Nga "giăng bẫy" ở Syria: Liên tục tăng cường lực lượng và sẵn sàng nghênh chiến?

Ngọc Huy |

Sau cuộc tập kích của liên quân hôm 14-4, Nga đang âm thầm tăng cường lực lượng tới Syria để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản "vũ khí hóa học" có thể tiếp tục có thể xảy ra.

Cuộc diễn tập bắn đạn thật của Hải quân Nga ở ngoài khơi Syria; những chiến hạm hiện đại nhất của Hạm đội Biển Đen được tăng cường, cùng hàng loạt động thái âm thầm tăng cường lực lượng quân sự của Nga tại Syria là minh chứng rõ ràng cho việc Moscow và Damascus sẽ theo tới cùng cuộc chiến chống khủng bố.

Nga và Syria có thể đã chuẩn bị sẵn để đối phó với kịch bản bị không kích với lý do sử dụng vũ khí hóa học mỗi khi Damascus chiếm thế thượng phong trong cuộc nội chiến đã kéo dài 8 năm này.

Ngoại giao chiến hạm

Đây có vẻ là chiến thuật không mới và được Mỹ và NATO áp dụng thường xuyên trong nhiều thập kỷ qua.

Hình ảnh những chiến hạm Mỹ và đồng minh được vũ trang áp sát vùng biển các quốc gia đối địch là hình ảnh thường thấy tại Trung Đông, Hắc Hải, Thái Bình Dương với mục đích gửi thông điệp rõ ràng tới đối thủ rằng: Hãy thận trọng với hành động của mình, người Mỹ đang ở đây!

Tại Syria, hình ảnh trên dường như đang được Nga lặp lại. Tính từ đầu năm 2018 tới nay, Nga đã liên tục tăng cường lực lượng hải quân tới Syria, trong đó có những chiến hạm hiện đại bậc nhất của Hạm đội Biển Đen. Thậm chí, Hải quân Nga còn chủ động thiết lập vùng cấm bay để diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi Syria.

Hình ảnh, các chiến hạm Đô đốc Grigorovich, Đô đốc Essen và các tàu hộ vệ Pytlivy, Smetlivy phóng tên lửa hành trình tiêu diệt mục tiêu giả lập trên vùng biển Syria khác hoàn toàn với hình ảnh chiến hạm Nga im lặng khi NATO không kích Liên bang Nam Từ năm 1999.

Những hành động trên thể hiện thông điệp rõ ràng, cuộc nội chiến tại Syria có liên quan tới người Nga và mọi hành động quân sự cần có giới hạn. Người Nga sẽ làm mọi điều có thể để biến mọi âm mưu can thiệp quân sự nước ngoài vào Syria trở nên vô nghĩa. Đó là thông điệp thực tế, dễ hiểu từ Moscow!

Nga giăng bẫy ở Syria: Liên tục tăng cường lực lượng và sẵn sàng nghênh chiến? - Ảnh 1.

Không quân Nga ở Syria.

Nỗ lực kết thúc sớm cuộc nội chiến tại Syria?

Vài ngày gần đây, những bức ảnh chụp vệ tinh căn cứ không quân Nga Hmeymin tại Latakia đã ghi nhận sự gia tăng đột biến của số lượng máy bay chiến đấu triển khai tại đây kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố kết thúc chiến dịch chống khủng bố tại Syria.

Phải chăng chính hành động đơn phương không kích Syria của Mỹ và đồng minh hôm 14-4 đã khiến Moscow tái triển khai lực lượng không quân không chỉ phòng ngừa cho kịch bản không kích có thể lặp lại, mà còn tăng cường hỗ trợ Quân đội Syria vốn đang thắng như chẻ tre thời gian gần đây.

Sự tăng cường đáng kể của các máy bay tiêm kích-bom hạng nặng Su-34 (12 máy bay), Su-24M2 (9 máy bay) có thể mang các loại vũ khí tấn công chính xác cao dùng trong nhiệm vụ không kích phẫu thuật vào các vị trí trọng yếu của phiến quân và lực lượng thánh chiến nước ngoài rõ ràng là sự hỗ trợ rất lớn cho lực lượng mặt đất Syria.

Một yếu tố rõ ràng khác là việc Nga triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp lục quân Tor-M2 tới Syria. Hình ảnh của loại vũ khí được mệnh danh là "mini S-300" này đã được ghi nhận tại căn cứ Hmeymin.

Tor-M2 được thiết kế với mục đích tạo ô phòng không bảo vệ lực lượng lục quân hành tiến trên chiến trường và rất hiệu quả đối phó với các mục tiêu bay thấp, trong đó có tên lửa hành trình. Vậy liệu nhiệm vụ của Tor-M2 tại Syria là bảo vệ căn cứ Nga hay cơ động bảo vệ các đơn vị Syria trước khả năng bị tập kích bằng tên lửa?

Nga giăng bẫy ở Syria: Liên tục tăng cường lực lượng và sẵn sàng nghênh chiến? - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 của Nga lần đầu lộ diện tại Syria.

Không biết do vô tình hay có chủ ý, nhưng Tor-M2 có thể dễ dàng kết hợp với hệ thống phòng không Syria, trong đó có tổ hợp Buk-M2 để tạo lưới lửa phòng không lục quân liên hoàn đối phó với các mục tiêu hành trình.

Phải chăng người Nga đã rút kinh nghiệm và đang tái cơ cấu lực lượng sẵn sàng cho kịch bản không kích của Mỹ và liên quân rất có nguy cơ có thể lặp lại sớm!

Liệu ai có thể biết cùng với Tor-M2, liệu có những khí tài phòng không hiện đại nào khác đang trên được hoặc đã có mặt ở Syria mà không được công bố. Và những hình ảnh về Tor-M2 ở Syria được công bố cũng là có chủ đích.

Không chỉ lực lượng tác chiến Nga, Quân đội Syria gần đây cũng được tăng cường nhiều khí tài quân sự hiện đại.

Trong cuối tháng 4-2018, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy tuyên bố, Syria đang được cung cấp thêm các tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 và chuyên gia Nga sẽ tiếp tục công tác hỗ trợ huấn luyện lực lượng phòng không Syria.

Nga giăng bẫy ở Syria: Liên tục tăng cường lực lượng và sẵn sàng nghênh chiến? - Ảnh 3.

Xe tăng T-90 ở Syria.

Thông tin trên kết hợp với hiệu quả tác chiến đạt tới gần 100% của tổ hợp Pantsir-S1 trong cuộc không kích hôm 14-4 cho thấy năng lực tác chiến của hệ thống phòng không Syria sẽ tiếp tục được củng cố theo hướng đối phó với các cuộc tập kích đường không, đặc biệt là đối phó với tên lửa hành trình.

Cùng với đó, sau xe tăng T-90, pháo tự hành 2S19 Msta-S cũng đã bất ngờ xuất hiện trong tay Quân đội Syria. Trong đoạn clip vừa được Quân đội Syria công bố, các tổ hợp Msta-S sử dụng đạn thông minh chỉ thị bằng laser tấn công chính xác các vị trí của phiến quân tại tỉnh Hama.

Rõ ràng Nga đang tăng cường năng lực tác chiến của Quân đội Syria và điều này cũng giúp giải thích một phần những chiến thắng quan trọng tại Đông Ghouta, vùng núi Qualamoun và trại Yamonk của Damascus gần đây.

Những động thái tăng cường lực lượng của cả Nga và Syria sau cuộc không kích hôm 14-4 rõ ràng đang truyền tải thông điệp tới Mỹ và liên quân rằng, Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi tới cùng cuộc chiến tại Syria.

Quốc gia Cận Đông này không chỉ đơn thuần là lợi ích cốt lõi, mà đã trở thành danh dự của Nga với vai trò là siêu cường "tỉnh giấc sau ngủ đông".

Cùng với đó, động thái trên còn thể hiện mong muốn cuộc nội chiến tại Syria cần phải sớm chấm dứt để tránh những rắc rối có thể nảy sinh. Các đợt không kích của Mỹ và liên quân nhằm vào Syria với lý do vũ khí hóa học chính là điển hình.

Hình ảnh về tên lửa hành trình hiện đại của Mỹ và liên quân bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Syria, cũng như việc Moscow tuyên bố đang có trong tay hai đạn tên lửa hành trình hiện đại còn tương đối nguyên vẹn sau đợt không kích… và động thái tăng cường hiện diện quân sự tại Syria gần đây của Nga tại Syria liệu có khiến Mỹ và đồng minh chùn tay?

Câu trở lời có thể sẽ có sớm…

Nga công bố các mảnh vỡ tên lửa Tomahawk bị phòng không Syria bắn hạ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại