Nghị quyết về Yemen: Nga tỉnh táo phá bẫy chính trị cao tay của Anh-Mỹ như thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Hai nước Anh - Mỹ muốn dùng nghị quyết của HĐBA LHQ nhân chuyện mới ở Yemen để khẳng định Iran vi phạm nghị quyết năm 2015 của LHQ nhưng bất thành.

Kết quả trái ngược cho 2 nghị quyết về Yemen

Vừa qua tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Anh đưa ra về diễn biến tình hình mới nhất ở Yemen nhưng với nội dung chính là quy kết trách nhiệm cho Iran.

Có hai điều rất thú vị về ngoại giao ở vụ việc này.

Thứ nhất, không phải nước Anh - trong tư cách là tác giả của dự thảo nghị quyết - tỏ thái độ giận dữ và phê phán Nga gay gắt nhất, mà là Mỹ.

Thứ hai, ngay sau đó, HĐBA lại thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đưa ra cũng về Yemen, đương nhiên là trong đó không đả động gì đến Iran. Dự thảo nghị quyết của Anh được 11 thành viên HĐBA LHQ ủng hộ trong khi Trung Quốc và Kazakhstan bỏ phiếu trắng và chỉ có Nga cùng với Bolivia bỏ phiếu chống.

Có thể nhận thấy ngay được từ hai điều thú vị nói trên là sự phủ quyết của Nga đã làm phá sản ý đồ của Mỹ và đồng minh muốn mượn chuyện ở Yemen để hợp pháp hoá cho việc tập hợp lực lượng thành liên minh đối phó Iran.

Mấu chốt ở đây xoay quanh việc thực hiện nghị quyết từ năm 2015 của HĐBA LHQ về cấm vận vũ khí cho Yemen.

Sau khi lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen phóng tên lửa vào một số mục tiêu ở Ả Rập Saudi, một uỷ ban điều tra của LHQ bao gồm một số chuyên gia đã đi đến kết luận là vũ khí tấn công của người Houthi được Iran cung cấp sau năm 2015. Dựa trên kết luận này, cho dù nó không được phía Nga công nhận, Anh đã đưa ra dự thảo nghị quyết nói trên.

Liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu tấn công các vị trí của quân Houthi

Thực chất câu chuyện ở đây không phải là những cuộc tấn công tên lửa của người Houthi ở Yemen vào Ả Rập Saudi mà là cáo buộc Iran vi phạm nghị quyết cấm vận vũ khí nói trên.

Saudi đã thành lập hẳn liên quân nhiều nước tiến hành chiến tranh công khai và trực diện với người Houthi ở Yemen, nên nếu lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen có tiến hành những hình thức hoặc mức độ tấn công quân sự nào đấy chống trả trực diện Riyadh thì cũng chẳng có gì là khó hiểu.

Đây là chuyện không thể tránh khỏi và thậm chí còn là chuyện thường tình.

Tình hình tiếp tục phức tạp

Xưa nay, nước Anh thường hăng hái theo Mỹ trong mọi ý đồ chiến lược chung cũng như hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, bất kể Mỹ sai hay đúng, có lý do hay dựng bằng chứng giả, chứ nước này khó đóng vai trò quyết định gì.

Ở Yemen hiện tại cũng như thế. Cho nên chuyện dự thảo nghị quyết nói trên thực chất là sự phân vai giữa Mỹ và Anh nhằm mục đích gài bẫy Nga gây bất lợi cho Iran.

Suy tính của hai nước này đại loại là dùng nghị quyết của HĐBA LHQ nhân chuyện mới ở Yemen để khẳng định Iran vi phạm nghị quyết năm 2015 của LHQ, từ đó suy diễn Iran gây mất an ninh và ổn định ở khu vực, hậu thuẫn khủng bố và bất chấp những quyết định chung của LHQ.

Nghị quyết về Yemen: Nga tỉnh táo phá bẫy chính trị cao tay của Anh-Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.

Lực lượng Houthi tại Yemen. Ảnh: Reuters

Đấy cũng là nội dung cơ bản của những cáo buộc của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump về Iran và được chính quyền này sử dụng làm hai việc: Thứ nhất là tập hợp lực lượng trong khu vực thành liên minh, liên quân hay mặt trận đối phó Iran. Thứ hai là biện minh cho chủ ý lật ngược thoả thuận đã cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức ký kết với Iran về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Tehran.

Chỉ cần được HĐBA xác nhận Iran không tuân thủ quyết sách của LHQ, Mỹ và các đồng minh sẽ ngay lập tức kích hoạt cả chuỗi động thái tiếp theo nhằm trực tiếp vào Iran và cũng nhằm cả vào Nga, làm giảm uy tín của Moskva và cản trở Nga tiếp đà thắng lợi quân sự đã đạt được để tăng cường vai trò chính trị ở khu vực.

Nghị quyết về Yemen: Nga tỉnh táo phá bẫy chính trị cao tay của Anh-Mỹ như thế nào? - Ảnh 3.

Bằng quyết định phủ quyết, Nga đã không để bị mắc cái bẫy ấy.

Phản ứng gay gắt của Mỹ cho thấy Mỹ bị thất bại còn nặng nề hơn cả Anh trong chuyện này. Và thiên hạ lại thấy đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley dùng bài "mồm miệng đỡ chân tay" như Mỹ vẫn thường dùng để doạ Triều Tiên và Iran.

Trên thực địa ở Yemen diễn ra cuộc chiến giữa Ả Rập Saudi và liên quân với Iran. Trong LHQ giờ có thêm cuộc đấu giữa Mỹ và Nga nữa.

Cho nên có thể thấy chiến tranh và nội chiến ở Yemen sẽ còn kéo dài, và HĐBA nếu cứ tiếp tục như thế sẽ chỉ làm cho vấn đề Yemen thêm phức tạp và nan giải.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại