MiG-21 đối diện tương lai bị “khai tử” tại châu Âu: Thời oanh liệt nay còn đâu?

Anh Tú |

Tại châu Âu, tiêm kích MiG-21 vẫn đang đảm đương nhiệm vụ ở Croatia và Serbia nhưng cả hai quốc gia này đều đã có kế hoạch cho nó “nghỉ hưu” trong 2 năm tới đây.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tiêm kích MiG-21 và súng trường tấn công AK-47 từng là biểu tượng cho sức mạnh của các nước thuộc khối Xô Viết trong cuộc đối đầu với những nước phương Tây ở châu Âu.

Mặc dù chưa bao giờ tham chiến trong cuộc xung đột giữa NATO và Khối Hiệp ước Warsaw nhưng MiG-21 (NATO định danh là Fishbed), tiêm kích biểu tượng nhất của Liên Xô cho kỷ nguyên máy bay phản lực, lại thường xuyên đối đầu với các chiến đấu cơ của Mỹ và phương Tây tại các cuộc chiến nóng bỏng ở Việt Nam, Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, gần 60 năm kể từ ngày đầu tiên gia nhập Không quân Liên Xô và 33 năm sau khi ngừng sản xuất, tiêm kích đánh chặn một động cơ MiG-21 đang tiến dần tới những ngày cuối cùng còn được sử dụng tại châu Âu.

Với 14.000 mẫu được Liên Xô, Ấn Độ và Tiệp Khắc chế tạo, MiG-21 trở thành chiếc tiêm kích phản lực siêu âm được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử. Thế nhưng hiện nay chỉ chưa tới 10 chiếc MiG-21 là còn đang hoạt động tại châu lục này.

MiG-21 vẫn đảm đương nhiệm vụ ở Croatia và Serbia nhưng cả hai quốc gia đều đã có kế hoạch cho nó "nghỉ hưu" trong 2 năm tới đây.

Croatia, thành viên NATO hiện đang sở hữu 12 mẫu Mig-21 được chế tạo những năm về sau này nhưng nhà phân tích quân sự Denis Kuljis cho biết, tối đa chỉ có khoảng 6 chiếc là còn cất cánh, số còn lại đã được tháo tung để lấy bộ phận.

"Nó từng là chiếc máy bay chủ đạo trong cuộc chiến giành độc lập của Croatia (1991-95), Kuljis chia sẻ. "Nhưng thực sự MiG-21 không còn khả năng đối đầu với các tiêm kích cũng như các hệ thống phòng không hiện đại".

Kulji cho biết, Croatia sẽ sớm lựa chọn chiếc máy bay kế nhiệm, nhiều khả năng là F-16 đã qua sử dụng của Không quân Mỹ để tương thích với các hệ thống của NATO.

MiG-21 đối diện tương lai bị “khai tử” tại châu Âu: Thời oanh liệt nay còn đâu? - Ảnh 1.

Một trong số ít tiêm kích MiG-21 còn đang hoạt động tại châu Âu hiện nay

Theo thời gian, khả năng chiến đấu của MiG-21 đã được tăng cường đáng kể nhưng các nhà thiết kế không cải thiện được lượng nhiên liệu hạn chế của nó cũng như thiếu không gian để lắp đặt các thiết bị điện tử tân tiến.

Một điểm yếu nữa của MiG-21 là khung kính chắn gió khá dày, làm giảm bớt tầm nhìn của phi công - một vấn đề cực kỳ quan trọng trong chiến đấu.

Nhưng bất chấp những hạn chế này, chiếc tiêm kích với vận tốc Mach 2 vẫn được xuất khẩu rộng rãi và trở thành xương sống của không quân hơn 50 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Suốt 30 năm qua, MiG-21 đã tham gia cả chục cuộc chiến lớn nhỏ, nhiều hơn bất cứ tiêm kích nào trong lịch sử.

Trong những năm 1970, Mỹ cho ra đời hai đối thủ vượt trội MiG-21 là tiêm kích F-15 Eagle và F-16 Falcons. Liên Xô sau đó đối phó bằng cách chế tạo MiG-29 và Sukhoi-27. Đến những năm 1980, những chiếc MiG-21 có tuổi đã được điều chuyển thực hiện các nhiệm vụ ở tuyến sau, chẳng hạn như trinh sát.

David Ivry, cựu Tư lệnh Không quân Israel, người từng chiến đấu với MiG-21 trên cương vị phi đội trưởng trong cuộc chiến tranh năm 1967, và chỉ huy trong các năm 1973 và 1982 nói rằng, chiếc tiêm kích đánh chặn này là một mối đe dọa thực sự cho tất cả các phi công phải đối đầu với nó.

"Thế nhưng, khi các máy bay thế hệ 4 F-16 và F-15 ra đời, với lợi thế về khả năng cơ động và các hệ thống vũ khí, MiG-21 trở nên kém hơn hẳn trong tác chiến mặc dù nó vẫn là chiếc máy bay đáng tin cậy và an toàn khi bay", Ivry nhận xét.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và Khối Warsaw tan rã, các cựu đồng minh Đông Âu gia nhập NATO mang theo khoảng hơn 200 chiếc MiG-21 vào biên chế của khối nhưng ngoại trừ một số ít còn được Croatia sử dụng thì tất cả đều đã "hồi hưu".

Theo Alan Warnes, biên tập viên của Nguyệt san Không quân, MiG-21 là chiếc tiêm kích cuối cùng từ những năm 1950 vẫn còn hoạt động và không có một máy bay chiến đấu nào đạt được sự trường tồn lâu như thế.

Video MiG-21 và MiG-23 Nga tham gia truy quét khủng bố tại Trung Đông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại