Ankara trục xuất Đại sứ Israel: Quan hệ Thổ-Israel rạn nứt trầm trọng sau vụ đụng độ 14/5?

Hồng Anh |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Israel là "quốc gia khủng bố" và coi hành động đàn áp người dân Palestine ở Dải Gaza hôm 14/5 là hành động diệt chủng.

Hôm thứ Hai vừa qua (14/5), chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập các đại sứ của nước này tại Mỹ và Israel về nước sau cuộc đụng độ tại Dải Gaza khiến hơn 50 công dân Palestine thiệt mạng và hơn 1700 người khác bị thương.

Đồng thời, Ankara cũng cho triệu tập Đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ tới Bộ Ngoại giao nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Đại sứ quán Mỹ chính thức hoạt động tại Jerusalem kể từ ngày 14/5.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu nhà ngoại giao cấp cao Israel về nước vì những vụ việc hôm 14/5. Tuy nhiên, phía Israel chưa đưa ra bình luận về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đả kích kịch liệt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trên Twitter là "một trong những thế lực hỗ trợ nhiều nhất cho phong trào Hamas" để đáp lại những chỉ trích về cuộc đụng độ giữa người dân Palestine và quân đội Israel trên Dải Gaza.

"Ông Erdogan không nên nói đạo lý với chúng tôi", ông Netanyahu nói.

Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi ông Erdogan cho biết Ankara đã quyết định triệu tập các đại sứ của nước này tại Washington và Tel Aviv về nước:

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc này. Chúng tôi sẽ triệu tập các đại sứ tại Washington và Tel Aviv về nước để thảo luận [...]. Chúng tôi cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cần tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này".

"Chúng tôi sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước, và sẽ để tang các nạn nhân trong cuộc đụng độ đẫm máu tại Dải Gaza trong 3 ngày, kể từ ngày mai", ông Erdogan phát biểu.

Ông Erdogan cũng cáo buộc Israel là "quốc gia khủng bố", và coi hành động đàn áp người dân Palestine là hành động diệt chủng.

Về quyết định dời Đại sứ quán tới Jerusalem, Ankara đã chỉ trích quyết định của chính quyền ông Trump là "không hợp pháp" và đã "vi phạm luật pháp quốc tế và các Nghị Quyết của LHQ liên quan tới vấn đề này".

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Yemen đã đưa ra một dự thảo nghị quyết tại HĐBA LHQ lên án quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, sau khi Washington phủ quyết dự thảo tương tự của Ai Cập. Nghị quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

Cuộc biểu tình của người Palestine phản đối quyết định mở cửa đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại