Khoa học nói gì về sự căng thẳng tâm lý khi cầu thủ đá penalty? Đây là câu trả lời!

Trang Ly |

Đối mặt với thủ thành của đối phương, các cầu thủ thực hiện cú đá penalty phải chịu những áp lực gì? Và đâu là "chìa khóa" để hóa giải những áp lực đó?

Hai trận tứ kết và bán kết trong khuôn khổ Giải U23 châu Á 2018 của đội tuyển U23 Việt Nam với các đối thủ lần lượt là U23 Iraq và U23 Qatar đều kết thúc trong những màn đấu penalty đầy nghẹt thở.

Khoa học nói gì về sự căng thẳng tâm lý khi cầu thủ đá penalty? Đây là câu trả lời! - Ảnh 1.

Có bàn thắng được ghi nhưng cũng có những pha kết thúc không thành công. Trên gương mặt các cầu thủ bóng đá tham dự Giải U23 châu Á 2018 nói riêng và các cầu thủ đối mặt với thủ môn ở chấm 11m trên thế giới nói chung, sự căng thẳng, hồi hộp là điều không thể tránh khỏi sau 120 phút thi đấu thể lực hết mình.

Dưới góc độ phân tích diễn biến tâm lý của khoa học, các chuyên gia nói gì về những thử thách mà các cầu thủ bóng đá phải trải qua khi "mặt đối mặt" với thủ thành đối phương?

Những yếu tố gây căng thẳng mà cầu thủ phải trải qua khi thực hiện cú đá ở chấm 11m

- Yếu tố khách quan:

Trong một trận đấu lớn, đầy áp lực, xung quanh là hàng nghìn/triệu người hâm mộ đang la hét và hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đều đang dõi theo từng động tác nhỏ nhất với hy vọng cầu thủ của mình thực hiện thành công sứ mệnh sút tung lưới đối phương, thì người cầu thủ không thể tránh khỏi những lo âu, căng thẳng.

Áp lực từ người hâm mộ chưa nguôi, họ phải chịu áp lực từ đồng đội và huấn luyện viên, những người đã tin tưởng và giao cho họ trọng trách lớn lao để thực hiện cú đá mà sự thành công hay thất bại đều được quyết định bởi nhiều yếu tố: Bản lĩnh sân cỏ, sự tự tin, may mắn - Hay căng thẳng, áp lực và kém may mắn.

Khoa học nói gì về sự căng thẳng tâm lý khi cầu thủ đá penalty? Đây là câu trả lời! - Ảnh 2.

- Yếu tố chủ quan: (Lớn nhất)

Trên tờ Independent, các chuyên gia người Anh đi thẳng vào vấn đề, họ khuyên các cầu thủ nước nhà phải luyện tập một "tinh thần thép" trước thủ môn của đội bạn: Hãy lờ thủ môn đi - vì thủ môn chính là một trong những yếu tố khiến cầu thủ dễ mất bình tĩnh nhất.

Tiếp theo, nhắm hướng bóng bay vào cầu môn rồi dùng chân thực hiện chính xác đường hướng mà họ vừa vạch ra trong đầu.

Lời khuyên thì luôn có vẻ "hoàn hảo", tuy nhiên, nếu làm được việc này, các cầu thủ có thể đánh bại được thủ thành đối phương, bởi, theo một nghiên cứu, một trong những vấn đề lớn nhất mà các cầu thủ phải đối mặt trong tình trạng lo âu, căng thẳng và mất tập trung khi đối mặt với thủ môn xuất phát từ chính việc quan sát thủ môn của đối phương.

Thay vì chuẩn bị cho đầu óc một tâm thế thoải mái và vạch sẵn đường đi của bóng, các cầu thủ lại dành thời gian lo lắng để chú ý vào thủ môn. Điều này vô hình chung khiến cầu thủ đưa bóng không theo mong muốn.

"Trong tình huống căng thẳng này, sự chú ý của cầu thủ phần nhiều hướng đến thủ môn, điều này làm gián đoạn mục tiêu của cú sút và làm tăng khả năng bóng đi vào người thủ môn, khiến cú đá rơi vào thất bại.", Greg Wood, chuyên gia tâm lý thể thao tại Đại học Exeter (Anh), cho biết.

Khoa học nói gì về sự căng thẳng tâm lý khi cầu thủ đá penalty? Đây là câu trả lời! - Ảnh 3.

Trong các giải đấu bóng đá lớn, không ít thủ thành đã đánh lạc hướng được cầu thủ thực hiện cú đá ở chấm 11m, đơn cử như pha đánh lừa ngoạn mục của thủ thành Bruce Grobbelaar của câu lạc bộ Liverpool trước AS Roma trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ châu Âu 1984.

"Bằng những động tác tay chân, thủ thành hoàn toàn có thể đánh lạc hướng cầu thủ thực hiện cú đá luân lưu, thậm chí, tạo thêm tâm lý căng thẳng cho đối phương", Greg Wood bổ sung.

Như vậy, từ người hâm mộ, từ đồng đội và huấn luyện viên, và từ thủ môn đối phương, ba yếu tố này gây căng thẳng tâm lý cho cầu thủ nhất khi họ phải đối mặt với thủ thành đối phương.

Vậy, chìa khóa để giải quyết vấn đề trên là gì?

Hai chuyên gia Recep Gorgulu (nhà nghiên cứu tâm lý học thể thao) và Tim Woodman (giáo sư kiêm hiệu trưởng của một trường đại học thể thao) khẳng định:

"Chìa khóa để một cầu thủ ghi bàn ở chấm 11m thành công nằm ở việc anh ta dùng chính não bộ của mình để ra lệnh cho sứ mệnh ghi bàn theo hai quy trình: Quy trình vận hành và Quy trình giám sát.

- Quy trình vận hành: có trách nhiệm xác định tất cả các phương án, đường hướng để cho phép cầu thủ thực hiện cú đá thành công.

- Quy trình giám sát: "Giống như một chiếc radar quét tìm thông tin về những kịch bản có thể dẫn đến pha ghi bàn không thành công. Một khi đã xác định nhanh chóng những yếu tố có thể cản trở bóng vào khung thành, đó là lúc quy trình vận hành "ra tay".

Khoa học nói gì về sự căng thẳng tâm lý khi cầu thủ đá penalty? Đây là câu trả lời! - Ảnh 4.

Hai quy trình này diễn ra song song và chỉ trong một thời gian rất ngắn, khi tiếng còi của trọng tài cất lên, cầu thủ phải hoàn thành 2 quy trình và bắt đầu thực hiện cú sút mà não bộ đã vạch sẵn trong đầu.

Trước khi thực hiện cú đá ở chấm 11m, các cầu thủ phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng (hãy tạm quên đi tiếng la hét cổ vũ và những hy vọng từ đồng đội và huấn luyện viên - 1), rồi lờ đi thủ thành đối phương (lúc này hãy nghĩ rằng chỉ có mình - trái bóng - và đích cần đến - 2), rồi dùng não bộ phân tích 2 quy trình - 3, cuối cùng là kết hợp 3 yếu tố lại để ghi bàn thành công.

Với những cầu thủ bản lĩnh, tự luyện cho mình "tinh thần thép" khi phải đối diện với áp lực cao, việc dùng não bộ để phân tích tình hình và nhắm đến mục tiêu cần đạt được thì xác suất thành công của cú đá là rất cao.

Những pha đá ở chấm 11m bất thành của bóng đá thế giới. Video: Youtube

Bài viết sử dụng nguồn: Independent, Wired

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại