Muốn biết thế nào là người có tu dưỡng về đạo đức, hãy đọc 3 mẩu chuyện dưới đây!

Trần Quỳnh |

Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn có thể nhận ra xung quanh ta, ai là người có tu dưỡng về đạo đức.

Câu chuyện thứ nhất: Sự khác nhau giữa những bữa cơm nhà giàu

Lúc còn nhỏ, mẹ của diễn viên Thái KhangVĩnh từng đưa anh tới nhà một người bạn giàu có để chơi mạt chược.

Tới giờ cơm, nữ chủ nhà bày ra rất nhiều sơn hào hải vị để đãi khách. Khi ấy, Thái Khang Vĩnh còn rất nhỏ, lại là lần đầu được ăn vi cá, liền phấn khích hỏi rằng: "Ngon quá! Mẹ ơi đây là món gì ạ?"

Cô chủ nhà thấy vậy, mỉm cười nói:

"Đây là bánh phở".

Sau đó, cô tự mình xới thêm cho anh một bát cơm đầy và nói:

"Cháu thích thì ăn nhiều một chút!"

Muốn biết thế nào là người có tu dưỡng về đạo đức, hãy đọc 3 mẩu chuyện dưới đây! - Ảnh 1.

Những bữa tiệc đắt đỏ chính là nơi tính cách con người phần nào được bộc lộ. (Ảnh minh họa).

Sau này, Thái Khang Vĩnh trở nên thành danh, thường xuyên được tham dự những bữa cơm xã giao đắt đỏ.

Anh còn nhớ, có lần đi ăn, đối tác chiêu đãi bữa tiệc hôm đó đã kiêu ngạo giới thiệu:

"Đây là thịt trâu quý, mỗi ngày phải có người massage, nghe nhạc, một cân thôi cũng đã tới mấy nghìn tệ".

Cuối cùng, diễn viên nổi tiếng ấy đã đúc kết ra một chân lý rằng:

"Người giàu có sự tu dưỡng về đạo đức và người giàu mang tư cách của kẻ cường hào kỳ thực rất khác nhau. 

Người có tu dưỡng về đạo đức sẽ dùng những thứ tốt nhất chiêu đãi bạn và từ đáy lòng, họ mong bạn ăn ngon miệng, muốn bạn vui vẻ. Còn kẻ cường hào thì chỉ muốn khoe sự giàu có của bản thân và muốn bạn nhận ân huệ để mắc nợ họ mà thôi!".

Cho nên, người có sự tu dưỡng về đạo đức hay không, chỉ cần nhìn cách họ đối xử với người khác cũng có thể nhận ra được.

Câu chuyện thứ hai: Một câu hỏi và đáp án khác nhau của hai giảng viên

Có một giảng viên nọ đi dạy tại trường đại học. Những tiết học thường ngày của ông rất ít sinh viên tới nghe giảng.

Cuối mỗi giờ học luôn là thời gian vấn đáp giữa sinh viên và giảng viên. Một sinh viên sau khi nghe xong, liền đứng lên đặt câu hỏi cho thầy.

Người giảng viên ấy hỏi tên sinh viên, nhưng sinh viên đã trả lời mà ông vẫn không nghe rõ, liền hỏi lại lần nữa.

Sinh viên kia đáp rằng: "Dạ không sao đâu ạ! Thầy không cần để ý, tên của em là gì không quan trọng!"

Người giảng viên nghe vậy chỉ biết cười khách khí, cũng không hỏi lại nữa.

Muốn biết thế nào là người có tu dưỡng về đạo đức, hãy đọc 3 mẩu chuyện dưới đây! - Ảnh 2.

Chỉ một câu nói cũng có thể tạo nên giá trị của người làm nghề giáo. (Ảnh minh họa).

Câu chuyện tương tự như vậy cũng từng diễn ra tại trường Bắc Đại. Chỉ có điều, người giảng dạy hôm đó là một vị giáo sư có tiếng, mà sinh viên thỉnh giảng cũng tới rất đông.

Cuối giờ cũng là lúc dành cho khâu vấn đáp. Một sinh viên đứng lên đặt câu hỏi, sau đó được giảng viên hỏi tên.

Nhưng sau khi sinh viên nói, vị giáo sư kia vẫn chưa nghe rõ, liền hỏi lại tên họ một lần nữa. Sinh viên ấy cũng nói rằng:

"Không sao đâu thầy ạ! Thầy không cần để ý đâu, tên của em cũng không quan trọng!"

Thế nhưng, vị giáo sư ấy dùng ánh mắt chăm chú nhìn sinh viên của mình và nói: "Thầy là người để ý! Tên của em đối với thầy rất quan trọng!"

Sau câu nói ấy, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm. Mọi người đều dành ánh mắt kính phục và ngưỡng mộ cho người giảng viên.

Khi đã biết được tên của người đặt câu hỏi, vị giáo sư ấy trả lời chi tiết, sau cùng còn nhắc lại cả họ tên sinh viên một lần kèm theo lời cảm ơn.

Cùng một tình huống giống nhau, nhưng đối tượng khác nhau sẽ đem lại hiệu quả bất đồng.

Có lẽ, đây cũng chính là lý do vì sao vị giảng viên trong câu chuyện thứ nhất lại không có nhiều sinh viên thích nghe giảng, còn vị giáo sư trong câu chuyện thứ hai lại được vô số người ngưỡng mộ.

Bởi lẽ, người biết tôn trọng sẽ không mấy khi bỏ qua suy nghĩ của người khác chỉ vì "điều đó không quan trọng". Hơn ai hết, họ luôn đặt mình vào vị trí của người khác để cân nhắc. Đó là một đức tính nhân văn cần phải dày công tu dưỡng mới có được.

Câu chuyện thứ ba: Chiếc trống lắc của người hành khất

Mẹ là người có ảnh hưởng rất sâu sắc trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ rằng, khi còn bé, có một lần cả nhà sắp ăn cơm, bất chợt xuất hiện một người hành khất ở cửa nhà.

Khi đó, mẹ đi vào trong phòng, cầm một ít tiền lẻ đưa cho người đó. Thế nhưng người hành khất  đột nhiên chần chừ không nhận mà chăm chú nhìn vào bàn ăn nóng hổi của nhà tôi.

Mẹ như hiểu được điều gì, nhẹ nhàng mời ông ấy ngồi xuống dùng cơm chung. Nào ngờ người đó nhất quyết không chịu ngồi vì sợ sẽ làm bẩn ghế.

Dù mẹ đã nói không sao, nhưng người hành khất từ đầu tới cuối cương quyết không ngồi. Chẳng còn cách nào khác, mẹ tôi lấy cơm và thức ăn ra một chiếc bát lớn rồi đưa cho ông ấy.

Người ấy cầm bát cơm, ra một góc trước cửa nhà, ăn ngấu nghiến. Mẹ tôi thấy vậy, liền cầm một chiếc ghế nhỏ, lại lót thêm tờ giấy để đưa cho ông ấy ngồi.

Tới lúc này, người hành khất mới chịu nhận, hai giọt nước mắt cũng bất chợt lăn dài trên đôi gò má bụi bặm. Ông ấy vừa khóc, vừa ăn cơm, lệ rơi ướt cả thức ăn trong bát.

Người hành khất nói, ông là người Hà Nam. Mà từ Hà Nam đi tới Hồ Nam ở nhà tôi đã mất hơn nửa năm trời.

Muốn biết thế nào là người có tu dưỡng về đạo đức, hãy đọc 3 mẩu chuyện dưới đây! - Ảnh 4.

Câu chuyện về cách đối xử của mẹ với người hành khất đã lưu lại cho người con một bài học quý giá về nhân cách. (Ảnh minh họa).

Ông còn kể, người ăn xin tới những chỗ khác sẽ bị xua đuổi. Được đối xử tôn trọng như thế này, quả thực là lần đầu tiên đối với ông.

Trong lúc ăn cơm, mẹ tôi lén cầm số tiền mà trước đó ông không chịu nhận, kín đáo đặt vào túi của người hành khất.

Trước lúc rời đi, người đàn ông nghèo khổ ấy đưa cho tôi một chiếc trống lắc mới tinh.

Tới bây giờ, tôi vẫn không biết vì sao ông ấy lại mang theo bên mình thứ đồ chơi nhỏ ấy. Chỉ biết rằng, chiếc trống lắc năm nào chính là người bạn quý giá nhất trong suốt thời thơ ấu của tôi…

Bạch Cư Dị có câu: "Lấy lòng đo lòng". Nếu muốn được người khác coi trọng, trước tiên phải học cách coi trọng người khác.

Người có tu dưỡng về đạo đức sẽ luôn biết tôn trọng, quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Họ dùng chân tình đổi lấy chân tình, dùng đức để thu phục nhân tâm, nhờ thế nên luôn được người khác trọng vọng.

Học cách tôn trọng người khác sẽ trở thành chìa không thành công mà không một ai có thể đánh cắp của chúng ta. Mà muốn được như vậy, ta cần ngày ngày tu dưỡng, biến đức tính ấy trở thành tiềm thức tựa như việc hít thở vậy…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại