Cách ứng phó với ngộ độc rượu

PGS.TS . Bùi Quang Huy |

Khi uống rượu với số lượng lớn, trong thời gian ngắn, uống phải rượu không đảm bảo chất lượng, có chứa độc tố... có thể khiến người uống bị ngộ độc. Vậy cần làm gì khi bị ngộ độc rượu?

Sự hấp thu của rượu

Rượu sau khi uống, được hấp thu ở tất cả các đoạn của ống tiêu hóa, nhưng chủ yếu là ở tá tràng và hỗng tràng. Thời gian hấp thu của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày.

Nếu dạ dày đầy thức ăn thì rượu được hấp thu chậm hơn khi dạ dày trống rỗng, do thức ăn làm cản trở sự hấp thu của rượu vào cơ thể. Các thức ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu so với thức ăn chứa nhiều tinh bột.

Nồng độ của rượu cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu của rượu. Rượu được hấp thu nhanh nhất khi nồng độ của rượu là 10 đến 30 độ cồn.

Khoảng 5% lượng rượu được thải trừ nguyên vẹn qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở ra. 95% lượng rượu còn lại được chuyển hóa ở gan. Thời gian bán hủy của nồng độ rượu trong máu là khoảng 2 giờ, nghĩa là cứ sau 2 giờ thì nồng độ rượu trong máu giảm đi một nửa.

Tác động của rượu đối với cơ thể

Rượu tác động đến các cơ quan gây ra các tác dụng khác nhau:

Trên hệ thần kinh: Rượu tác dụng phụ thuộc vào nồng độ của rượu trong máu. Nồng độ rượu thấp (50mg/100ml) có tác dụng an dịu và giải lo âu.

Nồng độ rượu cao (150-200mg/100ml) gây mất điều hòa, mất ức chế, rối loạn hành vi. Nồng độ rượu quá cao gây hôn mê (300-400mg/100ml), ức chế hô hấp và tử vong (trên 400mg/100ml).

Trên hệ tiêu hóa: Rượu nhẹ dưới 20 độ cồn có tác dụng làm tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột, tăng khả năng hấp thu của niêm mạc ruột. Nồng độ rượu từ 40 độ cồn trở lên gây phá hủy lớp niêm mạc của dạ dày, ruột, gây co thắt dạ dày và gây nôn.

Trên cơ trơn: Rượu liều nhỏ gây giãn cơ trơn, giãn mạch máu và tăng tưới máu, tăng thân nhiệt. Ngược lại, nồng độ rượu cao gây ức chế trung tâm vận mạch, gây co mạch và giảm thân nhiệt.

Rượu gây ngộ độc như thế nào?

Tiêu chuẩn của ngộ độc rượu là bệnh nhân uống một lượng rượu lớn gây rối loạn hành vi. Người ta định lượng nồng độ rượu trong máu để xác định mức độ ngộ độc rượu. Trái với suy nghĩ của nhiều người, rượu không gây ra hưng phấn cho người uống mà gây ra giảm khả năng ức chế.

Vì vậy khi uống một lượng rượu nhỏ, người uống giảm khả năng tự phê phán, giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt.

Vì vậy, người say rượu hay có rối loạn hành vi hoặc các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi điều khiển máy móc hoặc lái xe.

Với nồng độ rượu từ 80-100 mg rượu trong 100 ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe. Ngay ở nồng độ cồn trong máu rất thấp, chỉ 10-20mg rượu trong100ml máu đã gây thay đổi hành vi rõ ràng, vận động chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ.

Nồng độ cồn trong máu từ 100mg đến 200mg trong 100 ml máu gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định, nặng hơn có thể gây cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng.

Với những người không bị rối loạn vận động và tâm thần rõ ràng khi có nồng độ cồn trong máu là 150mg trong 100ml máu thì họ là người đã có khả năng dung nạp với rượu rất cao.

Ở những người không có khả năng dung nạp rượu cao, khi có nồng độ cồn trong máu ở mức độ này sẽ bị nôn và buồn nôn.

Ở nồng độ cồn/máu là 200-300mg/100ml máu, bệnh nhân sẽ nói líu lưỡi. Nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí, với những người không có khả năng dung nạp rượu, với nồng độ cồn/máu đạt đến 400mg/100ml sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong.

Với nồng độ rượu trên 500mg/100ml máu thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh. Tử vong do ngộ độc rượu chủ yếu là do ức chế trung khu hô hấp ở hành não, khiến cho bệnh nhân thở chậm, thông khí kém, dẫn đến thiếu oxy cho não và các cơ quan khác trong cơ thể.

Ngoài ra, trong rượu còn nhiều tạp chất có thể gây ngộ độc cho bệnh nhân. Rượu nấu thủ công có chứa nhiều aldehyde, chất này gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... khiến bệnh nhân dễ bị say rượu và làm ngộ độc rượu trầm trọng hơn.

Có loại rượu được người bán pha thêm hóa chất để tạo ra mùi vị đặc biệt. Các chất tạo mùi này phần lớn có cấu trúc hóa học là carbua hydro thơm, đều rất có hại cho gan và thận. Nói một cách khác, chúng làm hại người uống rượu.

Một số nơi, người nấu rượu sử dụng săm ô tô làm công cụ chứa và vận chuyển rượu. Trong săm ô tô có lưu huỳnh, chất này có thể tan trong dung môi hữu cơ (là rượu). Khi uống loại rượu này, lưu huỳnh trong rượu sẽ được hấp thu vào cơ thể gây hoại tử tế bào gan và gây thoái hóa mỡ.

Bên cạnh đó, người nấu rượu có thể sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu nhằm giảm giá thành sản phẩm. Cồn công nghiệp không phải là thứ thích hợp để pha chế làm đồ uống. Hơn nữa, đã nhiều trường hợp người ta pha nhầm rượu metylic, gây ra ngộ độc và tử vong cho người uống.

Xin nói thêm về rượu metylic, chất này có công thức hóa học là CH3-OH. Rượu metylic có tính chất hóa, lý và mùi vị giống hệt như rượu etylic, vì thế rất khó phân biệt hai loại rượu này. Tuy nhiên, rượu metylic rất độc với cơ thể.

Chỉ cần uống vài chục ml rượu metylic cũng đủ làm cho nạn nhân bị ngộ độc trầm trọng, với biểu hiện hôn mê sâu, mất trí nhớ và mù vĩnh viễn hoặc tử vong. Do rượu metylic được hấp thụ vào máu rất nhanh nên thường nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn, vì vậy rất khó điều trị.

Cách xử lý

Các biện pháp đơn giản như gây nôn cho bệnh nhân có thể hữu ích trong cấp cứu ngộ độc rượu vì chúng giúp đào thải một lượng lớn rượu còn trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thời gian đã xa lúc uống thì biện pháp này ít kết quả vì rượu đã được hấp thụ vào máu.

Cách ứng phó với ngộ độc rượu - Ảnh 1.

Có thể giải rượu bằng các loại hoa quả.

Bệnh nhân nghiện rượu sẽ được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Với trường hợp nồng độ rượu trong máu dưới 200mg/100ml máu, chỉ cần cố định bệnh nhân tại giường, cho uống nhiều nước (chè đường nóng). Sau vài giờ, bệnh nhân sẽ tự hồi phục.

Với trường hợp nồng độ rượu từ 200-300mg/100ml máu, ngoài việc cố định bệnh nhân tại giường, cần cho thêm 100-200mg vitamin B1 đường tiêm bắp.

Có thể truyền glucoza 5% hoặc 10% cho bệnh nhân. Nên rửa dạ dày cho bệnh nhân để loại trừ phần rượu còn trong ống tiêu hóa. Cần theo dõi bệnh nhân về nhịp thở, mạch và huyết áp. Không nên để bệnh nhân ngủ sâu (thường xuyên đánh thức bệnh nhân) để họ khỏi “quên thở”.

Với trường hợp nồng độ rượu trong máu trên 300mg/100ml máu, ngoài xử lý như trên, bệnh nhân nên được đặt monitor theo dõi. Các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp, bệnh nhân cần được đặt nội khí quản và thở máy.

Lưu ý:

- Không dùng thuốc bình thần, an thần và thuốc ngủ cho bệnh nhân vì sẽ gây tăng nguy cơ suy hô hấp.

- Có thể cho bệnh nhân uống cà phê bằng cách bơm qua sonde dạ dày. Chất caffein trong cà phê có tác dụng kích thích hô hấp, chống hiện tượng ngủ “quên thở” của bệnh nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại