Nếu lần này ông Pompeo thất bại, phải rất lâu nữa mới có Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Toàn bộ tiến trình tiếp theo của việc thực hiện những nội dung trong thỏa thuận chung của hai ông Kim-Trump phụ thuộc rất nhiều vào kết quả chuyến công du của ông Pompeo.

Sứ mệnh quan trọng của ông Pompeo

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đang có có chuyến công du Triều Tiên lần thứ ba. Trong hai chuyến đi trước, ông Pompeo đến Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Còn chuyến đi hiện tại này là sự trở lại của ông Pompeo sau cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.

Sứ mệnh của ông Pompeo trong chuyến đi này là cùng với phía Triều Tiên thực hiện cụ thể những gì đã được thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6 vừa qua.

Ở Singapore, ông Trump và ông Kim Jong-un có thể chỉ cần tuyên bố với nội dung chung chung. Nhưng lần này rời Triều Tiên, ông Pompeo phải có được trong tay kết quả cụ thể.

Giữa Mỹ và Triều Tiên, cam kết hay tuyên bố chung chung như thế là đủ. Bây giờ là việc thực hiện. Thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Singapore có giá trị thực tiễn đến đâu phụ thuộc vào những hành động cụ thể được thực hiện bây giờ.

Bắt đầu thực chất

Từ sau sự kiện lớn nói trên, trong cặp quan hệ song phương này có những diễn biến vừa đáng khích lệ vừa đáng lo ngại.

Trên phương diện chính thức, hai bên vẫn có được bầu không khí chính trị thuận lợi. Tuy nhiên, ngay trước khi ông Pompeo đi Triều Tiên, cơ quan tình báo Mỹ lại đưa ra nhận định rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và không có ý định từ bỏ nó. Trong chuyến thăm lần này, ông Pompeo đem theo nhiều câu hỏi của phía Mỹ muốn được phía Triều Tiên trả lời.

Ở Singapore cách đây gần một tháng, ông Trump và ông Kim Jong-un đã nhất trí với nhau về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bây giờ, ông Pompeo phải thương thảo với phía Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa như thế nào.

Nếu lần này ông Pompeo thất bại, phải rất lâu nữa mới có Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump vừa tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 12/6 vừa qua tại Singapore. Ảnh: Reuters.

Trước đây, phía Mỹ nêu ra yêu cầu và điều kiện là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Bây giờ, vấn đề đặt ra là định tính và định lượng hóa cụ thể những điều kiện và yêu cầu ấy.

Trên thế giới cho tới nay chưa có quốc gia nào phát triển chương trình hạt nhân đến mức sở hữu vũ khí hạt nhân rồi tự phi hạt nhân hoá. Vì thế, hiện không ai có thể nói quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài bao lâu.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có đưa ra khung thời gian 1 năm, nhưng rõ ràng đó là mong muốn của ông Bolton nhiều hơn là thực tế.

Nếu không được phía Triều Tiên cung cấp đầy đủ mọi thông tin về chương trình tên lửa và hạt nhân, thì phía Mỹ sẽ không thể hình dung được về lộ trình và thời gian cần thiết cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là phần việc khó khăn nhất nhưng cũng quan trọng và quyết định nhất của chuyến đi này của ông Pompeo.

Việc hồi hương quân nhân Mỹ bị mất tích ở Triều Tiên quan trọng đối với Mỹ, nhưng không đến nỗi quá khó khăn. Ông Pompeo có thành công hay không với chuyến công du này sẽ thể hiện ở chỗ có được phía Triều Tiên đáp ứng đòi hỏi này hay không, mà lại còn phải là đáp ứng đầy đủ chứ không chỉ một phần.

Toàn bộ tiến trình tiếp theo của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thực hiện những nội dung khác trong thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Singapore bây giờ phụ thuộc vào kết quả chuyến công du của ông Pompeo.

Nếu lần này ông Pompeo thất bại, phải rất lâu nữa mới có Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên - Ảnh 3.

Phía Mỹ đang làm một phép thử đối với Triều Tiên để thấy nước này thật hay không thật lòng. Không cần đối với thế giới bên ngoài, nhưng riêng đối với Mỹ lúc này, Triều Tiên sẽ phải cho thấy chủ định, động cơ và mục đích thật sự trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo.

Nếu cứ tiếp tục mập mờ khi đã đến lúc cần phải rõ ràng, cứ tiếp tục chung chung khi đã đến lúc cần phải cụ thể, thì cái phản tác dụng và lợi bất cập hại sẽ không để cả hai nước phải chờ đợi lâu.

Cho nên chuyến công du Triều Tiên lần này của ông Pompeo có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với diễn biến tiếp theo, về cả chiều hướng lẫn mức độ, của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu nó thành công tốt đẹp thì ông Pompeo rồi sẽ sớm trở lại Triều Tiên. Còn nếu không thì sẽ lại phải rất lâu nữa mới có Ngoại trưởng Mỹ công du Triều Tiên.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Con đường đến với hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại