Bà Hứa Thị Phấn đã kéo cả "gia tộc" vào con đường phạm tội như thế nào?

Bảo Minh |

"Đại gia" Hứa Thị Phấn đã kéo nhiều người thân trong gia đình vướng vào những hành vi phạm tội, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho TrustBank.

Vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank đang được đưa ra xét xử.

Trong phần xét hỏi liên quan tới nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM), gây thiệt hại 1.105 tỉ đồng, các bị cáo chủ chốt đều đổ lỗi cho bà Hứa Thị Phấn .

Cháu, em bà Hứa Thị Phấn đều dính chàm

Trong đại án TrustBank giai đoạn này, 5 bị cáo là em rể, cháu ruột của bà Phấn và 8 người cháu khác được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Ngô Thị Kim Huệ (38 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT) - một mắt xích quan trọng trong việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch khai mình là cháu của bà Phấn. 

Năm 1989, Huệ mồ côi cha, gia cảnh lại khó khăn nên được bà Phấn đưa về nuôi ăn học từ lúc 9 tuổi. Khi học đại học, bị cáo Huệ thực tập tại ngân hàng của bà Phấn. Sau khi tốt nghiệp, bị cáo này theo bà Phấn đi làm.

Huệ cũng là thành viên HĐQT ký quyết định đồng ý mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng (gấp 8 lần giá thị trường), giúp bà Phấn chiếm đoạt 1.105 tỉ. 

"Bị cáo triển khai việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch theo lệnh của bà", bị cáo Huệ thừa nhận. Ngoài ra, cáo trạng còn xác định Huệ giúp sức cho bà Phấn hoạch toán thu chi khống, làm trái quy định, gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng.

Tương tự, bị cáo Lâm Kim Dũng (63 tuổi, nguyên Giám đốc công ty TNHH địa ốc Lam Giang) cũng là cháu bà Phấn. Năm 2010, bà này nhờ Dũng đứng tên làm giám đốc công ty với mức lương 10,5 triệu đồng/tháng.

Dũng khai chỉ có danh nghĩa giám đốc, còn mọi hoạt động điều hành đều theo chỉ đạo của bà này. Về việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Dũng khai chỉ biết qua hồ sơ và văn bản, mình chỉ ký theo lệnh bà Phấn chứ không biết việc mua bán này.

"Bị cáo nhận hơn 10 triệu đồng mỗi tháng nên bà Phấn nói ký thì ký thôi" - người cháu này khai.

Ngoài ra, em ruột của bà Phấn là ông Hứa Xường (66 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Tín) đã bị khởi tố về tội cố ý làm trái. Tuy nhiên, ông này nhanh chân xuất cảnh ra nước ngoài nên cơ quan điều tra đã quyết định truy nã, tách vụ án để điều tra và xử lý sau.

Cáo trạng cũng xác định bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn, là cháu Phấn), Hứa Thị Bích Hạnh (36 tuổi, nguyên Phó phòng kế hoạch tổng hợp, con ông Hứa Xường), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (51 tuổi, nguyên phó phòng ngân quỹ, là cháu bà Phấn) đã ký khống nhiều chứng từ thu, nộp tiền, đứng tên vay tiền cho bà Phấn, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ cho TrustBank.

Bà Hứa Thị Phấn đã kéo cả gia tộc vào con đường phạm tội như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Lâm Kim Dũng (cháu bà Phấn) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Ngoài ra có 8 người cháu có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng trong vụ án cũng được bà Phấn nhờ đứng tên vay giúp khoản vay tại Ngân hàng Đại Tín.

Đơn cử trường hợp ông Ngô Minh Quân (35 tuổi, huấn luyện viên võ thuật tại An Giang) là cháu bà Phấn. Ông Quân khai do bà Phấn cần vốn kinh doanh nên nhờ đứng tên vay 48 tỷ đồng giúp khoản vay tại TrustBank. Số tiền này được bà Phấn sử dụng để mua nhà. 

Toàn bộ hồ sơ vay do bà Phấn và ngân hàng thống nhất với nhau. Ông Quân khai chỉ ký các hồ sơ, giấy tờ được chuẩn bị sẵn chứ không nộp tiền, cũng như không yêu cầu ngân hàng lập chứng từ.

Bên cạnh đó, những người thân khác như: Hồ Hứa Thùy Trang, Hồ Hứa Thùy Anh, Hứa Hữu Đạt, Hồ Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Đoan Trang, Huỳnh Thị Xuân Hương (cháu bà Phấn), Hồ Văn Tân (em rể bà Phấn)... được "nữ đại gia" nhờ đứng tên vay tiền, mượn tài khoản để chuyển và nhận tiền, ký nhận nhiều hồ sơ, chứng từ... nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Thuê người làm lãnh đạo TrustBank

Bị cáo Hoàng Văn Toàn khai năm 2008, ông về làm cho bà Phấn. Một năm sau,  ông được bà Phấn chi tiền cho đứng tên mua 5% cổ phần để có tư cách tham gia đại hội cổ đông. Nguyên chủ tịch HĐQT TrustBank nhiều lần nhấn mạnh rằng mình thực chất chỉ là người làm thuê cho bà Phấn với mức lương 60 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thực quyền. 

Tương tự, ông  Trần Sơn Nam cũng khai mình chỉ là người làm thuê, thực hiện theo chỉ đạo của bà Phấn. Việc ông được bầu làm Tổng giám đốc TrustBank cũng là nhờ bà Phấn đưa 30 tỷ đồng cho đứng tên mua cổ phần.

Bà Hứa Thị Phấn đã kéo cả gia tộc vào con đường phạm tội như thế nào? - Ảnh 3.

Các bị cáo chủ chốt đều khai làm theo chỉ đạo của bà Hứa Thị Phấn.

Nguyên Chủ tịch TrustBank cũng khai nhiều thành viên HĐQT khác đều là người thân cận của bà Phấn: ông Hứa Xường (em trai bà Phấn), bà Ngô Kim Huệ và Lâm Hồng Trinh (cháu bà Phấn)… Những người này cũng tuân thủ theo mọi mệnh lệnh của "bà trùm" Sáu Phấn.

Ông Toàn cho biết mặc dù bà Phấn không có chức danh, nhưng nắm tới gần 85% cổ phần nên có khả năng lũng đoạn mọi hoạt động của ngân hàng. Hoạt động theo mô hình "ngân hàng trong ngân hàng", thông qua việc thành lập 2 ngân hàng con là chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang. Theo ông Toàn, bà Phấn thể hiện việc làm chủ của mình qua các chỉ đạo 2 chi nhánh này.

Liên quan tới việc công ty Trust Asset định giá căn nhà nói trên từ 154 tỷ đồng lên 1.268 tỷỷ đồng, ông Toàn thừa nhận không được đào tạo về thẩm định giá, cũng không nghiên cứu về thẩm định giá. 

Khi HĐXX hỏi: "Vậy bị cáo căn cứ vào đâu khi đặt bút ký tên vào các biên bản họp HĐQT, nghị quyết quyết định việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ bà Phấn với giá 1.260 tỉ đồng?", ông Toàn khai rằng tin tưởng tuyệt đối vào bà Phấn.

Trong khi đó, cựu Tổng giám đốc Trần Sơn Nam thừa nhận trước khi ký các biên bản, quyết định mua bán căn nhà đã không kiểm tra kỹ lưỡng. Giải thích cho sự bất cẩn này Nam cho rằng, TrustBank là của bà Phấn nên bị cáo tin tưởng tuyệt đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại