Tăng thuế bảo vệ môi trường: Mua một lít xăng phải trả hơn 1 nửa tiền thuế, phí

Hoàng Linh |

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng dầu đang dấy lên lo ngại giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, mỗi lít xăng đang "gánh" tới 10.500 đồng thuế, phí các loại.

Một lít xăng đang "gánh" 4 mức thuế và 3 loại phí

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, mặt hàng xăng dầu đang chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%).

Trong đó, mặt hàng xăng dầu hiện vẫn đang được giảm thuế nhập khẩu (từ 20%) và tiến tới được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong lộ trình điều chỉnh chính sách thuế nhằm bảo đảm nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế, hai loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường sẽ đề xuất tăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít (vào tháng 7/2018) và thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng từ 10-12% (vào năm 2019).

Theo tính toán, giá xăng hiện ở mức 19.500 – trên 21.000 đồng/lít, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất áp dụng 4.000 đồng/lít thì thuế này sẽ chiếm 19-20.5% giá xăng.

Cộng thêm 3 loại phí gồm: chi phí định mức (1.050 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng), chi quỹ bình ổn (vừa được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng hồi đầu tháng 5 là 451 đồng - 958 đồng/lít đối với xăng RON95 và E5), tổng thuế, phí hiện chiếm trên 50% giá xăng. 

So với giá bán lẻ hiện hành 19.500 – 21.000 đồng/lít, mua mỗi lít xăng, khách hàng phải đóng góp cho ngân sách khoảng 10.000 – 10.500 đồng thuế, phí các loại. Cùng với sự điều chỉnh về thuế, giá mỗi lít xăng có thể bị đẩy tăng thêm ít nhất là 1.000 đồng/lít.

Tăng thuế bảo vệ môi trường: Mua một lít xăng phải trả hơn 1 nửa tiền thuế, phí - Ảnh 1.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay do tập đoàn Petrolimex niêm yết.

Khó chấp nhận

Mặc dù theo Bộ Tài chính, lý do cho việc tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu nhằm tăng thu ngân sách cũng như tạo ra các điều kiện môi trường tốt, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sạch, thân thiện môi trường nhận được sự đồng thuận lớn, song trên thực tế, dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình.

"Tăng thuế môi trường thì cần minh bạch, tiền thuế được sử dụng như thế nào? Trong khi tôi thấy, môi trường sống không cải thiện, thậm chí ô nhiễm, rác thải túi nilon còn tăng hơn so với nhiều năm trước, vậy thuế này có ý nghĩa gì?", anh Nguyễn Hoàng Tiến (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) trao đổi.

Không hài lòng với phương án tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu vì lo ngại kéo theo việc tăng giá xăng dầu là ý kiến của anh Nguyễn Hoàng Tùng (nhân viên kế toán ở Hà Nội).

Anh này cho rằng, hàng loạt điều chỉnh tăng giá từ thực phẩm, di động, viễn thông đến xăng dầu gây áp lực lớn lên chi tiêu, thu nhập của người dân, không trừ một ai.

"Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, do đó, hầu hết cá nhân phải sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển. Do vậy, nếu tăng thuế, người dân nào cũng phải chịu thiệt", anh Tùng nói.

Các nội dung liên quan đến đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính cũng làm "nóng" các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều tài khoản đặt câu hỏi tại sao, xăng sinh học E5 cũng bị áp tăng thuế, trong khi đây là mặt hàng được khuyến khích sử dụng vì ý nghĩa bảo vệ môi trường.

Hiện tại, đề xuất của Bộ Tài chính cũng vấp phải nhiều khuyến cáo của các bộ ban ngành và nhiều chuyên gia.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chất vấn về việc Bộ Tài chính lấy lý do giá xăng của Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước làm cơ sở đề xuất tăng thuế môi trường.

"Tại sao Bộ Tài chính không so sánh với Mỹ, nơi mà thu nhập người dân cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn. Bộ lại so sánh giá xăng Việt Nam với các nước không có dầu khai thác như Lào, Campuchia thì có hợp lý hay không?", ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự lo ngại việc áp thuế bảo vệ môi trường lên xăng sẽ làm tăng phí sản xuất của doanh nghiệp, có thể dẫn đến lạm phát khi tất cả các chi phí, giá cả cũng tăng theo.

Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính cho biết, tổng số thu thuế dự kiến là khoảng 57.612,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm.

Hiện, tổng chi Ngân sách cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn này là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường thu được (khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng/năm).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại