng không thể dùng lý và lẽ để thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm.

Cho nên triển vọng có lại được hội nghị cấp cao thành công trong bầu không khí thân thiện và nhất trí thật mong manh đối với NATO. Chỉ cần không để bị thất bại như năm ngoái thôi đã đủ để coi là thành công đối với NATO.

Không có Mỹ, NATO chỉ còn là cái bóng của chính nó ở châu Âu và trên thế giới. Vì thế, các thành viên NATO chắc sẽ bằng cách này hay cách khác đáp ứng yêu cầu của Mỹ và tranh thủ ông Trump.

Họ sẽ phải nỗ lực hơn trên ba phương diện là đóng góp thêm để chia xẻ gánh nặng tài chính với Mỹ, tự tăng cường thêm nữa tiềm lực quân sự và khả năng phòng thủ của mình và sẵn sàng hơn nữa tham gia vào các chiến dịch quân sự chung của NATO.

Thời thân ái qua rồi đối với liên minh quân sự này.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại