Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chạy qua 20 tỉnh nào?

Bảo Bình |

Chiều dài toàn tuyến đường sắt dự kiến hơn 1.500km, đi qua 20 tỉnh với gần 60% đoạn tuyến đi qua cầu cạn và hầm.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài hơn 1.500km

Báo Lao động đưa tin, hiện, Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đang nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến trình Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 9 và trình Chính phủ vào cuối năm. 

Tuyến  đường sắt  tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1.435mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542km, sẽ đi qua 20 tỉnh với gần 60% đoạn tuyến đi qua cầu cạn và hầm. 

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến được chia thành 4 đoạn:

Đoạn Hà Nội - Vinh (282km): Điểm đầu từ ga Hà Nội hoặc ga Ngọc Hồi sẽ cơ bản song song với đường sắt hiện tại, qua khu vực Phú Xuyên, vượt qua quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đi về phía đông đường bộ cao tốc, tuyến tiếp cận ga Phủ Lý rồi tiếp cận ga Ninh Bình dự kiến đặt tại khu vực Mai Sơn (TP Ninh Bình).  

Từ ga Ninh Bình, tuyến đi về phía nam, xuyên qua dãy núi Tam Điệp vào Thanh Hóa. Ga Thanh Hóa dự kiến đặt tại phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 3-4km. Tuyến đi song song quốc lộ 1A, xuyên qua núi Thần Vũ, tiếp cận ga Vinh dự kiến tại phía tây thành phố Vinh.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chạy qua 20 tỉnh nào? - Ảnh 1.

Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Lao động

Đoạn Vinh - Đà Nẵng (432km): Xuất phát từ ga Vinh, tuyến đường sắt tốc độ cao vượt sông Lam vào Hà Tĩnh, chạy song song về phía tây quốc lộ 1A và đến ga Hà Tĩnh ở phía tây thành phố. 

Từ ga Vũng Áng, tuyến đi về phía đông của đường bộ cao tốc, xuyên qua đèo Ngang sang tỉnh Quảng Bình, vượt sông Gianh, đến ga Đồng Hới đặt ở phía tây thành phố. Sau đó, tuyến vượt sông Nhật Lệ theo hướng đường sắt hiện tại, đến ga Đông Hà.

Tuyến đi về phía nam theo hướng song song đường sắt hiện tại, vượt sông Hương, tiếp cận thành phố Huế ở phía tây. Ga Huế dự kiến đặt tại phường Thủy Xuân, cách ga hiện tại khoảng 2km. 

Từ ga Huế, tuyến đi song song với đường sắt hiện tại, vượt đầm Cầu Hai, qua khu kinh tế Chân Mây, và xuyên qua đèo Hải Vân đến ga Đà Nẵng dự kiến tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm TP khoảng 6km, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 4km.

Đoạn Đà Nẵng - Nha Trang (472km): Khởi đầu từ ga Đà Nẵng, đi song song đường sắt hiện tại và đến ga Tam Kỳ dự kiến đặt tại phía tây thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Tuyến vượt sông Trà Khúc và đến ga Quảng Ngãi, chạy về phía nam đến tỉnh Bình Đình và tiếp cận thị trấn Phù Mỹ, đến ga Diêu Trì dự kiến để kết nối với thành phố Quy Nhơn.

Từ ga Diêu Trì, tuyến đi xuyên qua đèo Cù Mông sang tỉnh Phú Yên, vượt sông Đà Rằng và đến ga Tuy Hòa dự kiến đặt cách trung tâm thành phố khoảng 8km, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km.

Tuyến tiếp tục đi xuyên qua Đèo Cả sang tỉnh Khánh Hòa, song song đường sắt hiện tại, tiếp cận ga Nha Trang dự kiến đặt tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố khoảng 4,5km.

Đoạn Nha Trang - TP HCM (363km): Bắt đầu từ ga Nha Trang, cơ bản song song với đường sắt hiện tại và đến ga Tháp Chàm dự kiến đặt tại phường Đô Vinh, cách TP Phan Rang khoảng 5km về phía tây. Sau đó, tuyến đi về phía đông núi Vĩnh Tân, đến ga Tuy Phong dự kiến đặt tại xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Từ ga Tuy Phong, đường sắt tốc độ cao vượt quốc lộ 1A đến ga Phan Thiết dự kiến đặt tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết. Sau đó, tuyến đi về phía tỉnh Đồng Nai, tiếp cận ga Long Thành tại trung tâm sân bay quốc tế Long Thành.

Qua sân bay Long Thành, tuyến cơ bản đi cùng hướng tuyến đường bộ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây về ga Thủ Thiêm đặt tại quận 2, TP HCM.

Thứ trưởng GTVT làm việc với các tỉnh về đường sắt tốc độ cao

Trong tuần này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với lãnh đạo một số tỉnh thành dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua, để thống nhất hướng tuyến xây dựng tuyến đường và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chạy qua 20 tỉnh nào? - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo Giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, và một số huyện thị dự kiến tuyến đường sắt tốc độ Bắc – Nam đi qua.

Dự kiến trong ngày Thứ 4 và Thứ 5 tuần này, ông Đông sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Theo chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, lộ trình dự kiến đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. 

Trong đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h) trên những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc-Nam theo khả năng huy động vốn, thông tin trên báo Giao thông.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại