Vững chân trên đỉnh quyền lực, bây giờ ông Tập mới dám đụng tới "ổ kiến lửa" thực sự ở TQ

Hải Võ |

Lần đầu tiên dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ công an Trung Quốc cam kết thanh lọc cảnh sát thông đồng với các băng đảng xã hội đen.

Hành động của Bộ công an Trung Quốc (BCATQ) nhằm hưởng ứng động thái hồi tuần trước của chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông phát động chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc ở cấp cơ sở.

"Chúng tôi sẽ đào sâu vào vấn đề tham nhũng... và quyết tâm phá vỡ mạng lưới và nơi che chở cho các thế lực đen tối," Bí thư Ủy ban kỷ luật BCATQ, ông Deng Weiping tuyên bố hôm 2/2.

Trình bày trước phiên họp của Bộ này hồi đầu tuần, ông Deng đề cập thực trạng "ô bảo hộ" của cảnh sát đang che chở và giúp các băng đảng lẩn tránh được pháp luật. Dẹp trừ xã hội đen được BCATQ xác định là một trong sáu khu vực sẽ được cơ quan chấp pháp quan tâm đặc biệt trong năm 2018.

BCATQ cũng mở rộng quyền hạn cho người đứng đầu Ủy ban kiểm tra các cấp của hệ thôgns công an, cho phép họ tổ chức các tổ điều tra riêng hoặc yêu cầu bổ sung nhân sự từ các địa phương trong trường hợp vụ việc mở rộng phạm vi đối tượng, hay có liên quand dến những quan chức cấp cao.

Cam kết của Bộ đưa ra sau khi ông Tập Cận Bình xác định tình trạng thông đồng giữa các băng đảng với cảnh sát, đặc biệt là để bảo hộ cho những tổ chức "theo kiểu mafia", đã tạo thành mối đe dọa đối với hoạt động cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vững chân trên đỉnh quyền lực, bây giờ ông Tập mới dám đụng tới ổ kiến lửa thực sự ở TQ - Ảnh 1.

Chiến dịch của ông Tập Cận Bình trong năm 2018 sẽ nhằm vào những cảnh sát bao che, bảo hộ và ăn chia với các tội phạm băng nhóm theo kiểu mafia (Ảnh: Laizhou Public Security Bureau)

Chiến dịch chống tham nhũng - do ông Tập phát động sau khi năm quyền vào năm 2012 - đã hạ bệ hàng loạt quan chức và cựu quan chức cấp cao ở cả trung ương lẫn địa phương. Nhưng vào tháng 1/2018, truyền thông nhà nước công bố mặt trận mới của chiến dịch này, nhằm vào đối tượng là các quan chức cấp thấp ở cơ sở. 

Đây là tín hiệu phạm vi chống tham nhũng được ban lãnh đạo Trung Quốc mở rộng ra quy mô lớn hơn rất nhiều so với 5 năm qua, nhằm chỉnh đốn đội ngũ chấp pháp gần 20 triệu nhân sự (theo số liệu tính tới hết năm 2015), và tiềm ẩn rủi ro bị chống đối từ các cấp cơ sở cao hơn cả cuộc đại cải tổ quân đội của ông Tập - vốn chỉ điều chỉnh biên chế khoảng 300.000 quân nhân.

Chiến dịch thanh lọc bộ máy công an, cảnh sát, và các lực lượng chấp pháp khác của Trung Quốc sẽ có sự phối hợp giữa 30 cơ quan, ban ngành cấp cao của đảng và chính phủ - theo thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình vững chắc để "đụng" hệ thống chấp pháp

Hiện nay, trong vai trò "lãnh đạo hạt nhân" của đảng, với hệ tư tưởng được đưa vào Điều lệ đảng và sắp tới có thể là đưa vào hiến pháp Trung Quốc, đồng thời được tập thể đảng thừa nhận là "lãnh tụ", ông Tập Cận Bình đang có vị thế hết sức vững chắc so với các người tiền nhiệm để có thể chạm tới "ổ kiến lửa" trong hệ thống chấp pháp của nước này.

Đặc biệt, lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc hiện nay đã được chuyển giao về dưới quyền quản lý trực tiếp của Quân ủy trung ương (CMC) - nơi ông Tập cũng đã củng cố vị thế trong Quân giải phóng nhân dân (PLA).

Theo truyền thông nhà nước, ông Tập phát động chiến dịch bài trừ xã hội đen và chống tham nhũng cơ sở trong hội nghị của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), với mục tiêu củng cố vai trò lãnh đạo của đảng cùng lòng tin của công chúng nước này vào ban lãnh đạo.

Tình trạng tham nhũng tràn lan, đặc biệt ở các cấp cơ sở như làng, xã ở nông thôn, từ lâu đã tạo lực cản lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của ông Tập, trong khi ông đã cam kết mục tiêu đưa toàn bộ hơn 1.3 tỉ dân Trung Quốc thoát nghèo vào năm 2020.

Vững chân trên đỉnh quyền lực, bây giờ ông Tập mới dám đụng tới ổ kiến lửa thực sự ở TQ - Ảnh 2.

Một phạm nhân bị đưa đi thi hành án tử hình trong chiến dịch truy quét tội phạm hình sự năm 1983 của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Tại hội nghị của BCATQ ngày 29/1, Ủy ban kiểm tra của Bộ báo cáo có 10.390 sự vụ liên quan đến hành vi trái phép của cảnh sát vào năm ngoái, và đã có 8.159 nhân viên bị kỷ luật.

Một trong những vụ gần đây là phó trưởng đồn một đồn công an ở tỉnh Quảng Đông, Li Weijun, bị bắt giam vào tháng 12/2017 do nhận hối lộ và thông đồng với băng xã hội đen "Anh em Luo" tại địa phương. Li bị phát hiện nhận 7.000 NDT (khoảng 22 triệu VNĐ) từ băng nhóm trên, và còn hưởng hoa hồng từ các sòng bạc ngầm do băng này vận hành.

Khoảng 28 sĩ quan cảnh sát đang bị điều tra tại Quảng Đông, trong đó 3 người đã bị buộc tội. Tất cả đều là các vụ án câu kết giữa cảnh sát và xã hội đen. Các quan chức bị cáo buộc bao che các băng nhóm bằng cách không điều tra những vụ việc dính líu tới các nhóm này, hoặc không ưu tiên điều tra một cách phù hợp.

Trước khi ông Tập lên làm lãnh đạo, chiến dịch chống xã hội đen - gọi là "đả hắc" - nổi tiếng nhất ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Trùng Khánh đã "ngã ngựa". Chiến dịch đã giúp Bạc có được danh tiếng lẫy lừng trong dư luận nước này một thời, đi cùng nghi vấn lạm quyền và cáo buộc lợi dụng "đả hắc" để thanh trừng đối thủ. Bạc bị kết án chung thân năm 2013 với các tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và biển thủ công quỹ.

Với vị thế hiện nay của chủ tịch Tập Cận Bình, chiến dịch của ông được đánh giá là hoàn toàn có thể thu về thành quả lớn, trấn áp tình trạng tội phạm băng nhóm tại Trung Quốc, và giúp ông gây dựng thành tựu cột mốc trong nhiệm kỳ thứ hai. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại