Bảo mẫu vừa bóp đầu vừa tát trẻ mầm non dã man ở Đà Nẵng: Có thể xử phạt mức án 3 năm tù

MINH KHÔI |

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hành vi bạo hành trẻ em vừa xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mẹ Mười (Đà Nẵng) hoàn toàn có thể khởi tố hình sự, mức án dành cho hành vi này có thể lên đến 3 năm tù giam.

Liên quan đến vụ bảo mẫu vừa bóp đầu vừa tát dã man trẻ mầm non ở Đà Nẵng đang gây phẫn nộ trong dư luận, chiều 21/5 lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, nơi xảy ra sự việc là nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười tại địa chỉ 251/32 đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười được thành lập theo quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 9/5/2013 và do bà Đinh Thị Hồng (có bằng Cao đẳng sư phạm mầm non) làm chủ.

Cũng theo thông tin từ Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, căn cứ vào clip và hình ảnh, người thực hiện các hành động bạo hành với trẻ chính là bà Đinh Thị Hồng.

Hiện bà Hồng đã được Công an phường Chính Gián mời về làm việc. Tất cả 14 trẻ đã được cha mẹ đón về an toàn trong trưa ngày 21/5.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: ''Thời gian vừa qua những bảo mẫu hành hạ trẻ em đã liên tục bị phát hiện và xử lý, nhiều bảo mẫu đã phải ngồi tù cho hành động bạo lực với trẻ em.

Tuy nhiên, những vụ việc đó chưa cảnh tỉnh được một số bảo mẫu ác tâm vô cảm.

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Tuy nhiên, việc quản lý giám sát, bảo vệ trẻ em vẫn gặp nhiều khó khăn bởi còn những bảo mẫu vô cảm, vi phạm đạo đức, đồng thời vi phạm pháp luật, xâm hại quyền trẻ em đã được pháp luật bảo vệ.

Cùng với Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự 2015 quy định các quyền cơ bản của công dân thì Luật trẻ em 2016 cũng là một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị tấn công, ngược đãi, hành hạ của người lớn, những đối tượng xấu trong xã hội.

Những quy định về Quyền trẻ em là cơ sở để xác định hành vi vi phạm, trên cơ sở đó sẽ áp dụng những chế tài phù hợp, có thể hành chính hoặc chế tài hình sự''.

Bảo mẫu vừa bóp đầu vừa tát trẻ mầm non dã man ở Đà Nẵng: Có thể xử phạt mức án 3 năm tù - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Nhận định về vụ việc trong vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em tại Đà Nẵng, luật sư Cường cho rằng: ''Cần phải đưa các em đi khám, điều trị kịp thời để ngăn chặn, giảm bớt những hậu quả xấu có thể xảy ra, đồng thời xác định hậu quả của hành vi hành hạ, đánh đập ngược đãi các em.

Nếu các bé này có thương tích, tổn hại sức khỏe, sang chấn tâm lý thì có thể khởi tố bảo mẫu đã hành hạ các bé này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự, với tình tiết định khung là phạm tội với trẻ em, với người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự''.

Bảo mẫu vừa bóp đầu vừa tát trẻ mầm non dã man ở Đà Nẵng: Có thể xử phạt mức án 3 năm tù - Ảnh 2.

Hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ dã man ở Đà Nẵng khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ clip

Cũng theo luật sư Cường, trong vụ việc này, cơ quan công an và các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, xác minh làm rõ về hành vi, làm rõ hậu quả và hồ sơ có bị của cơ sở mầm non này, và hồ sơ lý lịch của đối tượng hành hạ trẻ em để xác định trách nhiệm pháp lý.

Trong trường hợp cần thiết, có thể tạm đình chỉ hoạt động của trường này để tránh những hậu quả xấu hơn có thể xảy ra, đồng thời làm căn cứ để tiếp tục xác minh làm rõ xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định pháp luật.

Nếu kết quả cho thấy em bé bị bảo hành có thương tích thì có thể khởi tố bảo mẫu này và một số người có liên quan về tội Cố ý gây thương tích.

Nếu chưa đủ tỷ lệ thương tích để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này thì vẫn có thể xem xét xử lý về tội hành hạ người khác như đã nêu ở trên.

''Vẫn biết rằng đấu tranh với tội phạm hiệu quả nhất là làm tốt công tác phòng ngừa, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý nghiêm minh cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc răn đe phòng ngừa chung.

Bởi vậy qua sự việc này, các cơ quan quản lý về giáo dục, các chính quyền địa phương cũng cần phải sát sao hơn nữa trong việc quản lý, giám sát các cơ sở mầm non để làm sao đây phải làm đây an toàn cho trẻ, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển mọi mặt về thể chất, tinh thần theo các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập từ lâu'', luật sư Cường nhận định.

Trước đó, ngày 21/5, trên trang Facebook K. H. N.T. sống tại Đà Nẵng có đăng nhiều hình ảnh và clip được cho là quay lại ở nhóm trẻ mầm non trên đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Chỉ sau hơn 2 giờ, thông tin này nhận được hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ vì quá bức xúc trước các cảnh quay trong clip.

Trong đó có 2 clip, mỗi clip dài 1 phút quay lại cảnh hai bảo mẫu ở tuổi trung niên đang cho các trẻ ăn cháo. Lúc này, có một bảo mẫu mặc áo sọc đen trắng cho một bé trai khoảng 2 tuổi ăn cháo trong tư thế bé này nằm dưới sàn và không được mặc áo.

Bảo mẫu này liên tục đút cháo vào miệng mặc cho bé trai. Vừa đút bảo mẫu này vừa nói: "Mi ọe cái nữa tau và thêm tô nữa".

Trong lúc bảo mẫu này đút cháo, bé trai lắc đầu qua lại thì bị bà này ném áo lên mặt và dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé.

Bên cạnh đó còn có nhiều hình ảnh người bảo mẫu trên xách một bé khoảng hơn 1 tuổi lên cao bằng tư thế một tay cầm phía sau đầu, một tay bịt trước mặt bé.

Ngoài ra, cũng chính bảo mẫu này còn có nhiều cách cho ăn hết sức dã man, đè ngửa đầu các bé, cho nằm xuống sàn, một chân bà đè lên hai chân của bé và đút liên tục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại