Lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Ngàn năm chưa thể giải mã bởi chất kịch độc chứa bên trong

Nguyễn Hằng |

Các nhà khoa học nhận định, cần phải chờ bước tiến của công nghệ mới có thể khám phá bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Ám ảnh cái chết khi đang ở đỉnh cao quyền lực, Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã làm tất cả những gì có thể để trở thành bất tử. Những thái y của nước Tần đã chuẩn bị và tìm kiếm nhiều vị thuốc thảo mộc, tinh dầu, dược liệu quý hiếm nhưng mọi nỗ lực đều không thể giúp cho vị hoàng đế tham vọng được trường sinh.

Không những vậy, Tần Thủy Hoàng còn cử một đoàn đi tìm kiếm thuốc trường sinh nhưng những người thám hiểm đó đã không bao giờ trở lại.

Tuy không kiếm được thuốc trường sinh, nhưng Tần Thủy Hoàng lại có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc sống của mình ở thế giới bên kia. Tần vương đã cho tiến hành xây dựng một lăng mộ khổng lồ dưới lòng đất, với cung điện nguy nga, đội quân đất nung lên tới hàng nghìn người vô cùng sống động và rất có thể còn ẩn giấu nhiều kho báu quý giá.

Khi phát hiện và tiến hành khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ học và sử gia hết sức ngạc nhiên khi quy mô của nơi yên nghỉ này quá rộng lớn, trang bị và thiết kế nhiều thứ sống động như thật. Theo Tư Mã Thiên, nhà sử học nổi tiếng nhà Hán từng viết rằng khoảng 700.000 người đã được huy động để tham gia xây dựng lăng mộ cho vị hoàng đế này.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khai quật tới ngọn đồi trung tâm, nơi đặt thi hài của Tần Thủy Hoàng và có thể cũng là nơi chôn giấu kho báu khổng lồ, vì hàm lượng thủy ngân quá lớn.

Ngọn đồi trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Phong ấn khó mở vì dòng sông thủy ngân

Chưa ai biết chắc chắn về những kỳ quan trong ngọn đồi rỗng, nơi có phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng vì chúng vẫn còn bị phong ấn.

Sau khi phát hiện thấy có hàm lượng thủy ngân cao bất thường trong các mẫu đất (một số chỗ lượng thủy ngân lên tới 1.500ppb), các nhà khoa học, khảo cổ học nhận thấy có phần tương thích với mô tả trong "Sử ký Tư Mã Thiên", đó là việc tồn tại thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là có thật.

Thủy ngân có thể phân bố tương ứng với các vị trí đường thủy ở nước Tần. Nói cách khác, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể chứa một bản sao của chính nước Tần và chúng được "tô vẽ" bằng thủy ngân.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Ngàn năm chưa thể giải mã bởi chất kịch độc chứa bên trong - Ảnh 1.

Dòng sông thủy ngân có thể là vũ khí chống trộm uy lực nhất trong địa cung của lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa

Nhưng việc liệu "Thủy ngân được sử dụng để làm thành hàng trăm con sông lớn nhỏ" hay không thì vẫn còn đang được nghiên cứu.

Xuất phát từ mô tả hấp dẫn sử gia Tư Mã Thiên, nhiều người cho rằng, địa cung chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể ẩn chứa mô hình thu nhỏ của các con sông có thật trên mặt đất với sự lung linh của chất kịch độc thủy ngân.

Tuy nhiên, rất khó để kiểm chứng vì quy mô và cấu trúc quá mức phức tạp của lăng mộ và nguy cơ từ những cái bẫy chết người như cung nỏ, chỉ huy ngầm ở nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể vẫn còn hoạt động sau hơn 2.000 năm.

Việc xâm nhập vào ngọn đồi chôn cất Tần Thủy Hoàng, nơi có quá nhiều thủy ngân hơn các khu vực xung quanh, trong bối cảnh hiện tại có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Mô tả của sử gia Tư Mã Thiên quá hấp dẫn, nhưng việc đụng độ thủy ngân, chất kịch độc mà con người chỉ cần dính một chút đã nguy hại khôn lường thì quả là vô cùng mạo hiểm.

Đặc biệt, theo Yinglan Zhang, một nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây ở Tây An (Trung Quốc), người từng phụ trách khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ năm 1998-2007, căn phòng chôn cất ở bên dưới ngọn đồi có thể cũng bị sụp đổ từ hàng nghìn năm trước, giống như trường hợp của các hố chôn chứa đội quân đất nung.

Khi đó, thủy ngân sẽ bay hơi vào đất ở khu vực gần đó trong một thời gian dài, nên thông số chi tiết để kết nối với những dòng sông thiết kế bên trong sẽ khó tìm thấy.

Trong triều đại nhà Tần, thủy ngân thường được sử dụng trong giả kim thuật, luyện đan dược, trang trí,... Nguồn khai thác thứ kim loại ở Trung Quốc cổ đại chủ yếu là từ các khoáng vật cinnabar (HgS) có màu đỏ hay còn được gọi là chu sa.

Vào thời cổ đại, tỉnh Thiểm Tây ở Trung Quốc có chứa tới gần 1/5 tổng trữ lượng cinnabar của quốc gia này. Theo đó, một vài khu mỏ cổ xưa ở phía nam của Thiểm Tây có thể là nguồn cung cấp trữ lượng thủy ngân khổng lồ cho lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Dựa theo một số ước tính về sản xuất và tinh luyện thủy ngân, nhà khảo cổ Yinglan Zhang cho rằng căn phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể chứa tối đa khoảng 100 tấn kim loại lỏng, tương đương với khoảng 7m3.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Ngàn năm chưa thể giải mã bởi chất kịch độc chứa bên trong - Ảnh 2.

Hàm lượng thủy ngân trong địa cung của lăng mộ có thể rất lớn. Ảnh minh họa

độc tính rất mạnh nên thủy ngân có lẽ là một rào cản đối với những kẻ có ý định xâm phạm nơi yên nghỉ của Tần Thủy Hoàng. Mặc dù có thể ban đầu thủy ngân đóng vai trò như một vật trang trí hoặc biểu tượng cho sự bất tử, mà không phải là một chất bảo quản hay thiết bị chống trộm vào thời nhà Tần.

Theo các nhà nghiên cứu, bản thân căn phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng trong ngọn đồi "bất khả xâm phạm" đã cách mặt đất khoảng 30-40m.

Thông qua cách đo những dị thường về trọng lực trên mặt đất, tìm kiếm các thay đổi trong điện trở suất của đất do tác động của khối kiến trúc bị chôn vùi bên dưới, các chuyên gia nhận thấy ngọn đồi có thể là một cấu trúc ít dày đặc hoặc rỗng.

Ngoài ra, bằng cách tính trên, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm ra cách bố trí cơ bản của lăng mộ trong vài thập kỷ qua. Cụ thể, căn phòng chôn cất có khoảng cách từ đông sang tây là 80m và từ bắc tới nam là khoảng 50m, được bao bọc xung quanh nhờ một bức tường đóng kín và có thể có khả năng chống thấm nước vì nó được làm bằng đá và phủ sơn mài đỏ.

Vào năm 2000, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, địa cung chôn cất Tần Thủy Hoàng có một con đập ngầm và hệ thống thoát nước ở các cạnh của ngọn đồi, điều này giúp nơi đây luôn khô ráo. Do đó, các chuyên gia tin rằng địa cung và khối kiến trúc khổng lồ bên trong đó có thể vẫn tương đối nguyên vẹn, không hoàn toàn sụp đổ và cũng không có đầy nước.

"Đột nhập" căn phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng: Chờ đợi công nghệ thích hợp

Nhà khảo cổ Yinglan Zhang cho biết: "Ở Trung Quốc cổ đại, mọi người thời đó tin rằng linh hồn của người chết sẽ sống mãi dưới lòng đất, vì vậy, họ sẽ chuẩn bị hầu như mọi thứ ở đời thực vào nơi chôn cất để người quá cố sử dụng trong thế giới bên kia".

Trên thực tế, có thể còn rất nhiều đồ tạo tác hay cổ vật còn được chôn trong các hố chôn khác thuộc quần thể lăng mộ.

Tuy nhiên, khung cảnh tráng lệ trong "ngọn đồi chưa thể chạm tới" của lăng mộ Tần Thủy Hoàng dường như chưa ai có thể nhìn thấy trong tương lai gần. Nhà khảo cổ học Qingbo Duan thuộc Đại học Tây Bắc ở Tây An, người tham gia khai quật lăng mộ từ năm 1998-2008, giải thích:

"Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch để xâm nhập vào ngọn đồi bởi vì không có công nghệ đáng tin cậy và các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích. Nghiên cứu khảo cổ học của chúng tôi đang tập trung vào việc suy luận bố cục cơ bản của lăng mộ.

Bởi vì bất kỳ sự tác động nào vào "ngọn đồi phong ấn" có thể khiến nước hoặc không khí xâm nhập và làm hỏng các thứ nằm bên trong.

Thậm chí, việc sử dụng một con robot hay lỗ khoan để vào bên trong nơi chôn cất cũng bị loại trừ vì ngay sau khi căn phòng được mở ra, sự cân bằng ở bên trong bị phá vỡ khiến những đồ tạo tác và khối kiến trúc ngầm có thể bị hư hỏng một cách nhanh chóng".

Vì vậy, để có thể liếc nhìn bên trong, chúng ta cần phải có khoa học kỹ thuật tốt hơn nhiều so với những gì đang có.

Yongqi Wu, giám đốc Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, chia sẻ: "Tôi mơ ước một ngày công nghệ mới có thể giúp giải thích tất cả những gì được chôn cất trong ngọn đồi đó mà không làm xáo trộn giấc ngủ của hoàng đế và đế chế ngầm hơn 2.000 năm tuổi của ông".

Rất muốn khám phá bên trong nhưng một số nhà nghiên cứu và nhiều người cũng muốn bảo đảm sự nguyên vẹn của di sản lăng mộ Tần Thủy Hoàng. 

Sau hơn 2.000 năm yên nghỉ, lăng mộ của vị hoàng đế này vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với hậu thế.

Tham khảo nguồn: Britannica, Livescience, Chemistryworld

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại