Sợ Mỹ-Nga lập liên minh mới, NATO vùng vẫy tìm phương án đối phó với viễn cảnh "thiếu Mỹ"

Ngọc Nguyễn - Hồng Anh |

Theo Washington Post, Châu Âu đang "run sợ" trước viễn cảnh ông Trump có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, thậm chí là khiến NATO tan rã.

Nỗi lo của NATO

Các nhà lãnh đạo NATO từng lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng những từ ngữ không phù hợp để thuyết phục Nga tin rằng nước Mỹ vẫn quan tâm tới việc bảo vệ lãnh thổ châu Âu. 

Hiện tại họ đang phải đối mặt với nỗi lo sợ còn lớn hơn nhiều lần: Đó là sự tan rã hoàn toàn của liên minh, hoặc chí ít là việc Washington rút dần khỏi những cam kết an ninh như trong thỏa thuận với các đồng minh của mình. 

Mối lo ngại này xuất hiện trong bối cảnh thượng đỉnh NATO diễn ra ngày 11, 12/7 và thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp được tổ chức vào 16/7 tới. 

Một số ý kiến dự đoán rằng trong hội nghị thượng đỉnh NATO, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tiếp tục than phiền về việc các đồng minh châu Âu vẫn không chịu tăng chi tiêu quốc phòng như ông kỳ vọng. 

Một điều đáng chú ý là thượng đỉnh NATO và thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra khá sát nhau, và gần đây ông Trump cũng có một số động thái thân thiện khác thường với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. 

Bởi vậy nên các nhà lãnh đạo châu Âu đang rất lo ngại rằng ông Trump sẽ chấp nhận hy sinh lợi ích an ninh của NATO để đổi lấy một mối quan hệ nồng ấm hơn với Moskva.

Sợ Mỹ-Nga lập liên minh mới, NATO vùng vẫy tìm phương án đối phó với viễn cảnh thiếu Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều nhà ngoại giao lo sợ ông Trump sẽ hy sinh mối quan hệ với NATO để lấy lòng ông Putin. Ảnh: AP.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu hồi tháng trước rằng thông qua thái độ thể hiện qua lời nói của ông Trump, thì rất có khả năng liên minh NATO sẽ sụp đổ. 

Thậm chí các nhà ngoại giao của NATO còn bóng gió về việc hai nguyên thủ Mỹ-Nga liệu có liên thủ để thay đổi trật tự thế giới giống như hồi Thế chiến thứ nhất hay không. Một số nhà ngoại giao khác thì đang cân nhắc xây dựng cơ sở pháp lý cho một liên minh NATO không còn Mỹ.

Ông Tomas Valasek, cựu đại sứ Slovakia tại NATO, đồng thời là người đứng đầu Quỹ Carnegie tại khu vực Châu Âu cho biết: "Đồng minh lớn nhất của NATO đã không chỉ bất đồng chính kiến mà dường như còn sẵn sàng rời bỏ liên minh. Các biện pháp răn đe giờ đây đã không còn hiệu lực nữa".

Những nhận định trên được đưa ra sau khi ông Trump liên tục có những phát ngôn và hành động gây nhiều tranh cãi. Hầu như không ai tin rằng ông Trump sẽ quyết định rút Mỹ khỏi NATO - họ tin rằng các nghị sĩ phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ không thông qua đề xuất này. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về những động thái có thể khiến Mỹ rút dần khỏi liên minh.

Người châu Âu đang lo sợ kịch bản của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada hồi tháng trước sẽ lặp lại, khi ông Trump đơn phương chống lại các nước đồng minh thân cận nhất của Washington, và sau đó ông đã từ chối ký kết bản tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc họp theo thông lệ quốc tế.

"Các vị hãy chi tiền ngay đi"

Tuy nhiên, điều khác biệt trong lần thượng đỉnh này là các động thái của ông Trump có thể tác động trực tiếp tới an ninh của NATO, hay theo một nhà ngoại giao là "làm trật bánh đoàn tàu NATO".

Châu Âu đang "run sợ" trước viễn cảnh ông Trump có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết. Ngay bản thân ông Trump cũng tự nhận rằng ông không ngại các cuộc đối đầu.

"Tôi sẽ nói với các lãnh đạo NATO: Các vị hãy chi tiền ngay đi (ND: tức các khoản chi tiêu quốc phòng). Nước Mỹ sẽ không tiếp tục gánh hết mọi chi phí nữa" Tổng thống Trump phát biểu trước đông đảo cử tri tại bang Montana tuần trước. 

Tháng trước, trong bức thư 'dằn mặt' gửi tới lãnh đạo các quốc gia NATO không hoàn thành nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng như đã từng cam kết, ông Trump đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với các nước này nếu họ không tăng chi tiêu quốc phòng lên. 

Ngoài ra, ông Trump cũng đã đề cập đến vấn đề thâm hụt thương mại với các quốc gia NATO, trong khi Mỹ lại đang phải bỏ tiền ra để bảo trợ cho họ. Điều này cho thấy Washington có thể sử dụng chiêu bài đảm bảo an ninh làm quân bài đối trọng trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.

Ông Trump sẽ làm thân với ông Putin?

Châu Âu nhận thấy thái độ giận dữ của ông Trump đang thực sự ảnh hưởng tới liên minh, và họ lo ngại rằng Mỹ sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Họ cho rằng ông Trump có thể ngưng việc tập trận chung của quân đội Mỹ và các nước tại khu vực Đông Âu để tránh "kích động" Nga. 

Điều này là có cơ sở khi người đứng đầu Nhà Trắng đã áp dụng chiêu nhượng bộ tương tự trong vấn đề tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc ngay sau cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Ngoài ra, các nhà ngoại giao châu Âu còn băn khoăn về việc ông Trump có thể rút ngắn sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu, để lại một khoảng trống lớn trong các khu vực có chung đường biên giới với Nga.

Nỗi sợ lớn nhất của NATO hiện nay là ông Trump có thể lấy lòng ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh bằng cách thừa nhận việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga và thúc ép các quốc gia trên thế giới vẽ lại đường biên giới bằng vũ lực.

"Đây là một vấn đề chủ chốt," một nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết. "Nó sẽ hợp pháp hóa một loạt các hành động. Nếu một quốc gia sở hữu kho vũ khí quân sự hùng hậu và có tiếng nói trên thế giới thì họ có thể làm tất cả những gì họ muốn".

Các nhà ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm đàm phán các vấn đề trong hiệp định trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-NATO nói rằng họ vẫn chưa nhận được chỉ thị nào yêu cầu phải làm khác đi so với đường lối đối ngoại lâu đời của Mỹ. 

Về mặt giấy tờ, Tổng thống Trump sẽ lên án hành động của Nga ở Ukraine, xác nhận hiệp ước quốc phòng chung và thông qua một loạt các kế hoạch mới nhằm mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Âu, chứ không phải thu hẹp nó.

"Đây là một hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng và có tính định hướng", đại sứ Mỹ tại NATO, Kay Bailey Hutchison, trả lời các phóng viên hồi tuần trước. "Các quốc gia NATO đang thực hiện nhiều điều trong yêu cầu của Tổng thống Mỹ".

Nhưng bản thân Trump dường như lại muốn rẽ theo một hướng khác. Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 tháng trước, ông đã tuyên bố rằng việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014 là hợp pháp vì hầu hết cư dân Crimea đều nói tiếng Nga. Mặc dù giới lãnh đạo NATO đã bác bỏ kịch liệt quan điểm của ông Trump, nhưng có vẻ điều này chẳng hề ảnh hưởng đến nhà lãnh đạo Mỹ.

Việc nước Mỹ công nhận Crimea sẽ làm suy yếu động cơ cho các đòn trừng phạt của phương Tây đối với điện Kremlin kể từ năm 2014 tới nay, bao gồm các biện pháp cấm vận và tăng cường hoạt động quân sự của khối NATO tại các khu vực dọc biên giới với Nga. 

Ngoài ra, điều đó còn vi phạm các cam kết của Mỹ đối với Ukraine, khi chính quyền Kiev hồi năm 1994 đã nhận được sự bảo lãnh an ninh từ Washington, khi nước này cam kết sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kiev giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ.

Phản ứng của châu Âu

Những lo ngại về ông Trump và cam kết an ninh của Mỹ là nguyên nhân khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải tăng cường nhóm họp thảo luận. Liên minh châu Âu đã phải củng cố hợp tác an ninh nội khối và tạo ra một phương án dự phòng nếu NATO tan rã. 

Hơn nữa, ngay cả khi ông Trump không kí thông qua bản tuyên bố chung của NATO - một động thái chưa từng có tiền lệ đối với một nguyên thủ Mỹ - thì nhiều nhà ngoại giao tin rằng rất nhiều đề xuất quan trọng vẫn sẽ được thông qua do đã nhận được sự đồng thuận từ các bộ trưởng quốc phòng từ cách đây vài tháng.

Sợ Mỹ-Nga lập liên minh mới, NATO vùng vẫy tìm phương án đối phó với viễn cảnh thiếu Mỹ - Ảnh 4.

Lãnh đạo các quốc gia thuộc khối NATO. Ảnh: AP.

Tuy lo ngại về tương lai của NATO, hầu hết các nước trong khối vẫn duy trì mức chi tiêu quốc phòng quá ít, và có thể nói là không đủ trong trường hợp Mỹ rút khỏi NATO. Một ví dụ điển hình là nước Đức, quốc gia giàu nhất châu Âu và là mục tiêu yêu thích của ông Trump mỗi khi tức giận. 

Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng nhưng điều này lại không nhận được sự đồng thuận từ người dân trong nước. Khoản chi tiêu hiện tại chỉ đạt ¾ so với cam kết của Đức đối với NATO. Các binh sĩ Đức đã phải sử dụng chổi cán dài để huấn luyện do không có đủ súng.

Một nhà hoạch định chính sách châu Âu cho biết nhiều nhà lãnh đạo ban đầu hy vọng ông Trump sẽ chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ, nhưng giờ đây họ lo sợ rằng ông có thể tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa và sẽ có đủ thời gian để thay đổi các chính sách đối ngoại của Mỹ vĩnh viễn.

Viễn cảnh về sự rạn nứt của NATO ngày càng trở nên nghiêm trọng, đến nỗi ngay cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, vị lãnh đạo trước đây luôn cố gắng xoa dịu những bất đồng trong khối liên minh, cũng phải thừa nhận những lo ngại này ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-7 vừa qua.

"Chẳng có điều gì đảm bảo chắc chắn rằng mối liên kết xuyên Đại Tây Dương sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ duy trì được nó, " ông Stoltenberg nói. "Bài học từ lịch sử cho thấy chúng ta rồi cũng sẽ vượt qua được những bất đồng".

Nhiều học giả cho rằng thậm chí ngay cả khi nước Mỹ không còn là thành viên của NATO nữa thì bản chất của liên minh quân sự này vẫn vô cùng quan trọng.

"Nếu sợi dây liên hệ giữa an ninh và thương mại có thể trở thành 1 mối đe dọa làm suy yếu sự tồn tại của NATO, thì các quốc gia cần tính đến lợi ích chung trong mối liên hệ gắn kết về an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương", ông Stefano Stefanini, cựu đại sứ Ý tại NATO, kết luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng bữa sáng cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại