“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ

TUẤN SƠN |

Khi nhắc tới vũ khí trang bị, nhiều người thường chú ý tới những dòng vũ khí tối tân, những chương trình phát triển vũ khí tương lai trị giá hàng tỷ USD được truyền thông giới thiệu rộng rãi.

Tuy nhiên, trong biên chế, trang bị nhiều quân đội trên thế giới, thậm chí cả Nga và Mỹ, vẫn có những dòng vũ khí đã có tuổi đời nhiều thập kỷ, nhưng hiệu quả tác chiến của chúng vẫn chưa hề suy giảm, kể cả ở thời điểm hiện tại.

Dưới đây là 5 dòng vũ khí, trang bị đã có tuổi đời tối thiểu 50 năm, thậm chí là hơn trong trang bị Quân đội Nga và Mỹ. Chúng hiện vẫn là “những người lính già gân” trong biên chế hai siêu cường hàng đầu thế giới

Súng phóng lựu RPG-7

Được phát triển vào cuối những năm 1950, đầu 1960, súng phóng lựu chống tăng vác vai RPG-7 được biết tới như một dòng vũ khí chống tăng đơn giản và hiệu quả nhất thế giới khi nó xuất hiện. RPG-7 đã biến một người lính bộ binh thông thường thành sát thủ diệt xe tăng-thiết giáp của đối phương.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga tham gia tập trận với súng RPG-7 / RIAN

Chính vì hiệu quả của súng RPG-7, trong 57 năm qua, đã có khoảng 9 triệu khẩu được sản xuất với nhiều biến thể khác nhau. Giới chuyên gia quân sự thế giới cùng chung nhận định, RPG-7 là vũ khí chống tăng hiệu quả và phổ biến nhất thế giới.

Chuyên gia quân sự Nga, Andrei Kotz nhận xét, RPG-7 được binh sĩ hàng trăm quốc gia trên thế giới đánh giá là vũ khí chống tăng bền bỉ, tin cậy. Cùng với đó, thiết kế đơn giản của vũ khí chống tăng này chứa đựng khả năng “nâng cấp và cải tiến không giới hạn”.

Kể cả các khẩu RPG-7 có tuổi đời hàng chục năm với đạn chống tăng mới sẽ có tính năng tương đương với các dòng vũ khí chống tăng hàng đầu thế giới hiện nay.

Hiện tại, Quân đội Nga đang được trang bị rộng rãi phiên bản RPG-7V2 với thiết bị ngắm bắn quang học cải tiến giúp tăng tầm bắn của vũ khí. Ngoài đạn nổ lõm chống tăng, RPG-7 còn có các loại đạn nổ phá mảnh diệt bộ binh và đạn nhiệt áp diệt các mục tiêu ẩn nấp trong lô-cốt kiên cố.

RPG-7 đã có mặt trong hàng chục cuộc xung đột khắp thế giới kể từ khi nó được giới thiệu. Dòng súng chống tăng này luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trong tác chiến bất đối xứng chống lại các đối thủ có ưu thế vượt trội về phương tiện chiến đấu cơ động.

Xe bọc thép chở quân M-113

Lần đầu tiên xuất hiện trong biên chế Quân đội Mỹ từ năm 1960, xe bọc thép chở quân (APC) M-113 đã chứng minh là dòng phương tiện quân sự hiệu quả. Chính vì sự hiệu quả trong chiến đấu, M-113 được xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Tổng cộng đã có hơn 85.000 chiếc M-113, bao gồm nhiều phiên bản khác nhau được sản xuất. Đây là dòng APC thành công nhất mọi thời đại tới thời điểm hiện tại.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 2.

Xe APC M-113 / Defense News.

APC M-113 có thể chở theo 11 lính. Kết cấu giáp hợp kim nhôm của nó có thể chịu được đạn bộ binh các cỡ. Trang bị hỏa lực của APC M-113 rất đa dạng từ súng máy hạng nặng 12,7mm, súng phun lửa, súng phòng không, tới mô-đun chiến đấu của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley hoán cải.

Trong lịch sử 58 năm tồn tại, M-113 đã có mặt trong hàng chục cuộc xung đột trên khắp thế giới.

Năm 2007, Mỹ chính thức đóng dây chuyền lắp ráp APC M113. Tuy nhiên, Quân đội, lực lượng phòng vệ quốc gia Mỹ hiện vẫn sở hữu tới 13.000 xe M-113, trong đó 8.000 chiếc được niêm cất để sẵn sàng tái trang bị trong tình huống khẩn cấp.

Trong tương lai, thay thế cho xe M-113 là nền tảng phương tiện chiến đấu mới Armored Multi-Purpose Vehicle (AMPV). Mỹ dự kiến, AMPV sẽ bắt đầu được trang bị rộng rãi trong những năm 2020.

Pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad

Tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad (Mưa đá) được Quân đội Liên Xô trang bị từ năm 1963. BM-21 được coi là “người kế thừa” xuất sắc của dòng pháo phản lực Katyusha. Dòng pháo phản lực này nổi tiếng ở hỏa lực công phá diện cực mạnh, thiết kế đơn giản và tin cậy.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 3.

Pháo phản lực BM-21 Grad / RIAN.

Ít nhất đã có 9.000 tổ hợp BM-21 được chế tạo. Nó hiện nằm trong trang bị Quân đội Nga và khoảng 50 quốc gia trên thế giới.

Chuyên gia Andrei Kotz đánh giá, mỗi loạt phóng của pháo phản lực Grad kéo dài khoảng 20 giây. Trong thời gian đó, 40 đạn rocket 122mm được phóng đi và tạo ra hỏa lực hủy diệt trên diện tích 15-20 hecta ở khoảng cách 25-40km. BM-21 có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau như: Nổ phá mạnh, đạn chùm và rải mìn tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.

Súng máy hạng nặng M2 Browning

Theo đánh giá của chuyên gia Andrei Kotz, súng máy 12,7mm M2 Browning chính là thủy tổ của các dòng hỏa lực cá nhân của Quân đội Mỹ hiện nay.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 4.

Súng máy M2 Browning trong biên chế Quân đội Mỹ / DefenseTalk..

“Được trang bị chính thức từ năm 1933, sau 85 năm, súng máy M2 vẫn được Quân đội Mỹ sử dụng. Cỡ đạn tiêu chuẩn 12,7mm của súng máy M2 đã trở thành tiêu chuẩn của nhiều loại vũ khí bộ binh như pháo phòng không, súng bắn tỉa hạng nặng không chỉ của Mỹ, mà cả NATO.

Chính vì thế, có thể coi súng máy M2 và cỡ đạn tiêu chuẩn 12,7mm chính là “ông tổ” của các dòng vũ khí cá nhân hiện đại tại Mỹ ngày nay”, chuyên gia Andrei Kotz nói.

Đã có khoảng 3 triệu khẩu M2 được sản xuất. Trong Thế chiến 2, Liên Xô cũng từng được viện trợ 3.100 súng máy M2. Chúng được sử dụng cho nhiệm vụ phòng không trong biên chế Hồng Quân thời điểm đó.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 StartoFortress và Tu-95 Bear

Thật thiếu sót nếu không nhắc tới các dòng máy bay ném bom chiến lược B-52 StartoFortress và Tu-95 Bear của Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh Lạnh.

Hai dòng máy bay ném bom chiến lược này được đưa vào trang bị gần như cùng thời điểm (B-52 vào năm 1956, còn Tu-95 vào năm 1955) với nhiệm vụ chính là mang vũ khí hạt nhân. Trong suốt 60 năm qua, chúng vẫn phụ trách nhiệm vụ chiến lược đó.

“Những chiếc máy bay ném bom chiến lược khổng lồ, tầm bay xa và sử dụng động cơ turbin đã trở thành huyền thoại của chiến tranh Lạnh. Tới tận ngày nay, “Gấu trắng” Tu-95MS vẫn gây ra ảnh hưởng lớn trong các chuyến bay tuần tra trên không phận quốc tế gần Mỹ và đồng minh”, chuyên gia Andrei Kotz đánh giá.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 5.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS / RIAN.

“Những chiến binh già gân” của Quân đội Nga, Mỹ - Ảnh 6.

Máy bay B-52H / USairforce.

Trong khi B-52 đã tham gia nhiều chiến trường, thì Tu-95 của Nga mới chỉ “góp mặt” tại Afghanistan và Syria.

Không quân Nga hiện vẫn duy trì hoạt động của 60 chiếc Tu-95MS. Chúng đang được tiếp tục nâng cấp sâu với hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa hành trình tầm xa Kh-101.

Trong khi đó, Không quân Mỹ hiện sở hữu 90 chiếc B-52 với khả năng mang bom thông minh và tên lửa hành trình. Cả B-52 và Tu-95 sẽ tiếp tục phục vụ tới những năm 2040 và nghỉ hưu khi lên “lão” ở độ tuổi 90.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại