Lễ ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên: Căng thẳng tột độ, nghe rõ tiếng pháo vọng lại từ xa

Tất Đạt |

Sau đúng 11 phút, các tài liệu được hai bên đồng thuận trong bầu không khí nặng nề. Các đại biểu lần lượt rời khỏi địa điểm ký kết, không nói một lời và không bắt tay lẫn nhau.

LTS: Ngày 27/4 tới đây, hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Rất nhiều thách thức và kỳ vọng được đặt trên bàn đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in.

Về mặt lý thuyết, hai miền hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính quyền hai miền mới chỉ ký hiệp định đình chiến mà chưa thông qua hiệp ước hòa bình.

Nhân dịp này, Tòa soạn xin trân trọng gửi tới Quý bạn đọc loạt bài tư liệu về chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Phần 1: Chiến tranh Triều Tiên: Cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn Mỹ - Nga - Trung - Triều

Phần 2: Chiến tranh Triều Tiên: Những người lính Liên Xô mặc quân phục TQ và những người lính Mỹ bị lãng quên

*****

Ngày 27/7/1953 chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên: lễ ký kết Hiệp định Đình chiến, chấm dứt mọi xung đột vũ trang từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên, mở ra một thời kỳ mới cho người dân hai miền chiến tuyến.

Chuẩn bị cho lễ ký kết

Những cuộc đàm phán đình chiến chính thức đã bắt đầu từ ngày 10/7/1951 tại thành phố Kaesong thuộc tỉnh Hwanghae Bắc của Triều Tiên, gần biên giới liên Triều.

Trước đó 2 tuần, ngày 26/6/1951, một kế hoạch gồm 5 điểm đã được thống nhất và trở thành hướng đàm phán chính cho lễ ký kết sau này.

Hai nhân vật tham gia chính là Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Triều Tiên Nam Il, và Phó Đô đốc quân đội Mỹ Charles Turner Joy.

5 điểm chính yếu cho lễ kí kết đình chiến bao gồm:

1. Cách thức thực hiện hiệp định.

2. Thiết lập lại ranh giới giữa hai bên để tạo một khu phi quân sự, tạo điều kiện cơ bản cho quá trình đình chiến giữa hai miền bán đảo liên Triều.

3. Đồng thuận lệnh ngừng bắn và hiệp ước đình chiến tại bán đảo Triều Tiên, bao gồm chi tiết về thành phần, quyền hạn và chức năng của một tổ chức giám sát các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và đình chiến.

4. Giải quyết vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh.

5. Những đề nghị khác dành cho chính phủ các quốc gia thuộc hai phe chiến tuyến.

Lễ ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên 1953: Căng thẳng tột độ, nghe rõ tiếng pháo vọng lại từ xa - Ảnh 1.

Đại tá James Murray của Mỹ (bên phải) và Đại tá Chang Chun San thuộc Quân đội Triều Tiên (bên trái). Các bản đồ ban đầu cho thấy ranh giới phía bắc và phía nam của khu vực phân giới.

Dù đã có kế hoạch, nhưng các cuộc đàm phán sau này không đạt được nhiều hiệu quả. Giữa các cuộc gặp mặt là những khoảng thời gian dài, đặc biệt phải kể tới sự kiện ngày 23/8/1951, khi Triều Tiên và đồng minh cho rằng khu vực đàm phán tại Kaesong đã bị ném bom.

Triều Tiên yêu cầu phía LHQ phải ngay lập tức thực hiện một cuộc điều tra do có bằng chứng cho thấy máy bay của LHQ đã tấn công khu vực.

Cuộc đàm phán đình chiến không được nối lại cho tới ngày 25/10/1951. Phía Mỹ không đồng ý thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại nào khác tại Kaesong.

Khi ấy, Bàn Môn Điếm, một ngôi làng thuộc tỉnh Gyeonggi, được chọn làm địa điểm mới để đàm phán do vị trí địa lí thuận lợi. Cả hai phía Triều Tiên và Hàn Quốc đều phải chịu trách nhiệm bảo vệ địa điểm mới này.

Năm 1952, Dwight D. Eisenhower, tổng thống Mỹ mới nhậm chức, đã tới Hàn Quốc để thảo luận tình hình chiến tranh Triều Tiên. Với sự đồng thuận từ các bên, vĩ tuyến 38 đã được lựa chọn làm ranh giới cho lệnh đình chiến. Khu vực phi quân sự (DMZ) được ra đời và từ đó luôn được tuần tra bởi lính Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và lực lượng liên quân LHQ.

Sau nhiều biến cố chính trị lớn trên thế giới vào giai đoạn này, ngày 19/7/1953, các đại biểu quyết định sẽ tổ chức lễ ký kết Hiệp định đình chiến lịch sử.

Ngày 27/7/1953, tại vùng Munsan gần biên giới Hàn - Triều, Tướng Mark W. Clark, đại diện từ LHQ, đã kí những tài liệu liên quan trong khi Tướng Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Tướng Trung Quốc Bành Đức Hoài cũng thực hiện việc ký kết tương tự tại trụ sở quân sự nước mình.

Tướng Clark thuộc liên quân Liên Hợp Quốc kí tại căn cứ ở Munsan.

Việc kí hiệp định đình chiến diễn ra khi cả hai bên không chắc chắn giành được chiến thắng áp đảo. Ông Bruce Bennett, một nhà phân tích cấp cao tại Viện RAND, đánh giá: "Ông Kim Il Sung tỏ ra không muốn dừng chiến tranh, nhưng phía Mỹ đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không ký lệnh đình chiến. Điều này đã buộc Triều Tiên - Trung Quốc phải nhượng bộ."

Hiệp định đình chiến được duy trì ổn định tới nhiều thập kỉ sau này do hai bên chiến tuyến không muốn đối diện với những hậu quả thảm khốc từ một cuộc chiến tranh báo đảo lần thứ hai.

Ít cảm xúc được bộc lộ

Theo các tài liệu, tổng thống Hàn Quốc khi đó là Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) từng cam kết sẽ tới chứng kiến buổi lễ "trong khoảng thời gian ngắn" nhưng sau đó ông đã không tới.

[Ông Rhee được cho là người đã phản đối rất quyết liệt các cuộc hòa đàm giữa LHQ, quân đội Triều Tiên và Chí Nguyện Quân của Trung Quốc. Tổng thống Rhee tuyên bố ông chỉ chấp nhận hiệp định ngừng bắn nếu Mỹ kí kết Hiệp ước Phòng thủ Chung và tiếp tục đầu tư cho quân đội Hàn Quốc sau khi chiến tranh kết thúc].

Các văn kiện quan trọng đã được kí tại một địa điểm thuộc làng đình chiến ở Bàn Môn Điếm.

Với kiến trúc phỏng theo ngôi chùa, tòa nhà do phía Triều Tiên xây dựng cho những dịp đặc biệt được chọn làm nơi tổ chức sự kiện. Các đại biểu từ Bình Nhưỡng và 16 thành viên của lực lượng LHQ cùng tham dự lễ kí kết thỏa thuận vào lúc 10h01 sáng (giờ địa phương).

Các đại biểu LHQ có mặt ở Bàn Môn Điếm vào lúc 9h30, bước xuống từ trực thăng sau ít phút có mặt tại Munsan.

Phía Triều Tiên tới Bàn Môn Điếm trong các xe jeep, 35 phóng viên từ các quốc gia châu Âu theo cùng. Tổng cộng, khoảng 130 phóng viên, thợ ảnh từ đài báo các nước có mặt tại sự kiện.

Lễ ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên 1953: Căng thẳng tột độ, nghe rõ tiếng pháo vọng lại từ xa - Ảnh 3.

Các bản tài liệu được đặt ở giữa. Đại diện Triều Tiên ngồi bên phải, đại diện liên quân Liên Hợp Quốc ngồi bên trái. Ảnh: Wikipedia

Một bài báo đăng ngày 27/7/1953 của tờ New York Times đã miêu tả lại khung cảnh thời điểm diễn ra lễ ký kết lịch sử.

Đại diện hai bên hầu như không bộc lộ chút cảm xúc nào khi viết và ký tên lên những tờ cam kết với các nội dung liên quan tới trao đổi tù binh, thiết lập khu phi quân sự và tổ chức hội thảo chính trị sau này nhằm mục đích giải quyết các vấn đề bán đảo còn tồn đọng.

Tại hai bàn cách biệt, mỗi đại diện liên quan phải ký tên tổng cộng 9 lần lên 9 bản thỏa thuận bằng tiếng Anh, tiếng Triều Tiên và tiếng Trung Quốc.

Tướng William K. Harrison là người thay mặt phía Mỹ và LHQ trong khi tướng Nam Il là người đặt bút kí cho phía Triều Tiên.

Lá cờ LHQ được đặt một bên, cờ Triều Tiên đặt bên còn lại. Chính giữa bàn là chồng tài liệu được kẹp trong lớp bìa cứng màu xanh. Khi các đại biểu đã ngồi vào ghế, những trợ lí bắt đầu chuyển các bản thỏa thuận ngừng bắn từ bàn chính giữa và đưa cho các đại biểu.

Các đại diện cấp cao của Hàn Quốc không có mặt trong sự kiện.

Theo tướng Clark, phía Hàn Quốc được cho là đã tuyên bố nếu Tướng Kim Il Sung - Tư lệnh cấp cao của Triều Tiên - và Tướng Bành Đức Hoài - chỉ huy của quân đội Trung Quốc tại bán đảo - xuất hiện tại Bàn Môn Điếm, thì mọi phóng viên và đại diện Hàn Quốc sẽ không được phép xuất hiện khu phi quân sự này.

Ngoài đại diện Mỹ - LHQ và Triều Tiên - Trung Quốc, còn có các đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh và các nước Khối thịnh vượng chung, Colombia, Bỉ, Đan Mạch, Luxembourg, Ethiopia, Philippines và Na Uy.

Bên ngoài bức tường gỗ mỏng, tiếng pháo vẫn vọng lại từ xa - một lời nhắc nhở ảm đạm rằng kể cả khi hiệp định đang được ký kết, những người lính hai bên vẫn đang thiệt mạng ngoài chiến tuyến và cuộc chiến sẽ tiếp tục trong ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Những người chứng kiến tại Bàn Môn Điếm cho biết tướng Harrison là người đầu tiên đặt bút kí vào 10h01 sáng.

Lễ ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên 1953: Căng thẳng tột độ, nghe rõ tiếng pháo vọng lại từ xa - Ảnh 4.

Các bản hiệp định bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Đại tá Hải quân James C. Murray - một trong số ít những người Mỹ từng chứng kiến sự khởi đầu của các cuộc đàm phán ngừng bắn từ năm 1951 - trao các tài liệu cho Tướng Harrison và hướng dẫn ông ký. Cả Tướng Harrison và Tướng Nam đều dùng một chiếc bút duy nhất để ký.

Một sĩ quan thông tin Mỹ đợi các chữ ký của ông Harrison khô và chuyển từng bản tài liệu trở về bàn chính giữa, và một sĩ quan Triều Tiên khác chuyển các tài liệu này sang bàn của ông Nam.

Đại diện hai bên chưa từng gửi những cử chỉ thân thiện cho nhau ngoài những cái gật đầu trong im lặng. Không khí trong ngày này cũng như vậy.

Trong một khoảnh khắc, tướng Harrison thì thầm với các phụ tá. Ngoài tiếng pháo bắn đằng xa, chỉ còn tiếng click từ các máy ảnh vang lên trong bầu không khí tĩnh lặng.

Lúc 10h10, tướng Harrison ký xong, và tướng Nam hoàn thành sau 1 phút vào lúc 10h11, kết thúc lễ ký kết.

Vị tướng Triều Tiên liếc nhìn đồng hồ, đứng dậy và nhanh chóng sải bước khỏi sảnh mà không nhìn về phía bàn của đại diện LHQ.

Hiệp định bắt đầu có chính thức có hiệu lực sau 12 giờ ký. Từ 10 giờ đêm (giờ địa phương), tiếng súng đạn đã không còn vang lên trên bán đảo Triều Tiên.

Lễ kí kết hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điếm.

Trong bầu không khí nặng nề, các đại biểu lần lượt rời khỏi địa điểm ký kết, không nói một lời và không bắt tay lẫn nhau.

Tướng Harrison tỏ ra thoải mái hơn cả. Khi phóng viên tiếp cận ông đặt ra câu hỏi, ông trả lời: "Anh biết là tôi sẽ không bình luận mà."

Nhưng ông đã mỉm cười và đứng chụp ảnh, cảm ơn các vệ binh và chào các đại diện LHQ trước khi lên máy bay quay trở lại Munsan vào lúc 10h27 sáng cùng ngày.

Những tài liệu được ký kết xong vẫn nằm trên bàn giữa phòng, được các sĩ quan an ninh và sĩ quan thông tin canh chừng cẩn trọng. Các phiên dịch viên trao đổi nhanh với những nhân vật cấp cao khác trong phòng.

72 giờ đồng hồ sau lễ ký, quân lính 2 bên đồng loạt rút lui, cách đường biên giới 2 km. Một vùng phi quân sự được chính thức thiết lập.

Trong vài ngày tiếp sau đó, các tù binh bị hai bên giam giữ bắt đầu được thả tự do theo các điều khoản trao đổi.

Hiệp định đình chiến đã được hoàn thiện khi hai bên không giấu thái độ "thù địch" với đối phương.

Khi trở về Hàn Quốc, tướng Clark bày tỏ rằng chính ông cũng có một hy vọng mong manh rằng hiệp định này sẽ giải quyết các vấn đề vẫn còn tồn tại trên hai miền bán đảo bị chia cắt.

"Con đường dài và khó khăn vẫn còn ở phía trước," ông cảnh báo. "Không có đường tắt. Nếu chúng ta muốn tôn vinh những người đã hy sinh vì tự do, nếu chúng ta muốn có hòa bình thực sự, nếu chúng ta hành động vì công lý và vì nhân quyền, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hướng tới hòa bình và bảo vệ những nguyên tắc bất di bất dịch ấy mọi nơi và mọi lúc".

Tính tới ngày 21/7/1953, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ 139.272 lính Mỹ đã thương vong trong các trận đánh. Trong số đó có 24.965 lính thiệt mạng, 101.368 lính bị thương, 2.938 lính bị bắt giữ, 8.476 lính mất tích và 1.525 từng bị bắt giữ hoặc mất tích nhưng đã trở về được đội ngũ.

Theo tư liệu của AP, phía Triều Tiên đã trao trả khoảng 12.000 tù nhân, bao gồm khoảng 3.000 lính Mỹ và 8.000 lính Hàn Quốc. Số tù binh còn lại có 900 lính Anh và những tù nhân quốc tịch khác.

Trong khi đó, phía Mỹ-Hàn trao trả 75.000 tù binh Triều Tiên và 5.000 lính Trung Quốc. Hàng ngày, mỗi bên chuyển 500 tù nhân chiến tranh cho phía còn lại. Tất cả đều được thực hiện tại Bàn Môn Điếm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại