"Vật tùy thân" thái giám Thanh triều nào cũng mang theo khi làm đêm để bảo toàn tính mạng

Trần Quỳnh |

Để có thể bảo toàn tính mạng khi trực ca đêm trong Hoàng cung Thanh triều, thái giám nào cũng phải thủ sẵn trong giày vật này.

Thái giám là một "sản phẩm" của xã hội phong kiến và được sử dụng như công cụ tượng trưng cho sự chèn ép của giai cấp thống trị với các tầng lớp dưới quyền.

Ngày nay, giai thoại về những hoạn quan lộng hành trong lịch sử Trung Quốc vẫn lưu truyền rộng rãi, nhưng đó chỉ là một vài ngoại lệ hiếm hoi.

Trên thực tế, cuộc sống của thái giám trong hoàng cung thời xưa đều hết sức bi thảm. Câu chuyện của hoạn quan cuối cùng thời nhà Thanh sắp được Soha.vn gửi tới quý độc giả ngay sau đây sẽ phần nào minh chứng cho điều đó.

Cuộc đời đầy cay đắng của vị thái giám cuối cùng

Hoạn quan cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc còn sống đến ngày nay chính là Tôn Diệu Đình. Vị thái giám thời nhà Thanh này từng hầu hạ Đoan Khang Hoàng Quý phi, Hoàng hậu Uyển Dung và Hoàng đế Phổ Nghi.

Chính ông đã từng nhìn thấy rất nhiều câu chuyện kỳ lạ bên trong Cố cung, đã từng tận mắt chứng kiến cảnh Hoàng đế Phổ Nghi bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Và bản thân ông cũng hiểu rõ hơn ai hết các quy củ, luật định phức tạp nơi hoàng cung.

Vật tùy thân thái giám Thanh triều nào cũng mang theo khi làm đêm để bảo toàn tính mạng - Ảnh 1.

Chân dung Tôn Diệu Đình - thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Tôn Diệu Đình xuất thân trong một gia đình vô cùng nghèo khổ. Cha ruột của ông không còn cách nào khác, buộc phải đưa cậu bé Diệu Đình mới 9 tuổi đi tịnh thân (thiến) để chuẩn bị vào cung làm thái giám.

Sau khi trải qua quá trình đau đớn ấy, Tôn Diệu Đình hôn mê 3 ngày 3 đêm. Nhưng tới lúc tỉnh dậy, tin Tuyên Thống Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị lại khiến cậu bé họ Tôn năm ấy không khỏi bàng hoàng.

Thế nhưng, mặc dù đã thoái vị, Phổ Nghi cùng một số hoàng thất vẫn được sống trong cung và cần đến người hầu hạ. Không lâu sau, Tôn Diệu Đình được đưa đến phủ của Thuần Thân Vương làm việc, năm thứ hai thì được tiến cử và nhập cung.

Câu chuyện về vật tùy thân bên trong giày của các thái giám trực ca đêm

Sau khi được vào cung, Tôn Diệu Đình luôn theo sát thầy dạy mình, thái độ bưng trà, rót nước vô cùng cung kính với mong muốn được người này chỉ bảo.

Thế nhưng người đó dù hướng dẫn ông làm việc, nhưng lại chẳng tiết lộ cho Tôn Diệu Đình chút nào về quy củ hay cách ứng xử trong cung. Bởi lẽ, tầng lớp thái giám cũng tồn tại không ít sự cạnh tranh, giành giật.

Có một lần, Tôn Diệu Đình được chỉ định đứng hầu ngoài cửa phòng của Quý phi vào ban đêm, chỉ cần có lệnh liền lập tức vào hầu hạ.

Nhưng hôm ấy, thái giám họ Tôn vì vất vả làm việc cả ngày, nay lại phải đi trực đêm nên đã vô tình ngủ gật ở ngoài cửa.

Kết quả là hôm đó, ông bị Tổng quản thái giám đi tuần bắt quả tang và phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết.

Sau lần ấy, Tôn Diệu Đình không bao giờ dám ngủ gật trong lúc đi trực đêm. Nhưng ông lại có một thắc mắc rằng, làm thế nào những cung nhân, hoạn quan khác làm việc cả ngày lẫn đêm mà vẫn có thể tỉnh táo như vậy?

Và bí mật ấy đã được Tôn Diệu Đình tình cờ khám phá không lâu sau đó.

Vật tùy thân thái giám Thanh triều nào cũng mang theo khi làm đêm để bảo toàn tính mạng - Ảnh 2.

Trong ký ức của ông Tôn, cuộc sống của tầng lớp thái giám nơi hoàng cung chưa bao giờ là dễ dàng. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lần ấy, Tôn Diệu Đình có dịp uống rượu cùng thái giám hướng dẫn mình. Bữa rượu đã tàn, người kia cũng say túy lúy, Tôn Diệu Đình đỡ ông ta lên giường.

Đến khi giúp người nọ cởi giày, hoạn quan họ Tôn dường như không tin vào mắt mình. Bởi bên trong đế giày của người ấy có đặt quả "thương nhĩ".

"Thương nhĩ" chính là tên gọi trong tiếng Trung của quả ké đầu ngựa. Loại quả này mình đầy gai nhọn, chạm nhẹ vào cũng có thể gây ra đau đớn.

Cũng từ sự việc tình cờ này, Tôn Diệu Đình mới phát hiện ra bảo bối giúp thái giám làm đêm không bị ngủ gật.

Bởi lẽ, đem loại quả có gai ấy đặt trong đế giày, mỗi một bước đi chẳng khác nào bị kim đâm vào da thịt, đau đớn vô cùng, dù có buồn ngủ, thái giám cũng chẳng thể nào nhắm mắt được vì bị những cơn đau hành hạ.

Vật tùy thân thái giám Thanh triều nào cũng mang theo khi làm đêm để bảo toàn tính mạng - Ảnh 3.

Quả ké đầu ngựa chính là "vật tùy thân" trong giày của các hoạn quan khi đi làm đêm. (Ảnh: Nguồn Internet).

Thế nhưng, cơn đau do quả ké đầu ngựa mang lại vẫn chưa thấm vào đâu nếu so sánh với những trận đòn roi trừng phạt nơi cung cấm này.

Bởi vậy, thái giám làm việc trong cung thời xưa đều cắn răng đặt vào đế giày của mình những quả ké đầu ngựa trước mỗi lần đi trực đêm để có thể bảo toàn tính mạng…

Từ câu chuyện được tiết lộ bởi vị thái giám cuối cùng, hậu thế mới thấy được cuộc sống nơi cung cấm của tầng lớp ấy vốn chưa bao giờ là dễ dàng…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại