Biển Đông: Khi Mỹ “im hơi lặng tiếng” là lúc Trung Quốc lên tiếng

Minh Thu |

Khi Lầu Năm Góc thầm lặng tiến hành tuần tra trên Biển Đông, Trung Quốc lại mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cớ để tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc đã công khai lên tiếng chỉ trích “hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đông do tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hopper của hải quân Mỹ tiến hành gần bãi cạn Scarborough hồi tuần trước.

Dù bãi cạn Scarborough là khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng Bắc Kinh đã đơn phương khẳng định quốc gia này có chủ quyền không cần bàn cãi ở khu vực này.

Biển Đông: Khi Mỹ “im hơi lặng tiếng” là lúc Trung Quốc lên tiếng - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ - Philippines diễn tập ở Biển Đông hồi tháng 10/2016.

Đây là lần thứ hai trong những tháng gần đây, thông tin Mỹ tuần tra ở Biển Đông được Bắc Kinh lên tiếng xác nhận chứ không phải từ phía Washington.

Chuyên gia an ninh tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington, ông Bonnie Glaser nhận định trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì chính sách tiếp tục tuần tra ở Biển Đông nhưng ở tần suất thấp, thì Trung Quốc lại sẵn sàng công khai lên tiếng chỉ trích để tận dụng cơ hội nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.

“Thật khó để đưa ra kết luận. Tôi không nghĩ rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ dung thứ cho việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh đang chớp lấy thời cơ”, Reuters dẫn lời ông Glaser.

Trong tuyên bố chính thức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang khẳng định Trung Quốc sẽ “đưa ra mọi biện pháp để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia” ở Biển Đông.

Theo một số nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh, tuyên bố của ông Lu liên quan tới việc Trung Quốc sẽ cho triển khai tăng cường binh sĩ và nhanh chóng tiến hành quân sự hóa tại những cơ sở mà Bắc Kinh đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Ngoài ra, khi Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra trên Biển Đông không nhằm vào Trung Quốc và đây chỉ đơn thuần là hành động nằm trong kế hoạch cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc lại đang làm trầm trọng hóa vấn đề và đẩy Mỹ vào cáo buộc làm kẻ khiêu chiến.

Cụ thể, hôm 22/1, tờ People’s Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ phá vỡ nền hòa bình và hợp tác cũng như “gây rối” buộc Trung Quốc phải tăng cường sự hiện diện ở vùng biển chiến lược.

Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh cải tạo tại nhiều hòn đảo và bãi đá để xây dựng các đường băng quy mô lớn cũng như cơ sở quân sự nhằm triển khai binh sĩ và vũ khí ra các khu vực Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Các tàu của lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành tuần tra trên khu vực toàn Biển Đông nhằm theo dõi hoạt động triển khai lực lượng và khí tài của Mỹ cũng như hải quân các nước.

Biển Đông: Khi Mỹ “im hơi lặng tiếng” là lúc Trung Quốc lên tiếng - Ảnh 2.

Chiến lược an nin quốc phòng mới của Mỹ xem Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn.


Chia sẻ với Reuters, ông Zhang Baohui, nhà phân tích an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong Kong cho rằng Bắc Kinh đã cảnh giác trước việc chính quyền của Tổng thống Trump nhấn mạnh vào chiến lược ở châu Á và khả năng Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ ở Biển Đông sau vài tháng "im hơi lặng tiếng".

“Chúng ta sẽ chứng kiến Trung Quốc đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông để trả đũa Mỹ”, ông Baohui nói.

Hồi tuần trước, Mỹ cũng đã cho công bố chiến lược quốc phòng quốc gia mới. Nội dung của chiến lược nhấn mạnh tới việc đối phó với sức mạnh ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng kêu gọi cần có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các đồng minh và đối tác mới trong khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc.

Song theo một số chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách tránh làm bùng nổ một cuộc chiến với quân đội Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang tìm mọi cách lấp khoảng trống năng lực quân sự với Mỹ ở vùng biển chiến lược này.

Cụ thể, Trung Quốc đã cho xây thêm các boongke, nhà kho và lắp đặt hệ thống radar tối tân trên các đường băng mới được xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Trong năm nay, theo giới chuyên gia, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đối với chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa.

Hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ tại bãi cạn Scarborough là lần đầu tiên và lần thứ 5 Mỹ đưa tàu chiến tới gần các khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump.

Vào năm 2012, Trung Quốc đã ngăn không cho ngư dân Philippines tới bãi cạn Scarborough đánh bắt. Hành động của Trung Quốc buộc Philippines phải nộp đơn kiện lên Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan.

Cuối cùng, vào năm ngoái, Trung Quốc đã đồng thuận để ngư dân Philippines quay trở lại các ngư trường ở bãi cạn Scarborough. Song đây vẫn là điểm nóng có thể làm bùng phát xung đột bất cứ lúc nào khi Trung Quốc và Philippines quyết khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của các tàu chiến ở đây. Hành động của Trung Quốc có thể vượt qua giới hạn đỏ mà Mỹ đặt ra liên quan tới hợp ước an ninh với đồng minh lâu năm là Philippines.

Ông Shi Yinhong, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc đã “chung sống” với hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ trên Biển Đông trong vài năm nhưng mọi diễn biến ở Biển Đông vẫn nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Tôi cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không thể làm thay đổ nền tảng cơ bản hiện thời ở Biển Đông”, ông Shi nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại