TP.HCM: Thịt ế, thịt bẩn dễ trở thành giò chả, xúc xích

An Nhiên |

Tính đến hết tháng 2/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở, chiếm tỷ lệ 18%. Thông tin này được cho biết tại hội nghị Sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM chiều 12/3.

Lo nhất thịt ế, thịt bẩn

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, những sản phẩm thịt động vật ế, dư thừa sau các phiên chợ là vấn đề chính quyền phải quan tâm đặc biệt trong quản lý an toàn thực phẩm.

Bà Lan lo ngại, nếu không quản lý tốt, số thịt ôi thiu này dễ dàng trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất giò, chả, xúc xích.

Sau đó, các sản phẩm sau chế biến sẽ được tuồn ra thị trường, tiếp tục đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Trong năm 2017, nhiều vụ việc sử dụng sản phẩm động vật ôi thiu, hôi thối để sản xuất, chế biến thực phẩm đã bị cán bộ Ban Quản lý ATTP TP.HCM phát hiện và ngăn chặn kịp thời như hồi đầu năm 2018, đoàn kiểm tra công tác liên ngành đã phát hiện 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, không đảm bảo VSATTP chuẩn bị được đưa vào chế biến tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn).

Nếu không phát hiện, thu giữ kịp thời, số thịt bẩn này sẽ được làm thành giò chả và nhanh chóng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.

Sau một năm hoạt động, tính đến hết tháng 2, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở, ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện).

Các Đội quản lý ATTP còn phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là gần 45 triệu đồng; thu hồi, tạm giữ 1.400 kg răng mực, 2.500 kg mực ống; tiêu hủy gần 35.000 kg sản phẩm động vật, thịt gia cầm, thực phẩm các loại…

Xây dựng nguồn thực phẩm sạch để chống thực phẩm bẩn

Sau một năm thành lập, Ban Quản lý ATTP đã thành lập 11 Đội quản lý ATTP thuộc phòng Thanh tra, trong đó có 1 đội thường trực tại Ban, 8 Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện và 2 Đội Quản lý An toàn thực phẩm ở 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bình Điền.

Các đội này có nhiệm vụ tiến hành công tác thanh kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm động vật trên địa bàn; phối hợp thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thịt heo và triển khai thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt gà, trứng gia cầm do Sở Công thương chủ trì; phối hợp với địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng phân cấp.

Ban Quản lý ATTP cũng đã tổ chức triển khai đường dây nóng, tiếp nhận 57 cuộc gọi phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm.

Thanh tra đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phản ánh, tố cáo.

Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, các hoạt động của Ban đều nhằm tập trung vào hai nhiệm vụ: Xây dựng nguồn thực phẩm sạch và chống lại thực phẩm bẩn.

Muốn vậy cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao kiến thức về sử dụng thực phẩm sạch cho người dân, giáo dục các công ty, doanh nghiệp trong việc cung ứng, sản xuất thực phẩm sạch…

Thế nhưng, cũng theo bà Lan, vấn đề ATTP được cả nước quan tâm, là chuyện sống còn của hàng triệu gia đình, nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong đó, một phần nguyên nhân do các quy định pháp luật còn chồng chéo, việc xử phạt các cơ sở vi phạm vừa khó vừa nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

“Ví dụ như trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép chỉ xử phạt đối với các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được, như vụ phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở Củ Chi hồi cuối năm ngoái”, bà Lan giải thích.

Hoặc việc lấy mẫu kiểm tra rồi lưu kho, chờ kết quả… đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm ATTP. Trong quá trình chờ các thủ tục hành chính nhiêu khê, nhiều chủ lô hàng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng không thể xử phạt.

Tương tự như vấn đề kinh doanh phụ gia hóa chất tại chợ Kim Biên (Quận 5, TP.HCM). Lâu nay, khu chợ này được xem như “chợ tử thần” ở TP.HCM, nhưng chỉ có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được cấp phép.

Các hộ này đã được tập huấn, huấn luyện rất nhiều để không bán phụ gia hóa học, công nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh 16 hộ này có nhiều hộ khác được phép bán hóa chất công nghiệp nên người mua dễ dàng tạt qua đây để mua hóa chất, phụ gia độc hại.

Bà Phong Lan cho biết, trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP sẽ tiếp tục thực hiện theo chiều sâu các kế hoạch về xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên cơ sở sắp xếp kiện toàn bộ máy, tăng cường các nguồn lực, tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh truyền thông.

Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò Hội đồng tư vấn khoa học, phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tiến hành các đề tài mang tính ứng dụng cấp thiết cho công tác bảo đảm ATTP thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại