Yemen: Liên quân Arab đẩy mạnh tấn công Hodeidah, HĐBA họp khẩn

Phạm Hà |

Máy bay chiến đấu và tàu chiến của các nước Arab ngày 14/6 tiếp tục tấn công vào các vị trí của Houthi tại thành phố cảng Hodeidah của Yemen.

Đây là ngày thứ 2 trong chiến dịch lớn nhất mà liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu thực hiện, nhằm kiểm soát cảng chiến lược của Yemen từ tay nhóm phiến quân Houthi. Trước nguy cơ Yemen phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay tiến hành họp khẩn theo yêu cầu của Anh.

Cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia Arab cố gắng kiểm soát một thành phố lớn, được phòng thủ chắc chắn tại Yemen, kể từ khi họ tham gia vào cuộc chiến cách đây 3 năm chống lại nhóm vũ trang Houthi – lực lượng đang kiểm soát thủ đô Saana và các khu vực có đông dân cư. Liên quân ngày 14/6 cũng phong tỏa các con đường chính nối thành phố cảng Hodeidah với thủ đô Saana, nhằm ngăn chặn các hoạt động viện trợ cho nhóm vũ trang Houthi trong thành phố.

Hãng thông tấn chính thức của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất WAM xác nhận, chiến dịch đang diễn ra nhằm giải phóng các khu vực xung quanh sân bay. Người phát ngôn Liên quân cho biết, chiến dịch “Chiến thắng Vàng” nhằm giành quyền kiểm soát cảng và sân bay. Tuy nhiên, họ sẽ tránh vào thành phố - nơi nhóm Houthi đã triển khai lực lượng và các phương tiện quân sự.

Trước nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang tại Yemen, Liên Hợp Quốc cảnh báo quốc gia Trung Đông này có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Cảng Hodeidah là tuyến đường chính để đưa lương thực đến với hầu hết người dân Yemen. Theo các nhóm cứu trợ, khoảng 300.000 trẻ em có nguy cơ chết đói khi bị mắc kẹt trong thành phố.

Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 600.000 người sống trong khu vực, với viễn cảnh xấu nhất cuộc chiến có thể cướp đi mạng sống của 250.000 người, cũng như cắt đứt hàng viện trợ cung cấp cho hàng triệu người Yemen khác.

Người phát ngôn của Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế Marie Claire Feghali cho biết: “Cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến này sẽ đi đến đâu và các bên sẽ tôn trọng thế nào đối với luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi lo ngại hàng chục nghìn dân thường sẽ phải sơ tán khỏi Hodeidah. Chúng tôi cũng lo ngại vấn đề cơ sở hạ tầng điện, nước sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến cuộc sống của người dân trong thành phố”.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 14/6 dự kiến sẽ có cuộc họp kín về tình hình Yemen theo yêu cầu của Anh. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Fillippo Grandi khẳng định đang nỗ lực để giảm căng thẳng tại Yemen: “Thông điệp của chúng tôi đó là các bên cần ngồi vào bàn đàm phán sớm nhất có thể. Có thể đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi trong việc kêu gọi các bên ngồi vào bàn đối thoại, nhưng thực sự bây giờ không ai nhận trách nhiệm để buộc các bên phải giảm căng thẳng”.

Các nước hiện đều tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên ngồi vào bàn đối thoại. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết Chính phủ nước này đang thảo luận với Liên minh quân sự Arab để đảm bảo rằng chiến dịch tuân theo luật quốc tế về bảo vệ dân thường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với yêu cầu các bên ngồi vào bàn đàm phán, trong khi Liên minh châu Âu cảnh báo những diễn biến mới nhất sẽ dẫn đến sự bất ổn leo thang tại Yemen.

Mặc dù hầu hết các nước phương Tây muốn tránh có sự dính líu công khai trực tiếp đến cuộc xung đột Yemen, nhưng theo giới quan sát, các nước này được cho là vẫn đang âm thầm ủng hộ các nước Arab về phương diện ngoại giao. Mỹ, Anh và Pháp đã bán hàng tỷ USD vũ khí mỗi năm cho các nước Arab. Những diễn biến mới nhất này cho thấy, cuộc chiến ủy nhiệm tại Yemen có nguy cơ tiếp tục leo thang và đẩy quốc gia Trung Đông này đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại