Mắc "sai lầm nghiêm trọng", ông Trump chọc giận Palestine, thế giới Ả rập và Hồi giáo

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Từ vai trò trung gian hòa giải, ông Trump đã chuyển sang thiên vị hoàn toàn Israel.

Ngày 14/5/2018, Mỹ đã chính thức khai trương đại sứ quán của mình tại Jerusalem. Như vậy, Mỹ là nước đầu tiên mở đại sứ quán tại Jerusalem.

Tới dự buổi lễ long trọng này được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Israel có đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ gồm con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ivanka, và chồng Jared Kushner. Cả hai đều làm việc trong Nhà Trắng với tư cách cố vấn của Tổng thống.

Phái đoàn Mỹ còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan, Đặc phái viên của Tổng thống về Trung Đông Jason Greenblatt, Toàn quyền bang Florida Rick Scott và Thượng nghị sỹ Lindsey Graham.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phu nhân đã đích thân đến dự buổi lễ này.

Đại sứ quán Mỹ sẽ nằm trong toà nhà lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem. Bước đầu, Đại sứ David Friedman và một số cán bộ nhân viên đại sứ quán sẽ làm việc tại đây. Đại sứ David Friedman cho biết việc chuyển toàn bộ đại sứ quán Mỹ về Jerusalem phải mất vài năm.

Trong tổng số 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời, chỉ có 30 đại sứ đến dự. Đại sứ Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nam Phi và nhiều nước khác đã không dự. Đáng lưu ý, các nước đồng minh thân cận của Mỹ thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico... cũng không đến dự.

Nhiều nước tham dự buổi lễ này nói rằng, sự có mặt của họ tại buổi lễ không có nghĩa là nước họ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển đại sứ quán của họ về đó. Đại sứ Áo Martin Fais nói: "Việc khai trương đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem là một sự kiện quan trọng đối với Israel, bởi vậy chúng tôi không thể không chấp nhận lời mời của Thủ tướng Netanyahu".

Ả rập Xê út và một số nước vùng Vịnh liên minh với Mỹ và đang có những bước đi trong quan hệ với Israel chẳng qua là họ muốn tranh thủ lập một mặt trận chống Iran. Trong mọi trường hợp những nước này không bao giờ chấp nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Hệ quả của việc Mỹ đi dời đại sứ quán về Jerusalem

Việc Washington chọn ngày Quốc khánh của Israel 14/5 và ngày "Thảm họa" (Nakba) của Palestine để chuyển đại sứ quán về Jerusalem là một hành động khiêu khích, chọc giận, thách thức không chỉ đối với người Palestine mà còn đối với cả thế giới Ả rập và Hồi giáo.

Jerusalem là một vấn đề gai góc đối với chính phủ Israel. Đây không phải là thành phố của người Do Thái. 1/3 dân số thành phố này là người Ả rập Palestine. Người Do Thái vui mừng trước việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán về đây, còn người Ả rập Palestine thì không.

Nhiều người lo sợ một vòng xoáy bạo lực mới sẽ gia tăng giữa người Ả rập và người Do Thái.

Ngay trong ngày khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, hàng trăm ngàn người Palestine ở Jerusalem, dải Gaza và các vùng đất Palestine bị chiếm đóng đã xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình rầm rộ lớn nhất từ trước tới nay.

Mắc sai lầm nghiêm trọng, ông Trump chọc giận Palestine, thế giới Ả rập và Hồi giáo - Ảnh 2.

Biểu tình phản đối Mỹ mở đại sứ quán ở Jerusalem. Ảnh: Reuters, AP

Quân đội Israel đã dùng vũ khí trấn áp những người biểu tình làm hàng trăm người Palestine bị chết và hàng ngàn người khác bị thương. Đây có thể mới chỉ là màn dạo đầu cho những cuộc xung đột trong thời gian tới mà hậu quả của nó không thể lường trước được.

Cùng với việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, các cuộc nội chiến tại Syria, Yemen và Libya, căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Israel, Ả rập Xê út với Iran, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh... việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem sẽ đẩy khu vực Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn không thể kiểm soát được.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian nói: "Trung Đông đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện".

Việc Washington công nhận Jerusalem là Thủ đô "thống nhất không chia cắt được" có nghĩa là vấn đề Jerusalem, một trong những vấn đề quan trọng nhất của giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine đã được quyết định và bị loại ra khỏi bàn đàm phán.

Điều này hoàn toàn trái với Thỏa thuận Oslo năm 1993 ký kết giữa Israel và Palestine. Không một người Palestine nào có thể chấp nhận điều này.

Trong tình hình như vậy, việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine sẽ khó xảy ra và nếu được nối lại thì các cuộc đàm phán sẽ hết sức khó khăn.

"Sai lầm nghiêm trọng" của ông Trump

Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về thành phố này đã bị Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu phản đối.

Theo CNN, 45% người dân Mỹ, 9 trong số 11 cựu đại sứ của Mỹ đã từng làm việc tại Israel, 25 nhân vật danh tiếng của Israel gồm các cựu đại sứ, viện sỹ hàn lâm... đã không tán thành quyết định này của Tổng thống Trump. Đảng dân chủ và nhiều thành viên đảng Cộng hoà cũng phản đối kịch liệt quyết định của ông Trump.

Như vậy thì không thể nói đây là quyết định đúng đắn được. Các cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton, Jimmy Carter đều cho quyết định này là một "sai lầm nghiêm trọng".

Mắc sai lầm nghiêm trọng, ông Trump chọc giận Palestine, thế giới Ả rập và Hồi giáo - Ảnh 3.

Dưới thời Tổng thống Obama, mặc dù ủng hộ đồng minh Israel, nhưng chính quyền Mỹ vẫn quan tâm tới những đòi hỏi hợp pháp của người Palestine, không tán thành những đòi hỏi của Israel đối với các vùng lãnh thổ của Palestine.

Năm 2016, Mỹ đã ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Israel xây dựng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và coi đây là sự "vi phạm thô bạo" luật pháp quốc tế. Khi đó các bên liên quan và cộng đồng quốc tế chấp nhận vai trò trung gian của Mỹ cho tiến trình hoà bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã thay đổi toàn bộ chính sách Trung Đông của người tiền nhiệm Barack Obama. Từ vai trò trung gian hòa giải, ông Trump đã chuyển sang thiên vị hoàn toàn Israel, mở đầu bằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô thống nhất vĩnh viễn của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về đây.

Bằng quyết định này, Washington đã tự đặt mình vào tình trạng đối đầu với toàn thể cộng đồng thế giới và đánh mất đi niềm tin, cũng như vai trò trung gian cho tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine.

An ninh và ổn định ở Jerusalem chỉ có thể đạt được trong một giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Quy chế thành phố Jerusalem qua các giai đoạn lịch sử

Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 181 chấm dứt sự ủy trị của Anh đối với Palestine và chia vùng đất này thành hai quốc gia độc lập - Do Thái (Israel) và Ả rập (Palestine).

Thành phố Jerusalem là thánh địa của ba tôn giáo lớn: Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo được quốc tế hoá và hưởng quy chế đặc biệt. Theo quy định, trong tương lai quy chế thành phố này sẽ được Liên hợp quốc xem xét lại với sự tham gia của cư dân thành phố thông qua một cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà nước Israel tuyên bố thành lập ngày 14/5/1948, các nước Ả rập đã phát động một cuộc chiến tranh chống Israel. Kết quả là Jerusalem được chia làm hai phần, Transjordan nay là Jordan chiếm và kiểm soát phần phía Đông và Israel chiếm phía Tây.

Trong cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, Israel sáp nhập Đông Jerusalem, giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố. Liên hợp quốc không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem.

Ngày 22/11/1967, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết 242 kêu gọi Israel rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem, nhưng Israel không thực hiện.

Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Jerusalem. Theo Thỏa thuận Oslo được ký kết năm 1993 giữa Israel và Palestine, quy chế cuối cùng của Jerusalem sẽ được quyết định vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán hòa bình.

Năm 2004, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên khẩn cấp coi "các biện pháp của Israel thay đổi hoặc có ý định thay đổi tình trạng pháp lý và thành phần nhân khẩu học của Jerusalem" là không có giá trị pháp lý, và một lần nữa được gọi Jerusalem là thành phố bị "chiếm đóng".

Israel không chấp nhận định nghĩa này và lập luận rằng đây là kết quả của cuộc chiến tranh mang tính chất phòng thủ với các nước Ả rập năm 1948-1949 và chiến tranh ăm 1967 và quyền lịch sử của nhân dân Do Thái đối với các vùng đất của Israel.

Ngày 6/5/2004, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết 58/292 tái khẳng định người Palestine có quyền chủ quyền đối với Đông Jerusalem.

Jerusalem là Thủ đô

Tháng 1/1950, Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình và chuyển toàn bộ các cơ quan nhà nước về phía tây thành phố, và ngày 30/7/1980, Israel gọi Jerusalem là "Thủ đô thống nhất và không thể chia cắt".

Ngày 20/8/1980, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 478 bác bỏ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem và kêu gọi các nước thành viên LHQ rút các đại diện ngoại giao của họ ra khỏi thành phố.

Trước đây, một số nước có đặt đại sứ quán của mình ở Jerusalem, nhưng tất cả đều được chuyển về Tel Aviv sau khi Israel thông qua bộ luật năm 1989 coi Jerusalem là thủ đô của mình.

Palestine đòi chủ quyền đối với Đông Jerusalem. Ngày 15/11/1988, Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước với Thủ đô là Đông Jerusalem. Quy chế này đã được củng cố bằng bộ luật được Hội đồng lập pháp Palestine thông qua ngày 2/10/1997 và Bộ luật cơ bản của Nhà nước Palestine ngày 29/5/2002.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại