Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo "sống sượng" gây khó chịu

Minh Quân |

Bộ phim truyền hình ăn khách Tình Khúc Bạch Dương đang nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ phía khán giả vì quảng cáo lộ liễu trong những tập gần đây.

Tình khúc Bạch Dương là một trong những bộ phim gây chú ý nhất trên sóng VTV hiện nay. Bộ phim được thực hiện dưới bàn tay của chủ nhân "bom tấn" Sống chung với mẹ chồng – đạo diễn Vũ Trường Khoa.

Phim kể câu chuyện về những du học sinh người Việt Nam sang Nga học tập và lao động trong giai đoạn cuối những năm 80 cho đến nay. Tình Khúc Bạch Dương chiếm được sự quan tâm và cảm tình với lớp khán giả từng có nhiều kỷ niệm với xứ sở này.

Nhưng bắt đầu từ tập 14, truyện phim nhảy cóc sang bối cảnh 30 năm sau, khi bốn nhân vật chính Quyên, Quang, Hùng và Vân đều đã trưởng thành, có con và trở về Việt Nam. 

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 1.

Các tập gần đây của Tình khúc bạch dương chuyển về thời hiện đại,

Khi bối cảnh Liên Xô thập niên 80 đẹp như mơ trước kia không còn nữa thì cũng là lúc bộ phim bắt đầu xuất hiện hàng loạt những phân đoạn quảng cáo của các đơn vị tài trợ. 

Chuyện đã không có gì đáng nói nếu như ekip làm phim không cố tình để cho những chi tiết quảng cáo không liên quan đến nội dung phim xuất hiện ngày một nhiều và gây cụt hứng, mất tập trung cho khán giả.

Bốn tập nhưng có đến hơn năm cảnh quảng cáo

Ở tập 15, ngay sau khi bối cảnh được chuyển về Việt Nam thì tuyến phố đi bộ đã được nhắc đến nhiều hơn một lần. 

Vừa buổi sáng anh chàng Linh (Bình An) rủ bố mình là Quang (Lê Vũ Long) đi uống bia buổi tối ở phố đi bộ thì đến buổi tối, nhân vật Hùng (Chi Bảo) lại "tình cờ" chứng kiến một cô gái ngăn không cho du khách đạp xe vào phố sách Lý Thường Kiệt. 

Tình tiết thứ hai có vẻ khá hợp lý vì nó khiến nhân vật Hùng nhớ về kỷ niệm tương tự với người yêu đầu trong quá khứ nhưng cách cô gái giải thích với anh chàng du khách kia rành mạch và quy củ y như đọc từ nội quy phố sách ra lại chiếm nhiều sự chú ý của khán giả hơn vì sự gượng ép, thiếu tự nhiên.

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 2.

Chi tiết quảng bá phố sách Lý Thường Kiệt trong tập 15.

Tiếp đó, ở tập 16, bộ phim lại tìm cách đưa một thương hiệu khác vào lời thoại khi để cho một nhân vật đến hỏi mua căn hộ RiverPark của hãng này với bạn trai. 

Điều đáng cười nhất là hai nhân vật này rủ nhau đi hẹn hò nhưng sau đó lại đến cơ sở của thương hiệu nhà tài trợ để mua nhà, chuẩn bị cho hôn nhân sau này. 

Cách nói chuyện của cô gái với chàng trai cũng rất kỳ quặc khi đọc thuộc vanh vách tờ rơi giới thiệu khu căn hộ và phân tích cho chàng trai thấy sự ưu việt về địa thế, hạ tầng của khu nhà như một chuyên gia tư vấn bất động sản thứ thiệt.

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 4.

Có lẽ khán giả cũng cảm thấy ngán ngẩm và mệt mỏi y như nhân vật của Bình An trong hình.

Trường hợp tương tự tiếp tục xảy ra ở tập 17 với hai lần quảng cáo lộ liễu là chi tiết nhân vật Vân (Hoa Thuý) được người quen cám ơn vì đã giới thiệu cho căn hộ đẹp trong khu cung cư cao cấp Icentra ở Liên Bang Nga.

Còn nhân vật Quyên (Thanh Mai) thì bỗng dưng được sếp cử đến văn phòng của ngân hàng để cảm ơn về sự trợ giúp quý giá của ngân hàng này đối với doanh nghiệp mình. 

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 5.

Phim mất một thời lượng lớn để nhân vật nữ hớn hở khoe căn hộ trên tầng 17 của mình với Vân.

Điểm chung của những chi tiết quảng cáo này là đều không liên quan mấy đến tuyến truyện đang diễn ra và sử dụng những lời thoại có cánh mang tính định hướng cao, thậm chí còn "dìm hàng" cả những đối thủ khác nói chung. 

Đặc biệt là ở câu thoại đầy khiên cưỡng "Mấy ai làm được như ngân hàng của anh, mỗi khi cần vay vốn là tạo điều kiện rất thuận lợi, chứ như nhiều ngân hàng khác thủ tục lằng nhằng, phiền phức lắm" của nhân vật Quyên nói với vị lãnh đạo ngân hàng.

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 6.

Phân đoạn quảng cáo không chút ăn nhập ở cuối tập 17.

Hầu hết các khán giả theo dõi Tình Khúc Bạch Dương từ đầu đều nhận ra sự bất cập này và lo lắng rằng bộ phim có thể mất đi tính hấp dẫn ban đầu khi không khí hoài niệm những năm 80 đã biến mất. 

Thay vào đó, bối cảnh hiện đại xuất hiện quá sớm và tràn ngập những cảnh quảng cáo liên tục xuất hiện lộ liễu.

Quảng cáo trong phim, làm sao cho tinh tế?

Thực ra, việc quảng cáo bằng PPL (Product Placement – đặt sản phẩm trong phim) là hình thức phổ biến trên thế giới và cũng không quá tiêu cực vì giảm tải được gánh nặng kinh phí cho nhà sản xuất và cũng hỗ trợ được các nhãn hàng quảng bá được sản phẩm của mình đến khán giả. 

Một trong những cao thủ về thủ pháp này trong giới điện ảnh chính là thương hiệu phim điệp viên James Bond. 

Chính từ đặc điểm lối sống hoa mỹ, sang trọng của chàng điệp viên Anh Quốc này mà nhà làm phim đã tận dụng được rất nhiều cơ hội để đưa các sản phẩm của nhà tài trợ vào trong phim của mình. 

Hẳn là nhiều người vẫn chưa quên được chi tiết khi Vesper Lynd gặp 007 trên tàu tốc hành, cô vặn cổ tay và hỏi: "Đồng hồ đẹp đấy. Rolex hả?" còn Bond thì điềm đạm trả lời "Không. Omega".

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 7.

Hình ảnh James Bond thường xuyên gắn liền với chiếc đồng hồ Omega sang trọng. Vừa đạt hiệu quả quảng cáo vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.

Một nhân vật nhà giàu khác trong điện ảnh Hollywood là Iron Man cũng gây ấn tượng bằng màn quảng cáo quái chiêu cho Burger King. 

Trong phim có đoạn gã tài phiệt Tony Stark sau khi thoát khỏi tay bọn khủng bố và vượt trăm cây số trên sa mạc để về Mỹ thì việc đầu tiên anh ta làm là gọi cô trợ lý đến và sai đi mua Burger King về ăn cho đỡ... thèm. 

Sau đó, anh ta ngồi bệt xuống đất ăn ngon lành trước hàng loạt ống kính máy quay trong buổi họp báo. Chi tiết này vừa khiến người xem bật cười về độ dễ thương của nhà sản xuất, vừa khắc hoạ được tích cách cổ quái, khác người đặc trưng của Tony Stark.

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 8.

Cảnh quảng cáo nổi tiếng trong Iron Man.

Không chỉ Hollywood, điện ảnh Hàn Quốc cũng rất "khét tiếng" trong việc đưa sản phẩm tài trợ vào trong phim. 

Nhu cầu quảng cáo qua phim ảnh nhiều đến nỗi chính phủ Hàn Quốc đã hợp pháp hoá việc đặt sản phẩm vào phim từ năm 2010 và sau đó càng làm tăng gấp đôi số lượng quảng cáo trong các phim của đất nước này. 

Tuy nhiên, do chất lượng kịch bản khá cao và cốt truyện hấp dẫn nên phim Hàn vẫn có lượng người xem đông đảo và trung thành. 

Trong hầu hết tất cả các bộ phim và tiết mục truyền hình của họ đều có chạy dòng chữ: Trong chương trình này có thể sẽ xuất hiện một số sản phẩm quảng cáo để báo trước với khán giả.

Một trong những ví dụ cao thủ về quảng cáo trong phim Hàn là việc chị em biên kịch nhà Hong đưa chi tiết ma cũng thích cà phê vào drama Master’s Sun một cách rất dễ thương mà không hề miễn cưỡng. 

Khán giả dễ dàng vui vẻ thông cảm với nhà sản xuất và khâm phục sự sáng tạo của biên kịch. 

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 9.

Cà phê ngon đến mức ma còn thích là một ý tưởng "độc chiêu" của kịch bản truyền hình Hàn.

Hay như trong bom tấn Along with the Gods ra rạp hè vừa rồi, bộ phim này đã đưa chiếc nồi cơm trở thành một điểm nhấn giàu cảm xúc trong nội dung kịch bản. 

Nam chính Cha Tae Huyn vì thương mẹ mình nên đã vắt hết sức lực làm việc để có tiền mua tặng mẹ một chiếc nồi cơm có chức năng nấu cơm cháy.

Phim Tình khúc bạch dương: 4 tập, 7 cảnh quảng cáo sống sượng gây khó chịu - Ảnh 10.

Cha Tae Huyn trong vai chàng lính cứu hoả xấu số nhưng có linh hồn thuần khiết.

Nếu so sánh với thị trường điện ảnh quốc tế thì có thể dễ dàng nhận thấy mấu chốt trong việc tiếp thị sản phẩm bằng điện ảnh phải là sự tự nhiên, hấp dẫn. 

Phim giải trí lồng ghép quảng cáo không nên là một đoạn quảng cáo kéo dài được lồng ghép sống sượng mà trước tiên bản thân đó phải là chi tiết hay, hấp dẫn để thu hút người xem. 

Nếu phim hay mà quảng cáo hợp lý thì khán giả vẫn sẽ dễ dàng chấp nhận và thông cảm với nhà sản xuất. 

Ngược lại, bản thân bộ phim đã không đủ hấp dẫn, lại thêm phân đoạn tiếp thị vô duyên thì việc quảng cáo cũng kém hiệu quả, thậm chí gây phản cảm cho người xem.

Nhìn chung, trình độ xây dựng kịch bản ở Việt Nam trong cả phim điện ảnh và truyền hình đều còn yếu, chưa đủ để tạo được sức hút đặc biệt cho khán giả. 

Hai bộ phim truyền hình có rating cao nhất của Việt Nam năm ngoái là Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng đều có kịch bản được mua lại của nước ngoài. 

Thiết nghĩ, có lẽ nhà sản xuất Tình Khúc Bạch Dương không nên vội tính đến việc đưa nhiều phần quảng cáo, tiếp thị để tăng doanh thu mà nên tập trung hơn vào phát triển hoàn thiện kịch bản. 

Hoặc không, phần quảng cáo chỉ nên xuất hiện ở mức độ vừa phải chứ không phải là tình cảnh bốn tập bảy cảnh quảng cáo như đang diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại