Thấy thiền sư vô tư ăn thịt, Thái hậu nhà Trần thắc mắc và nhận được câu trả lời bất ngờ

Ngọc Thảo |

"Khi trái tim chúng ta mở rộng, những điều tương tự không làm chúng ta đau khổ nữa..."

"Phật là Phật. Anh là Anh…"

Người Việt có lẽ không ai là không biết tới Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh lỗi lạc của triều Trần, và đồng thời cũng là thiền sư khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm của nước ta. Ngài được gọi là Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm.

Thế nhưng có lẽ ít người biết đến vị thầy đã hướng dẫn vua Trần Nhân Tông bước vào thiền môn, được vua Trần Thánh Tông kính cẩn gọi là Tuệ Trung Thượng Sĩ, đó chính là Hưng Ninh Vương Trần Tung.

Ông là anh ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyễn Thánh Thiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông).

Chuyện kể rằng khi đã trở thành nhà tu hành lỗi lạc, một vị thiền sư, một lần Tuệ Trung Thượng Sĩ được em gái là bà Nguyễn Thánh Thiên Cảm - khi đó đã là Hoàng Thái hậu - mời vào cung dự tiệc. Trên bàn có cả món mặn và món chay.

Những tưởng thiền sư sẽ ăn chay, nhưng ông lại gắp không phân biệt chay mặn. Thấy vậy, Thái hậu bèn hỏi:

- Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?

Ông cười đáp với em gái mình rằng: "Phật là Phật. Anh là Anh. Anh không cần thành Phật, Phật cũng chẳng cần thành anh".

"Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao"?

Câu chuyện này được lưu truyền mãi về sau, một phần quan trọng là nhờ chính vua Trần Nhân Tông sau đó đã viết lại trong cuốn "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải".

Hầu hết các lời bình Phật học đều nhất trí rằng câu chuyện "Phật là Phật. Anh là Anh" thể hiện cốt cách phóng khoáng, tự do, tùy tục của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đó là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên ở phần dưới đây, chúng tôi xin bàn thêm về một vấn đề khác: đó là về "thái độ phán xét" của người đời.

Như trên đã thấy, một bậc Thượng Sĩ cốt cách tự do phóng khoáng và trí tuệ phi phàm, khiến cả vua Thánh Tông và Nhân Tông cùng nể phục, vậy mà vẫn không tránh khỏi ánh mắt "dò xét" của người đời - cụ thể ở đây là em gái ông - Thái hậu Thiên Cảm.

Tất nhiên sau đó Thái hậu Thiên Cảm đã ngộ ra điều anh trai nói, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng: tâm thế phán xét dường như luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, và trở thành rào cản để ta có thể thấu hiểu trái tim thật sự của người khác đằng sau dáng vẻ cùng biểu hiện bên ngoài của họ.

Nếu chỉ nhìn một người qua thứ họ ăn cách họ mặc, liệu ta có thể thấy được trái tim và trí tuệ của người đó?

Mỗi người đều có một "lịch sử" riêng

Nhà Phật nhìn nhận mỗi người có một dòng nghiệp khác nhau chảy từ đời này qua đời khác, nên nhân quả của chúng ta không thể giống nhau.

Chúng ta lớn lên mỗi người mang theo lịch sử của riêng và độc nhất mình: gia đình, quê hương, nền giáo dục, những mối quan hệ… Vậy thì tại sao ta lại đòi hỏi và muốn áp đặt người khác phải theo những khuôn mẫu lối sống chung, hoặc là theo ý ta muốn, để từ đó làm cơ sở đưa ra lời phán xét?

Sự phán xét suy cho cùng không thể mang đến điều gì ngoài việc làm cho chúng ta dần xa cách nhau, bởi theo một cách tự nhiên, không ai muốn ở gần người hay phán xét mình cả. Không cảm thông, giận dữ và ghét bỏ… là những cảm xúc tiêu cực hủy diệt các mối quan hệ.

Để chuyển hóa thái độ sống này, bạn cần thực tập để nhận ra và thấu hiểu rằng mỗi người đều có một lịch sử riêng, thì cuối cùng sự cảm thông trước cuộc đời, trước con người sẽ tự nhiên đến với bạn. Và khi đó, các mối quan hệ và ngay chính cuộc sống của bạn cũng thay đổi, hạnh phúc hơn.

Thay đổi thái độ sẽ thay đổi cuộc đời mỗi người chính là bắt đầu từ chỗ đó - dừng phán xét người khác. Chấp nhận mọi người theo cách họ vốn là, đó là trí tuệ nảy sinh thông qua hiểu biết về nhân quả.

Từ sự hiểu biết này, trong chúng ta sẽ xuất hiện sức mạnh, biện pháp giúp chữa lành những mối quan hệ đang ngày một xa cách, đó là: sự cảm thông!

"Khi trái tim ta quá nhỏ bé, sự hiểu biết và từ bi có giới hạn, chúng ta phải chịu đựng nhiều thứ. Khi đó, chúng ta không chấp nhận hay tha thứ cho người khác bởi những thiếu sót của họ và chúng ta yêu cầu họ thay đổi.

Nhưng khi trái tim chúng ta mở rộng, những điều tương tự không làm chúng ta đau khổ nữa. Chúng ta hiểu biết và từ bi hơn, có thể bao dung người khác. Chúng ta chấp nhận người khác như họ vốn là" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

thiensu

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Internet.

* Tham khảo:

- Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, sách do vua Trần Nhân Tông biên soạn, Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng.

- Một số nguồn: Thuvienhoasen.org, Phathoc.net, Wikipedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại