Sinh viên thuộc làu tiểu sử Jack Ma nhưng chẳng biết vứt rác vào thùng

Bảo Nam |

Lời tự sự của một nhà giáo gợi lên nhiều suy nghĩ về thế hệ sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

Bước vào một cửa hàng tiện ích, đập vào mắt tôi là một sự tương phản. Không gian cửa hàng toát lên hơi thở của sự hiện đại và năng động. 

Nhưng nhìn xuống đất và trên các mặt bàn thì hỡi ôi, nguyên một bãi rác. Vỏ bánh, kẹo, bim bim, chai lọ, tàn thuốc… vứt vương vãi khắp sàn. Và theo lời “tố giác” của nhân viên cửa hàng thì “thủ phạm” là những cô/cậu sinh viên.

Đang dở cuộc nói chuyện với cậu nhân viên chuẩn bị phải xắn tay thu dọn bãi rác đó thì một người đàn ông đã khá cứng tuổi dắt đứa cháu nhỏ bước vào. Ông nhìn quanh, thở dài và nói: “Sinh viên bây giờ thuộc làu làu tiểu sử của Jack Ma, nhưng việc vứt rác vào thùng thì lại không biết”.

Sinh viên thuộc làu tiểu sử Jack Ma nhưng chẳng biết vứt rác vào thùng - Ảnh 1.

Để tránh nóng, nhiều bạn trẻ vô tư tạo hình ảnh xấu trong các cửa hàng tiện lợi

Hỏi ra mới biết, ông đang đương chức hiệu trưởng của một trường cấp 3, từng có thâm niên giảng dạy tại một trường đại học lớn. “Học sinh, sinh viên, tôi tiếp xúc hàng ngày. Chúng biết nhiều thứ trên trời, ngoài vũ trụ, nhưng những việc cơ bản lại không biết.

Có một lần tôi đi mua đồ ăn ở đây. Tình cờ một cậu học sinh nhận ra tôi. Em nó nhanh nhảu xách hộ tôi giỏ hàng, rồi rất thuần thục chen ngang những người đã xếp hàng từ trước, đặt giỏ hàng của tôi vào vị trí thanh toán tiếp theo.

Rõ ràng, chúng ý thức rất rõ việc phải giúp đỡ thầy giáo của mình, hay cao hơn là giúp người lớn tuổi, nhưng lại không ý thức được xã hội văn minh có những quy tắc của riêng nó. Trong trường hợp này là xếp hàng”, vị hiệu trưởng tâm sự.

Vậy tại sao sinh viên, học sinh có thể trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, hiểu biết từ chính trị cho tới bitcoin nhưng việc đơn giản như vứt rác vào thùng hay dừng đèn đỏ lại không biết?

Sinh viên thuộc làu tiểu sử Jack Ma nhưng chẳng biết vứt rác vào thùng - Ảnh 2.

Hình ảnh cô gái vượt đèn đỏ này tới nay vẫn được dùng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng về hành vi ứng xử của các thanh niên trẻ.

Mấu chốt vấn đề là họ làm mọi việc dựa trên thái độ phán xét của xã hội, hay nhỏ hơn là của cộng đồng. Sẽ thật quê mùa với đám bạn nếu bạn chẳng may không biết câu: “Cô là ai, cháu không biết cô, cô đi ra đi” đang gây "sốt".

Sẽ thật kém "ngầu" nếu bạn không biết về đôi giày thời thượng Yeezy boost, chưa từng bước chân vào H&M hay Zara, không rõ chút nào về dòng chảy thời sự, mù tịt về những hot boy, hot girl trên mạng.

Nói chung, giới trẻ sợ bị phán xét một cách trực tiếp bởi những người sống quanh họ.

Tuy nhiên, cộng đồng có quá ít người lên án những hành động bừa bãi nơi công cộng. Do đó, “thủ phạm” ít chịu sự phán xét khiến họ cảm thấy bị xấu hổ, bị đả kích. Phải chăng vì thế mà những hành động vô ý thức, không chỉ riêng của sinh viên, mà cả một bộ phận người Việt cứ thoải mái phô diễn.

Cậu học sinh mà vị hiệu trưởng nhắc tới cảm thấy ái ngại, xấu hổ nếu không giúp đỡ thầy giáo của mình. Cậu ta sẽ bị phán xét, đánh giá thái độ. Tuy nhiên, phải chăng vì chưa từng bị chỉ trích bởi hành động chen ngang khi đang xếp hàng nên cậu không cảm thấy điều bất thường?

Đó chính là vấn đề cốt lõi: Chúng ta không thể lên án, chỉ trích từng hành động kém ý thức của từng cá nhân được, mà phải tạo ra một cộng đồng văn minh để những hành vi vô ý thức phải chịu sự đả kích lớn.

Chỉ khi giới trẻ thấy việc bị lên án khi vứt rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, chen ngang cũng xấu hổ như khi không theo kịp một trend trên mạng xã hội thì may ra những hành vi vô ý thức mới có thể giảm đi.

Những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ hoàn hảo hơn nếu vừa thuộc tiểu sử Jack Ma vừa ý thức được quy tắc ứng xử tối thiểu của một xã hội văn minh. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại