S-400, Pantsir có cơ hội đối đầu lịch sử với tên lửa Mỹ ở Syria? Bên nào giành ngôi vương?

Trịnh Ngọc Tiến |

Nếu chiến dịch của liên quân vào Syria kéo dài thì chưa chắc đã có thể loại bỏ khả năng sẽ có một cuộc đối đầu lịch sử giữa hệ thống tiến công và hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất.

Đêm 13/4 (theo giờ địa phương), chiến trường Syria đã chuyển sang màn trình diễn quân sự lớn, đó là cuộc tiến công bằng hàng loạt tên lửa hành trình của Mỹ và sự chống trả quyết liệt của các hệ thống phòng không Syria.

Mặc dù Mỹ cho biết liên quân đã thận trọng lựa chọn các mục tiêu để tránh lực lượng Nga can thiệp nhưng nếu Washington quyết định kéo dài chiến dịch tấn công thì chưa chắc đã có thể loại trừ kịch bản xung đột xảy ra giữa lực lượng phòng không Nga và lực lượng tiến công đường không của Mỹ.

Trong trường hợp đó, ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng - "Tomahawk" hay tổ hợp S-400 và Pantsir-1S?

Cuộc thử nghiệm với quy mô thế giới

Các hệ thống phòng không của Nga ở Syria có cơ hội để cho thế giới thấy tất cả những khả năng mà họ có, cuộc đụng độ lịch sử này góp mặt của gần như tất cả các cường quốc quân sự, không chỉ có những hệ thống vũ khí hiện đại nhất mà cao hơn đó là cuộc chiến tranh điện tử (EW) tổng lực.

Điều quan trọng là số lượng tên lửa mà Mỹ - Anh - Pháp sử dụng với số lượng là bao nhiêu, thời gian tiến hành cuộc tiến công dài hay ngắn? Đó là câu hỏi mà các nhà quân sự quan tâm, kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria leo thang.

S-400, Pantsir có cơ hội đối đầu lịch sử với tên lửa Mỹ ở Syria? Bên nào giành ngôi vương? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk là vũ khí đầu tiên Mỹ sử dụng trong cuộc tiến công đêm 13/4 vào Syria.

Theo các nguồn tin được công khai, Nga đã bố trí tương đối nhiều các hệ thống phòng không tại Syria, có những loại tầm gần như các tổ hợp Pantsir, hoặc tầm xa như S-400, tầm bắn bao phủ một phần các nước láng giềng của Syria như Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể chiến trường Syria sẽ là nơi lần đầu chứng kiến các hệ thống phòng không hiện đại đánh chặn quyết liệt tên lửa hành trình. Các chuyên gia phòng không của Liên Xô (trước đây) và Nga đã chuẩn bị cho cuộc đụng độ lịch sử này hơn 60 năm - kể từ khi các hệ thống tên lửa chống máy bay đầu tiên xuất hiện sau Thế chiến II.

Những hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô trước đây, đã nổi tiếng là sát thủ với những máy bay của Mỹ.

Trong những năm của thập niên 1960, hệ thống phòng không S-75 Dvina đã bắn rơi máy bay do thám tầm cao U-2, sau đó người Mỹ đã đầu tư rất nhiều kinh phí nghiên cứu phát triển các phương tiện tác chiến điện tử, nhằm chế áp các hệ thống phòng không do Liên Xô chế tạo.

Tuy nhiên, hàng nghìn máy bay chiến đấu của Mỹ vẫn bị bắn rơi trong cuộc chiến tại miền Bắc Việt Nam.

Và bây giờ có thể sẽ có một cuộc đối đầu lịch sử giữa hệ thống tiến công và hệ thống phòng thủ được coi là tiên tiến nhất. Cuộc đối đầu không chỉ bó hẹp đối với hệ thống phòng không của Nga bố trí trên lãnh thổ Syria, mà rộng ra là toàn bộ hệ thống phòng không của Nga.

Tỷ lệ bắn rơi sẽ là bao nhiêu?

Trung tướng Alexander Gorkov, nguyên Tư lệnh quân chủng Phòng không Nga (2000-2008) trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ VZGLYAD của Nga cho biết: Trong chiến đấu phòng không, việc tiêu diệt được nhiều hay ít mục tiêu không quan trọng bằng việc bảo vệ được mục tiêu được giao. Nếu 100 tên lửa hành trình bị bắn hạ, nhưng chỉ để lọt 1 thì đã coi là thất bại.

Để có một đánh giá chính xác hiệu quả một hệ thống phòng không, điều quan trọng là phải biết có bao nhiêu tên lửa bắn ra để tiêu diệt được một mục tiêu?

Theo ông Gorkov, hệ số tiêu diệt tên lửa hành trình bay thấp của các hệ thống tên lửa phòng không như S-400 là 0,85-0,90 (từ 85-90%). Với xác xuất tiêu diệt mục tiêu như vậy, S-400 thực sự không có đối thủ trên thế giới.

Tuy nhiên, Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho rằng, việc tiêu diệt 50-60% tên lửa hành trình như loại Tomahawk của Mỹ đã là một thành công lớn cho vũ khí Nga.

S-400, Pantsir có cơ hội đối đầu lịch sử với tên lửa Mỹ ở Syria? Bên nào giành ngôi vương? - Ảnh 2.

Cặp song sát S-400 và Pantsir-S1 của Nga tại Syria.

Ông nói thêm, trên thực tế, việc bắn rơi 30% đã có thể được coi là một thành công, nếu chúng ta nhớ đến cả hai lực lượng phòng không Nga và Syria đều bất lực nhìn Mỹ dùng tên lửa Tomahawk tiến công vào căn cứ không quân Al-Shayrat của Syria tháng 4/2017.

Cần lưu ý rằng quân đội chính phủ Syria chỉ có các hệ thống phòng không đời cũ, lại bị phá hủy nhiều trong cuộc nội chiến trong 7 năm qua; những hệ thống phòng không S-400 mới nhất chỉ được bố trí bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga - đó là căn cứ không quân Khmeimim và hải quân Tartus.

Theo tính toán, hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của S-400 với những mục tiêu tốc độ cận âm như tên lửa hành trình Tomahawk với hệ số 0,9 (tương đương 90%) là một hệ số "lý tưởng", hệ số này chỉ có được trên thao trường bắn, khi mục tiêu không được che chắn điện tử.

Hiện nay hệ thống phòng không của Nga tại Syria, ngoài S-400 và Pantsir còn 2 tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa Shtil-1 (một tàu có 24 tên lửa) nằm ngoài bờ biển của Syria.

Tổ hợp Shtil-1 là phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân Buk rất nổi tiếng của Nga, có tầm bắn 50km. Đây cũng là sự bổ sung đáng kể cho lưới lửa phòng không của Nga tại Syria.

Khi S-400 đụng Tomahawk đánh hội đồng

Chuyên gia Kashin lo ngại, nếu Mỹ và liên quân sử dụng một số lượng lớn tên lửa hành trình tiến công tập trung vào một khu vực mục tiêu, thì Nga và Syria cũng khó ngăn chặn được, bởi vì theo quy tắc phòng không của Liên Xô (trước đây) và Nga, để tiêu diệt một mục tiêu thì ít nhất cũng phóng hai đạn.

Một Tiểu đoàn S-400 với 8 bệ phóng được trang bị 32 tên lửa (hoặc 48 nếu có 12 bệ phóng), nếu phóng hết thì cũng chỉ được 16 lượt (hoặc 24 lượt).

Lấy ví dụ như vụ tiến công của Mỹ vào căn cứ không quân Al-Shayrat của Syria tháng 4/2017; Hải quân Mỹ đã phóng liên tiếp 60 quả Tomahawk, giả sử nếu S-400 phát hiện và đánh chặn chính xác, với xác suất lý tưởng 0,9 thì cũng phải tốn 130 đạn S-400 mới có thể bắn hạ hết số Tomahawk trên.

Với cuộc tiến công với tần suất cao như vậy, việc đánh trả với những hệ thống như S-400 cũng là điều không thể vì lượng tiêu thụ đạn quá lớn.

Đúng như dự đoán, trong đợt tiến công đầu tiên, Mỹ dùng lại kịch bản cũ, đó là những cơn mưa tên lửa Tomahawk phóng từ những khu trục hạm ở biển Địa Trung Hải, và lần này là việc xen kẽ sử dụng tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-1B, cuộc tiến công kéo dài khoảng 60 phút.

Lực lượng phòng không Syria đã chống trả quyết liệt, Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết, quân đội Syria đã đánh chặn được 71 trong tổng số 103 tên lửa do liên minh Anh-Pháp-Mỹ bắn ra. Trên thực tế vụ tiến công của liên minh không gây ra bất cứ thương vong nào và các cơ sở quân sự của Syria chỉ tổn thất nhỏ.

Các hệ thống phòng không của Nga tại Syria S-400 - đã giám sát cuộc tấn công của liên minh Anh-Pháp-Mỹ nhưng không tham gia đánh chặn tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nga đã giải thích lý do việc các hệ thống phòng không của Syria đã không bắn hạ các tên lửa được Mỹ và các đồng minh với lý do không có tên lửa nào của Mỹ - Anh - Pháp xâm phạm vào trong khu vực an toàn của quân đội Nga đang đóng quân tại đây.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại