Án bỏ túi và quan tòa run rẩy trước dư luận

Hiệu Minh |

Xử án kiểu Kangaroo hoặc xử án vì quan tòa run rẩy trước áp lực dư luận, đều khiến công lý bị phỉ báng.

Ở nhiều nước, lo ngại 3 nhánh quyền lực (Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp) thỏa hiệp với nhau nên báo chí, truyền thông được coi là quyền lực thứ 4 và nay thêm mạng xã hội được coi là quyền lực thứ 5, để kiểm soát tam quyền.

Sự độc lập của mỗi nhánh quyền lực càng cao thì xã hội càng dễ kiểm soát, ngược lại, sự can thiệp từ nhánh này sang nhánh kia sẽ làm mất cân đối cán cân quyền lực nhất là khi dư luận bị bỏ ngoài tai.

Tòa án không độc lập dẫn đến phiên tòa kiểu kangaroo (án bỏ túi) nhưng bị sức ép thái quá của dư luận thì chính tòa án cũng không độc lập nốt. Tuy nhiên, ở những quốc gia mà nền Tư pháp chưa độc lập hoàn toàn thì dư luận lại đóng vai trò quan trọng để điều chỉnh pháp đình.

Hai vụ án nóng

Hai vụ án liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em ở Vũng Tàu và vụ chạy thận làm chết người ở Hòa Bình đang rất nóng, sức nóng lan từ báo chí đến mạng xã hội rồi đến tận Quốc hội.

Tòa phúc thẩm ở Vũng Tàu tuyên ông Nguyễn Khắc Thủy bị cáo buộc tội dâm ô với trẻ với mức án 18 tháng tù treo đã gây bão mạng nếu không nói là phẫn nộ trong dân chúng trong khi bản sơ thẩm là 3 năm tù giam.

Do sức ép của dư luận, vị thẩm phán xử vụ này bị đình chỉ như một tín hiệu nhằm hạ nhiệt.

Vụ bác sỹ Hoàng Công Lương thì dư luận nghiêng về sự vô tội. Dư luận nhìn chung cảm tính, nhưng xem HĐXX hành xử khó hiểu tại tòa như: Gạt bỏ nghi vấn của luật sư, bỏ qua trách nhiệm nhân chứng, người liên quan; luật sư bào chữa liên tục chỉ ra những lỗi sơ đẳng của bên VKS…thì làm sao dư luận không đặt câu hỏi về phiên tòa kangaroo.

Dư luận đặt câu hỏi, vị Giám đốc BV, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, sao không tới tòa. Khi biết ông ta đang du lịch bên Canada thì càng khó chấp nhận.

Cũng may, vai trò của luật sư bào chữa đang được nâng cao, có ghế ngang hàng với VKS, bị cáo không còn đứng trước vành móng ngựa hay mặc áo tù, những chỉ dấu cho thấy Tư pháp đang dần hoàn thiện.

Truyền thông, luật sư, chuyên gia y tế vào cuộc, đại biểu QH tranh luận trên nghị trường, mạng XH nóng. Dư luận sôi sục đó có thể khiến HĐXX xao động.

Vụ án thế kỷ xử O J Simson: Bản lĩnh quan tòa

Biểu tượng của tòa án là cán cân công lý, phải biết nghe cả bên buộc tội, bị cáo, nhân chứng, bên bào chữa, để đưa ra phán quyết đúng đắn. Mọi lời khai và chứng cứ trước tòa mới đóng vai trò quan trọng nhất.

Vị quan tòa xử vụ O J Simson, ngôi sao bóng bầu dục Mỹ, được coi là phiên tòa thế kỷ, đã tuyên bị cáo trắng án, làm rúng động nước Mỹ. Cảnh sát Los Angeles được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Simpson bị buộc tội giết vợ cũ là Nicole Brown và người tình Ron Goldman năm 1994, báo chí đưa tin và tường thuật vụ đuổi bắt Simson trên đường cao tốc ở Los Angeles. Nhiều người tin rằng, cầu thủ này có tội.

Nhưng trước tòa, hai luật sư Johnnie Cochran and F. Lee Bailey tìm ra vài chứng cứ liên quan đến DNA không được phòng xét nghiệm làm cẩn thận. Cảnh sát khi điều tra đã không làm hết trách nhiệm để giữ lại các chứng cứ.

Bên buộc tội không chứng minh được Simson giết người nên quan tòa không còn cách nào phải chấp nhận bằng chứng của luật sư.

Vụ Simpson trắng án, nước Mỹ bị chia rẽ. Người da đen cho rằng bản án là công bằng, nhưng dân da trắng lại tin rằng Simson đã giết vợ cũ và người tình.

Không có sức ép dư luận nào có thể thay đổi được phiên tòa này, vì pháp đình Mỹ độc lập và quan tòa bản lĩnh, công minh nên mới có những phiên tòa thế kỷ như vậy.

Câu chuyện nước Mỹ: Lý lẽ trước tòa là quan trọng nhất

Bộ phim đen trắng "Twelve Angry Men – 12 người đàn ông giận dữ", nói về một phiên tòa đầy kịch tính, dự định kết tội đứa con trai giết cha. Phim này do Henry Fonda (cha của cô Jane Fonda từng phản chiến) làm đạo diễn và kiêm một vai.

Theo luật của Mỹ, hai bên nguyên và bị đã tranh tụng xong, quan tòa lệnh cho 12 vị bồi thẩm đoàn được tranh cãi riêng, có tội hay không có tội, dựa vào chứng cứ tại phiên tòa.

Trên phim là 12 người đàn ông phì phèo thuốc lá, cãi nhau trong phòng kín. Việc buộc tội hay vô tội phải được tất cả đồng ý. Một ông "gà mờ" không đồng ý, phiên tòa coi như bị treo (hung jury) hay còn gọi là vụ án xử sai (mistrial).

Trước khi họp, dường như những vị bồi thẩm đoàn đã có "án bỏ túi", cho rằng chứng cứ khá rõ, lại thêm báo chí và dư luận thổi vào tai.

Bỏ phiếu lần đầu có tới 11 vị giơ tay "có tội". Duy vị số 8 bỏ phiếu trắng vì cho rằng, cần xem lại chứng cứ, cậu con trai cần được xử một cách công bằng hơn. Vị này cho rằng người đưa con dao đâm chết người có vẻ không bình thường và vài nhân chứng trước tòa có lời khai khó tin cậy.

Rồi vị này đề nghị bỏ phiếu lần nữa mà không cần phiếu của ông, để xem 11 vị còn lại có nhất trí 100% "có tội" hay không? Tất cả đồng ý thì vị số 8 sẽ…theo đuôi, nhưng nếu một người bỏ phiếu "không có tội" thì tất cả phải tranh luận lại từ đầu.

Án bỏ túi và quan tòa run rẩy trước dư luận - Ảnh 2.

Thật bất ngờ, anh chàng số 9 lại "ăn theo" số 8. Sau khi tranh cãi lần nữa, xem lại hồ sơ, vị số 5 cũng chuyển hướng sang phía "vô tội", một phần vì anh ta lớn lên trong ngôi nhà ổ chuột như cậu con trai bị nghi là giết bố ở trên.

Câu chuyện tranh tụng và lắt léo, phim kéo tới 97 phút, chỉ có 3 phút quay ngoài trời.

Có lúc tỷ số đã hòa 6-6, rồi sau đó nghiêng về phía "vô tội". Có vị bồi thẩm đoàn vội đi xem trận bóng rổ nên bỏ phiếu cho qua bị lên án "lá phiếu đáng xấu hổ".

Cuối cùng cả 12 người đều đồng ý là cậu con trai kia vô tội, trong khi ngay từ phút đầu tiên, đã có tới 11 phiếu "có tội". Như vậy, tất cả những chứng lý tại phiên tòa là quan trọng nhất, chứ không phải bằng chứng được cơ quan buộc tội đưa ra là quan trọng nhất.

Đây là phim, nhưng nó phản ánh rất thực đời sống Tư pháp ở Mỹ.

Bao giờ dư luận hết ảnh hưởng tới quan tòa?

Phim "Twelve Angry Men" là một ví dụ về tòa án thực thụ khi công lý được thực thi theo đúng trình tự pháp luật. Bên buộc tội đưa ra chứng cứ về việc giết người của O J Simpson, nhưng trước tòa, bị luật sư bào chữa cãi bay, thì không thể kết tội người ta. Dư luận không đóng vai trò nhiều trong cán cân công lý.

Ở một đất nước mà nền Tư pháp đang dần hoàn thiện thì dư luận là gánh nặng đối với mỗi vụ xử án quan trọng như ở Vũng Tầu hay Hòa Bình. Nếu truyền thông không lên tiếng thì những phiên tòa án bỏ túi rất dễ gây oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén bị tù oan xuyên thế kỷ.

Nhưng một phiên tòa độc lập cần đầu lạnh của các vị cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư, làm đúng phận sự của mình. Tất nhiên lạnh nhưng phải công minh chính trực, không lợi ích nhóm, không chạy tội, không cẩu thả, không vô trách nhiệm.

Vụ xử bác sỹ Hoàng Công Lương, hãy để cho luật sư được tranh tụng tới cùng và thẩm phán phải giữ vai trò cầm cân nảy mực cho phiên tòa, chứ chưa bắt đầu xử mà đã nghĩ trong đầu hoặc được chỉ đạo "xử tay này vài năm tù", thì không còn công lý.

Và quan tòa cũng không thể vì sợ dân phản đối mà tha bổng hay nạn nhân đòi tự tử mà cho án treo.

Phán quyết vẫn bị ảnh hưởng bởi dư luận thì chưa thể nói đến những phiên tòa công bằng, dù quyền lực thứ 4, thứ 5 quan trọng nhưng không thể thay quan tòa.

Cán cân công lý nhậy cảm ở cái kim chỉ thăng bằng. Nó nhậy cảm tới mức sẽ bị lệch ngay nếu chủ tọa run rẩy trước một cú nhắn vào mobile hay con muỗi áp lực đậu vào một phía.

Để Tư pháp độc lập với các nhánh quyền lực khác kể cả truyền thông hay mạng XH, xử án công bằng, thì quan tòa phải học cách làm việc…độc lập. Quan tòa muốn độc lập thì phải học liêm chính và giỏi chuyên môn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại