Binh mã biết đi trong lăng Tần Thủy Hoàng và nghi án về "tượng người sống" gây tranh cãi

Trần Quỳnh |

Có 3 lập luận đã được đưa ra để giải thích cho khả năng bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tồn tại những pho tượng được đúc từ người thật.

Cách đây không lâu, câu chuyện về tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng biết chuyển động đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận Trung Quốc.

Câu chuyện ấy cũng đã dấy lên tin đồn rằng những bức tượng binh mã có niên đại từ thời nhà Tần ấy là tượng chứa người.

Xoay quanh các thông tin trên, trang Qulishi và KKNews (Trung Quốc) đã đăng tải bài viết đưa ra lý giải về tin đồn này dựa trên góc độ của những người nghiên cứu lịch sử.

Xôn xao câu chuyện tượng đất nung biết chuyển động

Binh mã biết đi trong lăng Tần Thủy Hoàng và nghi án về tượng người sống gây tranh cãi - Ảnh 1.

Những hầm binh mã khổng lồ bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa).

Câu chuyện tượng binh mã biết chuyển động được nhân chứng đăng tải trên trang cá nhân của mình với nội dung như sau:

Trong lúc tham quan lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cô gái này bị thu hút bởi một bức tượng binh mã. Vì tò mò nên cô đã tiến gần đến bức tượng này để quan sát kỹ hơn.

Khi tới gần, cô nhận thấy bức tượng kỳ lạ ấy có màu hơi đậm so với những pho tượng còn lại. Lúc đang quan sát, cô gái hoảng hồn khi thấy bức tượng đột nhiên tiến hai bước về phía trước.

Vì quá sợ hãi, nên cô gái ấy đã lập tức gọi nhân viên quản lý di tích và báo cảnh sát.

Nào ngờ khi tất cả mọi người đến nơi thì mới phát hiện ra sự thật: Bức tượng binh mã biết đi ấy là do một người đàn ông đóng giả. Người này vốn yêu thích tượng binh mã nên đã đặt mua trang phục trên mạng và hóa trang giống như thật.

Binh mã biết đi trong lăng Tần Thủy Hoàng và nghi án về tượng người sống gây tranh cãi - Ảnh 2.

Sự việc một chàng trai đóng giả làm tượng binh mã đã từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa).

Sau khi về nhà và bình tâm lại, nhân chứng này đã đăng tải câu chuyện của mình lên trang cá nhân. Bài viết của cô đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một trò đùa quá tay của người "cuồng" tượng binh mã nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người khẳng định trong lăng Tần Thủy Hoàng vốn có không ít những bức tượng chứa người.

Nghi án về những bức "tượng người" bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Số lượng tượng binh mã khổng lồ được phát hiện bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng từng được nhiều người ca tụng là kỳ quan thứ tám của thế giới.

Điểm đặc biệt của "đội quân đất nung" này còn nằm ở chỗ, mặc dù số lượng lên tới hàng ngàn, nhưng không một bức tượng nào khuôn mặt giống hệt nhau.

Cũng chính bởi sự thần kỳ ấy, nên không ít người hoài nghi rằng, liệu tượng binh mã của Tần Thủy Hoàng có phải được làm từ người thật hay không?

Bởi lẽ, dù cho kỹ thuật làm tượng gốm thời nhà Tần đã phát triển tương đối hoàn thiện, nhưng để có thể tạo ra một đội quân đất nung "nghìn người nghìn mặt" như vậy quả thực vẫn là điều khó khăn.

Binh mã biết đi trong lăng Tần Thủy Hoàng và nghi án về tượng người sống gây tranh cãi - Ảnh 4.

Mỗi một bức tượng binh mã bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng lại sở hữu những đặc điểm ngoại hình khác nhau. (Ảnh minh họa).

Xung quanh vấn đề này, có không ít người tin rằng bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng chắc chắn có những bức tượng chứa người thật. Họ đã đưa ra những lý do sau đây để khẳng định điều này:

Thứ nhất, chế độ tuẫn táng thời cổ đại ở Trung Quốc đã được lưu truyền hơn nghìn năm.

Người Trung Hoa xưa vốn coi trọng việc an táng. Dựa trên các khảo cứu hiện nay, chế độ tuẫn táng đã tồn tại từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và kéo dài trong suốt nhiều triều đại của chế độ phong kiến.

Bằng chứng là các nhà khảo cổ đã từng phát hiện tới hơn 5000 bộ hài cốt bị tuẫn táng trong một di chỉ lăng mộ tại kinh đô nhà Thương năm xưa. Mà nhà Tần lại được coi là "ranh giới" giữa thời chiếm hữu nô lệ và thời phong kiến, nên hình thức tuẫn táng người sống là điều có thể xảy ra ở thời đại này.

Thứ hai, "tượng người sống" vốn là một hình phạt dưới thời nhà Tần.

Tần Thủy Hoàng là một vị Hoàng đế tàn bạo khét tiếng, vì vậy các hình phạt dưới thời kỳ trị vì của ông thường vô cùng tàn khốc. Và việc đúc tượng từ người sống chính là một trong số đó.

Tương truyền rằng, phạm nhân phải chịu hình phạt này sẽ bị trùm một lớp vải lên người, trát kín bùn và ném vào lò nung thành tượng. Sau đó, bức tượng người sống ấy sẽ được phủ thuốc màu và trở thành tượng canh giữ lăng mộ.

Lại có giai thoại truyền lại rằng, Tần Thủy Hoàng dùng cả đời để tìm kiếm thuốc trường sinh nên đã từng nuôi rất nhiều thuật sĩ.

Những thuật sĩ lúc bấy giờ từng dùng người sống để làm vật cúng tế bằng cách phong kín "lục thức" của nạn nhân để tránh hồn phi phách tán, sau đó đem nung thành tượng để bảo vệ tế đàn.

Binh mã biết đi trong lăng Tần Thủy Hoàng và nghi án về tượng người sống gây tranh cãi - Ảnh 5.

Nhiều người cho rằng, bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng chắc chắn cất chứa những pho tượng được đúc từ người thật. (Ảnh minh họa).

Thứ ba, tượng người có tồn tại và đã được phát hiện.

Bức tượng người nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc chính là tượng Phật của Thiền sư Liễu Tuyền – một cao nhân đắc đạo thời nhà Tống.

Ban đầu, tượng của ông được phát hiện ở nước ngoài. Sau khi quét CT, những người nghiên cứu không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện "chân thân" của thiền sư Liễu Tuyền nằm ngay trong bức tượng ấy.

Bên cạnh đó, giới khảo cổ thế giới đã chứng minh sự tồn tại của những bức tượng đúc từ người thật trong nhiều nền văn minh cổ đại, tiêu biểu là văn minh Ai Cập.

Trải qua hàng thế kỷ cùng với nhiều biến động của lịch sử, số lượng tượng binh mã còn lại bên trong lăng Tần Thủy Hoàng đã giảm đi rất nhiều so với lúc mới hạ táng.

Vì vậy, mỗi bức tượng còn lại ở nơi đây đều vô cùng quý giá. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia khảo cổ chưa thể tiến hành nghiệm chứng tất cả.

Do đó, việc lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tồn tại những bức tượng chứa người hay không vẫn là một bí ẩn đang chờ chúng ta tìm ra chân tướng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại