Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt

Hoàng Lê |

Mắc hội chứng Marfan nhiều năm trời nhưng điều trị không hiệu quả, đến năm 14 tuổi khi bắt đầu có kinh nguyệt, cột sốt của cô gái đã cong vẹo rất nặng nề.

Đó là trường hợp của L.Q.N (15 tuổi, quê Kiên Giang). Cách đây 4 năm, N. bắt đầu đi lại khó khăn vì cong vẹo cột sống.

Đến một bệnh viện tại TP.HCM điều trị phục hồi chức năng, tái khám nhiều lần nhưng không cải thiện. Đã có lúc cột sống của Như được chẩn đoán cong vẹo đến 60 độ.

Đến năm 14 tuổi khi bắt đầu có kinh nguyệt, tình trạng cong vẹo cột sống của N. diễn tiến rất nặng, lưng cong như hình chữ S. Đang độ tuổi đi học, ước mơ mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi như bao bạn đồng trang lứa của N. tưởng đơn giản nhưng lại quá xa vời.

Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt - Ảnh 1.

Hội chứng Marfan khiến lưng cô gái 15 tuổi cong như hình chữ S.

Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt - Ảnh 2.

Điều trị bảo tồn trong thời gian dài khiến tình trạng của bệnh nhân nặng nề hơn.

Gõ cửa khắp các bệnh viện lớn nhỏ để mong chữa hết bệnh cho con, đến tháng 4/2017, gia đình N. tìm gặp giáo sư Võ Văn Thành, Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cầu cứu.

Sau khi theo dõi kỹ càng tình trạng hiện tại của N., giáo sư Võ Văn Thành cho biết, bệnh nhân bị vẹo cột sống do hội chứng Marfan.

Phương pháp điều trị bảo tồn đã khiến cho cột sống của bệnh nhân từ một đường cong vẹo thành 3 đường cong lớn: 46 độ, 70 độ và có đường lên đến 110 độ. Lúc nhập viện bệnh nhân chỉ nặng 36 kg, hô hấp khó khăn.

Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt - Ảnh 3.

Giáo sư Võ Văn Thành cho biết, khi nhập viện, N. có dấu hiệu của bệnh tim mạch kèm theo.

"Cong vẹo cột sống trên 40 độ đã có thể chỉ định mổ. Trường hợp nặng như thế này bắt buộc phải phẫu thuật sớm chứ không thể bảo tồn bằng phục hồi chức năng" – giáo sư Thành phân tích.

Do có biểu hiện của bệnh tim mạch, trước khi phẫu thuật, N. được BS tim mạch điều chỉnh nhịp tim, bác sĩ dinh dưỡng giúp tăng cân, nâng đỡ thể trạng. Bệnh nhân cũng được tập phục hồi chức năng trước mổ nhằm giúp thở tốt để chuẩn bị cho ca mổ.

Sau quá trình chuẩn bị kéo dài, đến ngày 26/12/2017, cuộc phẫu thuật chính thức diễn ra. Ca mổ kéo dài 6,5 giờ để nắn chỉnh, hàn xương giúp thay đổi hình dạng cột sống.

Bệnh nhi được bắt 21 ốc, 2 thanh nối dọc, 2 thanh nối ngang để cố định cột sống. Suốt quá trình phẫu thuật, các BS áp dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi để bù đắp 850ml máu bị mất.

Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt - Ảnh 4.

Ca mổ cho N. chỉ kéo dài 6.5 tiếng đồng hồ nhưng quá trình chuẩn bị trước đó là rất cam go.

Kết quả sau mổ, cột sống của N. được nắn chỉnh, sữa chữa trên 64%, chiều cao bệnh nhân tăng từ 1m48 trước mổ lên 1m55.

Hiện tại, N. đã có thể đi đứng thoải mái, tinh thần vì thế cũng lạc quan hơn rất nhiều. Ước mơ được mặc áo dài đang dần trở thành hiện thực.

Thiếu nữ Kiên Giang mắc hội chứng hiểm, cột sống cong vẹo hình chữ S khi bắt đầu có kinh nguyệt - Ảnh 5.

Sau mổ, N. đã có thể ngồi thẳng lưng.

Các BS cho biết, chứng vẹo cột sống thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn nam. Những trường hợp vẹo nặng trên 40 độ cần phẫu thuật vì việc phục hồi gần như không tác dụng, phải phẫu thuật.

Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi để phát hiện bệnh sớm, chọn lựa hướng xử trí kịp thời để việc chữa trị đạt hiệu quả cao nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại